[Q&A] 5 năm nữa, tiền bán lợn của Hòa Phát sẽ nhiều ngang bán thép?

01/04/2015 08:40 AM | Kinh doanh

"Nếu làm tốt, 5 – 10 năm nữa, ngành này sẽ đóng góp vào doanh thu của Hòa Phát ngang ngửa với ngành thép", ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát chia sẻ

Mới đây, chia sẻ về một lĩnh vực kinh doanh mới – chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết công ty mới sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chính.

Một là, thức ăn chăn nuôi: sẽ sản xuất cám cho ngành chăn nuôi gia cầm (gà, vịt...) và gia súc (lợn, bò...).

Hai là, với mảng chăn nuôi, ông chủ Hòa Phát cho biết sẽ không làm tất cả, mà trước mắt sẽ tập trung vào chăn nuôi heo là chính.

“Trong tương lai, lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có thể đóng góp tới 30% lợi nhuận của Hòa Phát” – ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hòa Phát khẳng định.

Q: Kỳ vọng lớn như vậy, Hòa Phát đầu tư vào lĩnh vực mới này bao nhiêu?

A: Kế hoạch năm nay, Hòa Phát chỉ đầu tư 300 tỷ đồng. 5-10 năm tới, khoản tiền đầu tư có thể lên tới 10.000 tỷ đồng.

Q: Đầu tư khủng như vậy, có phải ngành này sẽ được Hòa Phát xem là ngành mũi nhọn ngang ngành thép?

A: Đúng vậy. Nếu làm tốt, 5 – 10 năm nữa, ngành này sẽ đóng góp vào doanh thu của Hòa Phát ngang ngửa với ngành thép.

Q: Có phải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ít cạnh tranh hơn ngành thép?

A: Không hẳn. Ở Việt Nam, hiện có 239 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (con số tôi không nhớ chính xác đến hàng đơn vị). Tôi tin 10 năm nữa còn khoảng 150 là cùng. Nói như thế để thấy là những công ty nhỏ, trong ngành này cũng thế, không có cửa để tồn tại.

Chăn nuôi giờ là đại công nghiệp. Chắc chắn, theo xu hướng, trên biểu đồ, xu hướng chăn nuôi cá thể đang giảm dần. Hòa Phát làm phải làm theo công nghiệp.

Nói rộng ra không chỉ ngành này mà ngành nào cũng thế. Ngành nào làm nhỏ nuôi khoảng 10 con lợn trong trang trại thì không có cách gì có lãi.

Q: Trong ngành chăn nuôi, khoản đầu tư nào là tốn kém nhất?

A: Máy móc, chuồng trại không tốn kém nhiều. Chi phí nằm ở vật nuôi là chính.

Q: Lợn giống của Hòa Phát sẽ được nhập từ đâu? Nuôi ở đâu?

A: Nhập từ Đan Mạch – cường quốc số 1 thế giới về chăn nuôi. Chúng tôi đã kết nối với nhà cung cấp.

Việc chăn nuôi được thực hiện ở cả miền Bắc và miền Nam.

Q: Việc phân phối được thực hiện ra sao?

A: Các đại lý hiện tại của Hòa Phát đang phân phối thép, bàn ghế, nội thất..., không phân phối được thịt lợn và thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên về sau, có thể chúng tôi sẽ thực hiện theo chuỗi như Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) đang làm. Làm từ đầu đến cuối với 3F: Farm (Trang trại), Factory (Nhà máy), và Food (Thức ăn).

Q: Với thị trường chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, ông lớn nước ngoài C.P. đang chiếm thị phần bao nhiêu?

A: Khoảng hơn 20% thị phần trong thức ăn chăn nuôi và 30% trong lĩnh vực chăn nuôi.

Q: Mục tiêu chiếm lĩnh thị phần của Hòa Phát trong mảng này?

A: Dự kiến, mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ chiếm 20% thị phần trong nước.

(Thị phần này tương đương với thị phần mà mặt hàng thép – mặt hàng chủ lực của Hòa Phát – đang chiễm lĩnh thị trường với vị trí số 1 – PV)

Q: Với TPP và nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang rất “máu” trong hội nhập, Hòa Phát có lo ngại viễn cảnh “tối như đêm 30” của ngành chăn nuôi?

A: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) bao giờ cũng có 2 chiều. TPP cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Ngành nông nghiệp nói chung mở cửa thì rất rộng, nhưng gà, lợn không phải dễ dàng nhập khẩu.

[Xem thêm] Gia nhập TPP: Ngành chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”?

Mở cửa thì mở cửa. Việt Nam mình vẫn có lợi thế. Chiều hướng chống hội nhập bao giờ cũng có. Hội nhập gì người ta cũng kêu. Tất nhiên, sức cạnh tranh sẽ tăng lên và hàng hóa thế giới hội nhập nhiều hơn, nghe có vẻ đen tối nhưng xu hướng ấy là bình thường, không tránh được.

Q: Chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực mới toanh và không liên quan gì đến các lĩnh vực mà một công ty chuyên thép như Hòa Phát đang thực hiện. Hòa Phát có định bắt tay với nước ngoài để cùng thực hiện dự án?

A: Công nghệ tự mình phải làm ra, chỉ mua máy móc thiết bị thôi chứ Hòa Phát có lẽ không hợp tác hay liên doanh với nước ngoài. Chủ trương của Hòa Phát là rất ít liên doanh với nước ngoài.

Người ta liên doanh nhằm 2 mục đích: Tận dụng nguồn Vốn Công nghệ nước ngoài.

Vốn thì Hòa Phát không cần. Mình đang giải quyết vốn của cổ đông, làm sao mang ra đầu tư để mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông vẫn tốt hơn là kêu gọi vốn từ nước ngoài.

Công nghệ thì tự mình xây dựng của chính mình chứ công nghệ của nước ngoài thì trông vào đâu? Khi đưa vào liên doanh, có bao giờ nước ngoài cởi mở hết công nghệ? Họ toàn nắm giữ đằng chuôi. Cử người của họ nắm công nghệ và mình hoàn toàn phụ thuộc vào họ.

Hòa Phát không làm thế. Tự mình làm là tốt nhất.

Q: Dự án khoảng bao giờ sẽ chạy?

A: Bây giờ đang bắt đầu chạy. Đầu năm 2016 bắt đầu có doanh thu.

Hòa Phát xây nhà máy trong vòng 1 năm là xuất sắc rồi, không ai nhanh hơn.

Q: Tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, Hòa Phát cạnh tranh trực tiếp với đối thủ nào?

A: Ngành này đủ to để không cạnh tranh với ai. Nó có tính khu vực. Con lợn không giống sắt thép, không thể mang từ đây vào TPHCM mà có lãi.

Q: Còn thức ăn chăn nuôi?

A: Bây giờ nói ra hơi sớm. Nói công khai có vẻ công kích quá nhưng công ty của Hòa Phát sẽ lọt vào top 10/239 doanh nghiệp trong ngành này.

Q: Tiềm năng như vậy, ngành này đóng góp vào doanh thu của Hòa Phát bao nhiêu?

A: Ngoài năm 2022, ngành này kỳ vọng có thể góp được 30% doanh thu. Còn năm 2016, doanh thu từ ngành này chỉ khoảng 800 - 900 tỷ đồng.

>> Ông chủ Hòa Phát tính nuôi 1 triệu con heo

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM