Ông Vũ Tiến Lộc: “Doanh nghiệp Việt đang ngày càng nhỏ đi”

09/06/2015 09:33 AM | Kinh doanh

Có tới 96% doanh nghiệp Việt thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, đáng lo ngại hơn là nhiều năm qua, khu vực tư nhân trong nước đã không lớn lên. Các số liệu thống kê đều cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ đi.

“Đây là hiện tượng không bình thường”

Đó là băn khoăn của chính Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khi chia sẻ với báo chí trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2015).

Theo ông Lộc, một trong những vẫn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là năng lực hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Các thống kê mới nhất cho thấy, có tới 96% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và cực nhỏ; 2% doanh nghiệp quy mô vừa và chỉ có 2% có quy mô lớn.

“Đây là hiện tượng không bình thường! Đáng lo ngại hơn là trong nhiều năm qua, khu vực tư nhân trong nước đã không lớn lên. Các số liệu thống kê đều cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ đi”, ông Lộc chia sẻ.

Trong khi hầu hết là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng trong những năm gần đây, khu vực tư nhân lại đang chiếm tới 49% GDP của cả nước.

Đáng chú ý hơn, trong 49% GDP mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp vào nền kinh tế, có tới 33% GDP đến từ các thành phần kinh tế cá thể. GDP tạo nên chủ yếu lại bởi cách thành phần kinh tế cá thể (chiếm tới 33%) chứ không phải tạo nên từ khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, điều đáng lo ngại là tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên trong vòng 10 năm trở lại đây.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tỷ trọng đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế cá thể vẫn ở mức cao như hiện nay là một tín hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế.

Bởi lẽ, đó là dấu hiệu khẳng định Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún, là lực cản lớn đối với phát triển kinh tế.

Vị lãnh đạo VCCI cũng nhìn nhận, đây là điều đáng lo ngại bởi kinh tế cá thể đóng góp lớn vào GDP sẽ khiến xu hướng li ti hóa doanh nghiệp, kinh doanh manh mún đang lan rộng trong nền kinh tế.

“Vấn đề cốt lõi là làm sao để khu vực kinh tế tư nhân lớn lên được và trở thành đối tác khu vực FDI là điều quan ngại hàng đầu hiện nay. Khu vực tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh mới đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế”, ông Lộc khuyến nghị.

Nút thắt cơ chế và vốn

Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 5/2015, có tới 635 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong tháng này là 4.117 doanh nghiệp, tăng 12,2% so với tháng trước.

Trong đó, có 1.130 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 2.987 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Số doanh nghiệp trước ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong tháng 5 trên cả nước là 1.088 doanh nghiệp, giảm 11% so với tháng 4/2015.

Phần lớn số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể đều là các doanh nghiệp kinh doanh có quy mô nhỏ.

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam cần phải có một khu vực tư nhân đủ mạnh để kết nối và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp dựa trên sự sáng tạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi quan trọng”,

Bởi lẽ, theo ông Lộc, các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia không trông chờ các doanh nghiệp trong nước lớn lên để trở thành đối tác của họ.

Ở góc nhìn tương tự, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khu vực kinh tế tư nhân cần biến thành động lực phát triển kinh tế Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng đừng nên nghĩ rằng, khu vực tư nhân Việt Nam hiện chưa đủ mạnh, đủ trưởng thành để làm việc này, việc khác.

Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn nhưng đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân rất nổi bật như Vingroup, FPT, Hoàng Anh Gia Lai…

Theo ông Lộc, cần có cơ chế, tạo thuận lợi cho việc hình thành các doanh nghiệp sáng tạo, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Đồng quan điểm, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, cùng một dự án nếu doanh nghiệp trong nước có ưu đãi như doanh nghiệp FDI thì họ làm sẽ không thua kém vì FDI khi chúng ta trải thảm đỏ chủ yếu vẫn là khai thác tài nguyên, công nhân giá rẻ…

Tuy nhiên, theo bà Lan, bên cạnh việc tạo ra cơ chế thuận lợi, sự hỗ trợ tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được chú trọng hơn.

Đồng thời, nhà nước cũng không phải tạo thuận lợi tràn lan, chúng ta cần chọn các lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Việt Nam có lợi thế để tập trung thu hút các doanh nghiệp sáng tạo tham gia.

Theo VŨ MINH

Cùng chuyên mục
XEM