Phớt lờ thị trường Mỹ, bước đi đúng đắn của các doanh nghiệp Trung Quốc

17/11/2015 08:21 AM | Kinh doanh

Theo Bloomberg, việc tập trung vào thị trường nội địa và chưa vội khai thác thị trường Mỹ là một bước đi đúng đắn của các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc.

Nếu nói rằng có nhiều công ty hiện nay đang coi nhẹ thị trường Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này lại đang diễn ra với các công ty công nghệ Trung Quốc khi họ không hề ưu tiên cho thị trường hàng đầu thế giới này và có vẻ cách làm này cũng đem lại một vài hiệu quả nhất định.

Những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang dần có vị thế lớn hơn trên thị trường quốc tế nhờ tận dụng sự bùng nổ Internet và điện thoại thông minh tại quốc gia này. Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, những tập đoàn công nghệ lớn của nước này vẫn có thể tiếp cận tại các thị trường lân cận tiềm năng khác như Ấn Độ hay Đông Nam Á.

Tại Trung Quốc hiện nay, hầu như không có công ty công nghệ lớn nào là thành công chủ yếu nhờ thị trường Mỹ. Hãng tin Bloomberg nhận định nguyên nhân chính là các công ty công nghệ Trung Quốc không cần chinh phục thị trường Mỹ để có thể thành công cũng như việc tìm một chỗ đứng tại nền kinh tế số 1 thế giới là quá khó khăn.

Lý do để các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc không cần thị trường Mỹ để thành công là thị trường nội địa của họ đã đủ lớn để cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay và vị thế của các công ty này trong nước là vô cùng lớn.

Số liệu của Bloomberg cho thấy đã có gần 400 tỷ USD được giao dịch qua trang thương mại điện tử Alibaba trong năm trước, cao gấp đôi so với Amazon.com và eBay cộng lại.

Ngoài ra, trong khi công cụ tìm kiếm Google chiếm hơn 70% tổng số tiền chi cho quảng cáo thông qua tìm kiếm trực tuyến tại Mỹ thì Baidu chiếm 80% thị phần mảng kinh doanh này tại Trung Quốc. Một ví dụ nữa là công ty điện thoại Xiaomi, chiếm khoảng 5% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu nhưng hầu hết doanh số của hãng này lại đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc muốn tìm chỗ đứng trên thị trường Mỹ cũng khá khó khăn. Chuyên gia Neil Shen, đối tác của Sequoia Capital và là một trong những nhà đầu tư chuyên nghiệp về khởi nghiệp tại Trung Quốc, cho biết những công ty công nghệ tại quốc gia Châu Á này đã thiết kế sản phẩm của mình theo phong cách và văn hóa trong nước. Điều này khiến sản phẩm của công ty Trung Quốc khó tiếp cận hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Trên thực tế, một số trường hợp như Levono lại là ngoại lệ khi hãng mua lại mảng sản xuất máy tính cá nhân của IBM cách đây 10 năm. Năm 2014, hãng Levono là công ty sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới xét theo doanh số. Tuy nhiên, mảng kinh doanh trực tuyến lại khó khăn hơn nhiều khi thị hiếu người dùng là vô cùng đa dạng.

Hãng Alibaba đã khai trương 11 Main, một trang web bán hàng trực tuyến tại Mỹ, vào tháng 6/2015 và buộc phải bán lại chỉ 1 tháng sau đó. Hãng tin Bloomberg cho biết nhiều người sử dụng than phiền 11 Main hoạt động thiếu chuyên nghiệp.

Rõ ràng là Alibaba hay các công ty công nghệ khác của Trung Quốc không muốn bỏ qua thị trường số 1 thế giới, nhưng Mỹ không phải là nơi duy nhất những doanh nghiệp này có thể kiếm lợi lớn.

Mới đây, Chủ tịch Jack Ma của Alibaba tuyên bố kế hoạch mở rộng tỷ trọng doanh thu từ nước ngoài của hãng lên 40-50% trong tổng doanh thu. Tuy nhiên, Alibaba không chỉ nhắm đến người tiêu dùng Mỹ mà còn các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Brazil hay Nga. Ngoài ra, hãng Xiaomi cũng đang có kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ, Indonesia hay Brazil.

Trong khi đó, công ty ứng dụng dịch vụ taxi Didi Kuaidi nổi tiếng của Trung Quốc lại đang mắc kẹt với cuộc chiến thị phần trong nước khi đối thủ Uber quyết định đầu tư hơn 1 tỷ USD trong năm 2015 vào đây. Nhiều công ty công nghệ khác cũng không thể quan tâm tới thị trường Mỹ khi vẫn chưa khai thác hết thị trường nội địa và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn khá kỳ vọng vào tiềm năng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Trong số 143 công ty công nghệ có giá trị cao nhất trong bảng xếp hạng CB Insights, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chiếm khoảng 20 vị trí. Đây là một kết quả khá ấn tượng khi ngoài Mỹ và Trung Quốc, không có quốc gia nào chiếm hơn 7 vị trí trong bảng xếp hạng này.

Theo Bloomberg, việc tập trung vào thị trường nội địa và chưa vội khai thác thị trường Mỹ là một bước đi đúng đắn của các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM