Phí vận tải chiếm tới một nửa giá dưa, bộ trưởng Thăng nên ra tay?

26/06/2015 08:33 AM | Kinh doanh

Chi phí các DN thu mua dưa hấu phải bỏ ra trong khâu vận tải cao ngang ngửa với giá thu mua, thậm chí còn cao hơn.

Lâu nay Việt Nam vẫn luôn loay hoay trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Ấy vậy mà năm nào cũng thế, câu chuyện nông sản ế tràn lan, người nông dân được mùa mất giá vẫn mãi tiếp diễn. Trong khi cách bán nông sản từ thiện như dưa hấu, hành tím để hỗ trợ bà con nông dân vốn chỉ là giải pháp tức thời.

Chúng ta đổ lỗi cho thương lái Trung Quốc, chúng ta tìm mọi con đường để nông sản xuất khẩu. Điều này không sai. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu chi phí của mặt hàng nông sản, chúng ta có thể thấy 1 vấn đề lớn hơn nhưng lại có thể nhanh chóng cải thiện được: Chi phí vận tải.

Để hiểu rõ hơn về điều này, hãy thử nhìn vào cơ cấu chi phí cho mỗi kg dưa hấu hiện nay, từ thời điểm thu mua tại vườn cho tới lúc bán ra thị trường Hà Nội.

Trước hết, dưa hấu hiện nay có 3 địa phương chính trồng với 3 loại chủ yếu:

- Dưa Long An (còn gọi là dưa Thái, quả nhỏ hình bầu dục)

- Dưa Quảng Nam (quả lớn hình tròn, vỏ màu sẫm, còn gọi là dưa Mai An Tiêm)

- Dưa Quảng Ngãi (quả lớn hình tròn, vỏ màu sáng, còn gọi là dưa Hồng Lương)

Đầu tiên, với dưa hấu Long An.

Dưa Long An là có trọng lượng 3 – 8kg, quả ngọt, năng suất thấp và chất lượng cao. Thông thường, giá dưa Long An thu mua ở vườn thường được bán ở mức từ 5.000 đồng trở lên.

Để về tới Hà Nội, dưa còn phải qua nhiều loại chi phí khác nhau, lớn nhất là chi phí vận tải. Đây là phần chiếm nhiều chi phí nhất, ngang ngửa với giá thu mua dưa tại vườn. 

Thông thường, xe vận chuyển từ Long An ra Hà Nội có trọng tải từ 10 – 25 tấn, thường mất 2 ngày 1 đêm để về đến Hà Nội.

Xe được chia làm 2 loại. Loại xe có sẵn ở Long An, chở một chiều sẽ tính phí khoảng 4,5 triệu đồng/tấn, tương đương với mức giá 4.500 đồng/kg. Tuy nhiên, loại xe này không phải lúc nào cũng có. Nếu ở địa phương không có xe, DN sẽ phải thuê xe ở Sài Gòn về Long An để thu mua rồi mới chở ra Hà Nội. Mức chi phí sẽ dao động từ 5.000 đồng – 5.500 đồng/kg.

Như vậy, chỉ tính chi phí thu mua tại vườn cộng với phí bốc xếp, vận tải, chi phí để đem dưa về Hà Nội đã đội lên 10.700 đồng/kg. Ngoài những chi phí cơ bản trên, DN còn phải tính đến chi phí bảo quản kho mát , chi phí hao gió, hư hỏng,… Chi phí này chiếm khoảng 20%.

Trong chi phí trên mỗi kg dưa, phí vận tải chiếm 40%, ngang ngửa với giá thu mua từ người nông dân

Với chi phí cho 1kg dưa về tới Hà Nội mất khoảng 12.800 đồng, DN phải bán giá trên mức này mới có lãi. Thông thường, dưa sẽ được bán ở mức trên 13.500 đồng/kg.

Với dưa ở Quảng Nam và Quảng Ngãi - gọi chung là dưa tròn

Lưu ý rằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi là nơi bị ế dưa nhiều nhất trong thời gian qua. Ở địa phương này, chi phí vận tải thậm chí còn cao hơn 1,5 lần so với chi phí thu mua.

Chi phí trồng dưa tròn sẽ ở mức 1.700 – 1.800 đồng/kg, nếu giá thu mua nằm ở mức trên 2.000 đồng/kg thì bà con nông dân sẽ có lãi. Tuy nhiên, dưa vận chuyển từ 2 địa phương này về Hà Nội hay Sài Gòn có quãng đường tương đương nhau, trung bình ở mức 1.700 đồng – 2.500 đồng/kg.

Khó khăn ở chỗ, Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi đều không phải là địa phương có cảng biển hay cửa khẩu, vì vậy không dễ để tìm thấy xe trọng tải hàng chục tấn.

Trường hợp không có xe, DN buộc phải đánh xe từ địa phương khác tới để đưa về, khiến chi phí vận tải đội lên rất cao. Phí vận tải lúc đó sẽ ở mức 2.000 đồng – 2.500 đồng/kg, thậm chí 3.000 đồng/kg vì thực tế, xe đã chạy không mất nửa quãng đường.

Tính theo công thức tương tự, dưa tròn Quảng Nam – Quảng Ngãi sẽ phải bán ở Hà Nội ở mức giá tầm 7.000 đồng/kg.

Như vậy, vấn đề nằm ở chi phí vận tải, tại sao lại cao đến thế?

Theo đại diện một công ty nông sản từng thu mua 3.000 tấn dưa làm từ thiện tại Hà Nội đợt vừa rồi, nếu chỉ tính chi phí nhiên liệu vận tải, nhân công vận chuyển thì chi phí vận tải sẽ không lên cao như vậy.

“Việc các đơn vị thu phí vận tải cao giống như một loại bảo hiểm ‘rủi ro’ với nhiều chi phí phát sinh trên đường”, đơn vị này cho biết.

Để giảm chi phí, đơn vị này cho biết, chỉ có một cách duy nhất là dùng tàu chở hàng. Tuy nhiên, tàu chở hàng quá chậm, bốc dỡ khó khăn và tỉ lệ hỏng lớn, vì vậy, đây cũng không phải là giải pháp khả thi.

Như vậy là nếu giải được bài toán chi phí, đặc biệt tiết kiệm được chi phí vận tải, chênh lệch giá mua đầu vào và giá bán đầu ra sẽ thu hẹp đáng kể. Chưa kể nếu việc vận chuyển diễn ra thuận lợi, tiết kiệm được chi phí, quá trình đưa dưa hấu đến các vùng miền khác sẽ được rút ngắn với chi phí hợp lí hơn.

Trước áp lực đầu ra nông sản khó khăn, nhiều bộ ngành cần tham gia chung sức hỗ trợ. Không chỉ đơn phương Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, mà Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, đặc biệt là Bộ giao thông vận tải cũng nên chung tay giải quyết?

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM