Ông Đặng Văn Thành lên Lâm Đồng nuôi bò 'biết uống bia, nghe nhạc'

10/07/2014 16:00 PM | Kinh doanh

Tháng 4-2014, bò Nhật Bản (wagyu) chính thức được Chính phủ VN cho phép nhập khẩu sau nhiều năm chỉ có hàng xách tay hoặc nhập lậu.

Nội dung nổi bật:

- Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công - và ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa, đã hợp tác với một số đối tác Nhật Bản thành lập Công ty cổ phần bò Kobe VN vào năm 2009 với tỉ lệ vốn 50% Nhật và 50% VN (trong đó ông Thành và ông Tuấn mỗi người 25%). 

- Từ năm 2011: Sau khi xây dựng chuồng trại, bò sữa cái được mang về thụ tinh nhân tạo bằng nguồn tinh bò Kobe nhập khẩu từ Mỹ để tạo ra thế hệ bò Kobe đầu tiên tại đây (bò F1). Sau đó vẫn sử dụng tinh bò Kobe Mỹ lai tạo với những con bò cái F1 được tuyển chọn tạo ra bò Kobe F2 (75% máu Kobe), lặp lại quy trình này với bò cái F2 sẽ tạo ra bò Kobe F3 gần 100% máu Kobe. 

- Kế hoạch của Công ty bò Kobe VN, đến cuối quý 1-2015 sẽ xuất xưởng con bò đầu tiên. Tại VN chỉ cần bán trung bình 100 USD/kg thì mỗi con bò Kobe bán ra thu về cả tỉ đồng.



Thế nhưng, ngay từ năm 2009 đã có một công ty đầu tư xây dựng trang trại bò Kobe (loại bò nổi tiếng nhất của Nhật) tại VN.

Trang trại bò Kobe đầu tiên ở VN được xây dựng tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), cách trung tâm thành phố Bảo Lộc trên 20km. Giữa thung lũng trà và cà phê xanh mát, gần 100 con bò Kobe thế hệ F1 (50% máu Kobe) đang được nuôi dưỡng và số lượng tổng đàn vẫn tiếp tục tăng lên theo thời gian.

Bò uống bia, nghe nhạc...

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ trở thành nhà cung cấp con giống bò Kobe chất lượng để chuyển giao cho người chăn nuôi VN"

Ông Đặng Văn Thành



9 giờ sáng, trang trại bò của Công ty cổ phần bò Kobe VN chìm trong tiếng nhạc giao hưởng du dương.

Gần 100 con bò Kobe đang túm tụm nhau đợi công nhân đem thức ăn đến cho vào máng. Khác hẳn với đàn bò sữa ở chuồng gần đó, toàn bộ bò Kobe ở đây được dễ dàng nhận ra bởi toàn thân đen tuyền (dù mẹ chúng là bò sữa).

Những con bò Kobe hiền lành chúi đầu ra dụi dụi vào xe cỏ, vào người công nhân một cách thân thiện rồi thưởng thức thức ăn. Theo chiều dọc của chuồng, trọng lượng bò giảm dần theo tuổi để tiện chăm sóc, bò ăn giặm ở ô riêng, bò vỗ béo riêng, thậm chí bò cái và bò đực cùng lứa tuổi cũng được nhốt riêng tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt.

Dẫn chúng tôi tham quan chuồng trại, ông Nguyễn Trí Đức Vũ, giám đốc Công ty cổ phần bò Kobe VN, cho hay để có được đàn bò Kobe gần 100 con như hiện nay không hề dễ dàng do giống bò này sức đề kháng yếu hơn nhiều so với bò trong nước. Giai đoạn đầu, tỉ lệ chết trên đàn bò con Kobe lên đến 20%, nhưng qua thời gian đã khắc phục và giảm nhiều.

Hơn nữa, không phải cứ có giống bò Kobe là có thể nuôi và cho ra loại thịt bò thượng hạng như tại Nhật. Giống bò là một chuyện, công nghệ và bí quyết nuôi đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Bằng chứng là dù Mỹ bán giống bò Kobe rộng khắp thế giới, nước nào cũng có thể mua, người ta đều biết nuôi bò bằng nghe nhạc, uống bia, mátxa... nhưng không đâu cho chất lượng thịt bò ngon như ở Nhật.

Theo ông Vũ, điểm thành công của dự án tại VN là thuyết phục được một đối tác Nhật Bản đã có ba đời nuôi bò Kobe tham gia. Mỗi năm, chuyên gia này sang VN khoảng bốn lần để kiểm tra quy trình chăn nuôi, đánh giá tốc độ phát triển đàn bò, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho các kỹ sư và công nhân VN... Toàn bộ quy trình xây dựng chuồng trại, quy trình nuôi, quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại trang trại này đều do các chuyên gia nuôi bò Kobe của Nhật Bản thiết kế và chuyển giao.

Thức ăn nuôi bò cũng do các chuyên gia Nhật Bản lựa chọn và lên khẩu phần thành phần dinh dưỡng. Toàn bộ thức ăn cho bò Kobe được dùng từ thức ăn thô chứ không phải thức ăn công nghiệp. Đó là cỏ trồng tại trang trại, bã mía, lõi bắp lên men, gạo tấm VN thay cho bắp nhập khẩu và các chất bổ sung khác.

Quy trình nuôi công phu

Ông Vũ cho biết sau khi xây dựng chuồng trại, cuối năm 2011 những con bò sữa cái đầu tiên mới được đưa về. Qua ba tháng cách ly, bò sữa cái được thụ tinh nhân tạo bằng nguồn giống bò Kobe nhập khẩu từ Mỹ để tạo ra thế hệ bò Kobe đầu tiên tại đây (bò F1). Đến nay, lứa bò Kobe đầu tiên mới chỉ 18 tháng tuổi nhưng đã nặng gần 500kg. Phải mất 10-14 tháng nữa lứa bò này mới đủ trọng lượng và thời gian xuất chuồng.

Bò Nhật Bản được đánh giá là có chất lượng ngon nhất thế giới bởi có vân mỡ phân bố rất đẹp và xen lẫn với cơ thịt. Do đó, càng về những giai đoạn cuối trước khi xuất chuồng, việc chăm sóc càng trở nên quan trọng để bò nạp nhiều năng lượng và giảm tiêu hao năng lượng. Đó là lý do vì sao người ta cho bò nghe nhạc giao hưởng và uống bia. 

Giai đoạn này, bò được ăn thêm cả vào ban đêm để tăng trọng nhanh, được uống bia để thêm năng lượng khi nguồn thức ăn vào cơ thể có giới hạn. Khi lớp mỡ tích tụ dưới da dày lên, người ta dùng máy mátxa để đánh tan mỡ, chuyển chúng thấm sâu vào giữa các thớ thịt. 

“Đây là giai đoạn quan trọng quyết định phẩm cấp các loại thịt bò Kobe. Nhiều người biết quy trình làm nhưng cách làm cụ thể như thế nào phải là những chuyên gia nuôi bò Kobe giàu kinh nghiệm mới thực hiện được. Chỉ cần vân mỡ không thấm đều, nhuyễn ra giữa các thớ thịt mà bị vón cục là thịt bò không đạt chuẩn hạng cao và đương nhiên giá bán sẽ giảm” - ông Vũ chia sẻ.

Theo kế hoạch của Công ty bò Kobe VN, đến cuối quý 1-2015 sẽ xuất xưởng con bò đầu tiên. Các chuyên gia Nhật nhận xét hiện đàn bò của công ty phát triển rất tốt và đúng chuẩn Nhật Bản, dự đoán thịt bò Kobe nuôi tại VN sẽ đạt mức A3 theo thang của Nhật Bản (cao nhất là A4, A5). “Ngay cả tại Nhật Bản người ta cũng không thể biết chất lượng thịt bò đạt loại nào cho đến khi xẻ thịt. Nhưng bí quyết chăm sóc bò sẽ đem lại những con bò có chất lượng cao hơn” - ông Vũ nói.

Do cách nuôi công phu nên bò Kobe theo tiêu chuẩn Nhật Bản có chất lượng ngon nhất thế giới và đương nhiên giá bán cũng rất cao. Giá thịt bò Kobe trung bình tại Nhật đang được bán 170 USD/kg. Mỗi con bò Kobe trưởng thành nặng từ 800-1.000kg, trong đó tỉ lệ thu hồi thịt là 400-500kg. “Tại VN chỉ cần bán trung bình 100 USD/kg thì mỗi con bò Kobe bán ra thu về cả tỉ đồng!” - ông Vũ cho biết.

Bước đầu khó khăn

Thật ra, ý tưởng nuôi bò Kobe tại VN hình thành khi ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công - và ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kềm Nghĩa - có chuyến công tác tại Nhật Bản nhiều năm trước. 

Tại đây, hai ông được đối tác mời thưởng thức món bò Kobe nổi tiếng của Nhật. Thấy món bò quá ngon, ông Thành tìm mua về làm quà cho người thân. Tại nơi bán thịt bò Kobe, dù là một “đại gia” nhưng ông Thành cũng không khỏi bất ngờ khi giá thịt bò Kobe loại trung bình được bán 170 USD/kg, tương đương trên 3 triệu đồng tại VN. 

Tò mò muốn biết loại bò này có gì đặc biệt (bên cạnh chất lượng ngon), ông Thành đã nhờ đối tác tại Nhật giới thiệu tham quan trang trại bò Kobe. Càng được xem và nghe về quy trình nuôi bò do chính các chuyên gia của Nhật Bản với ba đời nuôi bò Kobe giới thiệu, các du khách VN mới cảm thấy để đưa ra được loại thịt bò chất lượng cao đến như vậy là cả một quy trình kỳ công mà có lẽ chỉ người Nhật Bản mới nghĩ ra và cam kết thực hiện. Điều đó giải thích vì sao một vài nước khác cũng có giống bò Kobe như Hàn Quốc, Mỹ nhưng chất lượng bò Kobe của Nhật vẫn được xếp ở một đẳng cấp cao hơn nhiều.

Ngưỡng mộ trước một ngành chăn nuôi cao cấp cũng như nhận thấy nhu cầu loại thịt bò Kobe tại VN, ông Tuấn và ông Thành quyết định mọi cách phải đưa bò Kobe về nuôi tại VN. “Chúng tôi tiếp xúc với một vài đối tác có trang trại nuôi bò tại Nhật Bản đề xuất ý tưởng của mình. Khi đó, tôi nói với họ rằng chúng tôi thật sự mong muốn VN sẽ nuôi được loại bò đặc biệt theo tiêu chuẩn Nhật Bản chứ chưa tính đến lợi nhuận” - ông Thành nhớ lại.

Nhận thấy sự chân thành của đối tác VN, hai người Nhật đã đồng ý tham gia thành lập Công ty cổ phần bò Kobe VN vào năm 2009 với tỉ lệ vốn 50% Nhật và 50% VN (trong đó ông Thành và ông Tuấn mỗi người 25%). 

Sau khi thỏa thuận xong, cuối năm 2009 các đối tác Nhật Bản sang thăm VN khảo sát nhiều nơi và quyết định chọn khu đất đang trồng chè của Thành Thành Công tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Nhưng để chắc chắn, các đối tác Nhật còn lấy mẫu đất, nước tại đây đem đi phân tích để đảm bảo rằng mọi chỉ tiêu về môi trường đáp ứng được tiêu chí nuôi bò Kobe như bên Nhật.

Chuồng trại đã xong nhưng việc có giống bò Kobe chuẩn lại không hề dễ dàng vì Nhật Bản không xuất khẩu giống bò Kobe nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Theo gợi ý của các đối tác Nhật, Công ty bò Kobe VN đã phải nhập khẩu giống bò Kobe từ Mỹ về VN. Mỹ là trường hợp đặc biệt có giống bò Kobe bên cạnh Hàn Quốc do trong lịch sử Nhật tặng nước này ba cặp bò Kobe giống.

Ban đầu, Công ty bò Kobe VN dự định ngay bước đầu sẽ tạo ra loại bò 100% Kobe tại VN bằng cách nhập khẩu phôi bò giống (đã được thụ tinh trong ống nghiệm) rồi đưa về VN cấy vào bụng bò sữa. 

Tuy nhiên, sau khi đánh giá nhận thấy công nghệ này quá phức tạp và đòi hỏi trình độ thực hiện cao nên chuyển sang hướng dùng tinh bò Kobe nhập khẩu phối với bò sữa trong nước để tạo ra bò Kobe F1 (50% máu Kobe). 

Sau đó vẫn sử dụng tinh bò Kobe Mỹ lai tạo với những con bò cái F1 được tuyển chọn tạo ra bò Kobe F2 (75% máu Kobe), lặp lại quy trình này với bò cái F2 sẽ tạo ra bò Kobe F3 gần 100% máu Kobe. “Hiện nay chúng tôi mới chọn được năm con bò Kobe F1 đủ tiêu chuẩn để lai tạo, thời gian tới sẽ cho ra những con bò Kobe F2 đầu tiên tại VN” - ông Vũ cho hay.

>> Khách sạn 2-4 sao: Sự tái xuất của ông Đặng Văn Thành và những tay chơi mới

Theo Trần Mạnh

Sẽ giao nông dân nuôi gia công bò Kobe

Hiện nay, một mặt Công ty cổ phần bò Kobe VN tiếp tục lai tạo ra bò F2 sau đó là F3, một mặt công ty vẫn phát triển đàn F1 để nhân rộng quy mô tổng đàn. Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm một hệ thống chuồng trại mới. Không dừng lại ở đó, theo ông Đặng Văn Thành, sau khi đã có đàn giống F1 đạt chuẩn, công ty sẽ thí điểm mô hình nuôi gia công ra ngoài các hộ dân xung quanh. 

Theo ông Thành, khó khăn nhất trong nuôi bò là tạo giống và bốn tháng đầu tiên thì công ty sẽ lo, sau đó sẽ hợp đồng với người dân đưa bò cho họ chăm sóc tới 26 tháng tuổi rồi lấy về vỗ béo và đưa ra thị trường.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM