Ông chủ tập đoàn Doji 'hào hứng' với kinh doanh hàng trang sức

10/01/2014 11:25 AM | Kinh doanh

Doanh số hàng trang sức của Doji chưa thấm tháp gì so với vàng miếng, nhưng lại tăng trưởng mạnh, margin cao hơn vàng miếng nhiều. Nhu cầu thị trường được cho là không nhỏ

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch tập đoàn Doji cho biết 2 điểm nhấn rõ nét trong hoạt động kinh doanh của Doji năm 2013 là lĩnh vực kinh doanh vàng miếng vẫn khả quan, và sự tăng tốc của mảng vàng bạc đá quý trang sức. Năm trước đó (2012) doanh thu của Doji khoảng 30.000 tỷ, trên 90% đến từ vàng miếng. Cơ cấu này vẫn không sụt giảm trong năm 2013.

Năm vừa qua, mảng kinh doanh vàng miếng, dưới cơ chế quản lý chưa có tiền lệ của NHNN, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng ăn nên làm ra trước đây lâm vào cảnh khó khăn. Theo ước tính nhu cầu vàng miếng của dân chúng đã giảm gần 1 nửa so với các năm trước đây (khoảng 45- 50 tấn), các điểm giao dịch được cấp phép giảm từ khoảng 4000 điểm xuống còn 2800 điểm. NHNN độc quyền cung vàng miếng ra thị trường, quyết tâm đẩy lùi tình trạng vàng hoá nền kinh tế.

Nhu cầu vàng miếng suy giảm dẫn tới khó khăn đến nỗi Ông Nguyễn Thanh Trúc - TGĐ công ty vàng bạc đá quý Agribank đã phải than thở chỉ hoàn thành được 50% kế hoạch KD, ông Trúc còn nói nhiều bạn bè ông trong cùng lĩnh vực đã phải xoay xở làm việc khác.

Vậy mà Doji lại có vẻ không hề hấn gì. "Nhờ hệ thống phân phối tốt và uy tín trong lĩnh vực vàng miếng nên Doji vẫn chiếm được thị phần lớn mà không bị sụt giảm" Ông Phú chia sẻ. Bên cạnh đó, việc NHNN cung vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu đòi hỏi người mua phải có đủ tiềm lực tài chính để tham gia (hiện nay số lượng tối thiếu đặt thầu là 500 lượng - PV).

Không nói cụ thể con số về lợi nhuận của kinh doanh vàng miếng, nhưng ông Phú cho biết nhờ thị trường bớt phân mảnh mà margin (biên lợi nhuận) trên 1 lượng vàng bán ra tăng lên, ví dụ trước đây bán 1 lượng vàng 40 triệu thì lãi khoảng 40.000 đồng, nay tăng lên khoảng 60.000 đồng. 

Nhưng năm nay, ông Phú 'hào hứng' hơn ở lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý trang sức. "Margin của mảng này khoảng 10%" , ông chia sẻ. Lĩnh vực này năm vừa qua mới chiếm khoảng 8% doanh số của Doji, nhưng tăng trưởng 40% so với năm ngoái, trong đó thị trường phía Nam tăng trưởng mạnh. Mục tiêu ở mảng này mà Doji nhắm tới là mỗi năm tăng trưởng ít nhất 50%.

Ông Phú trích dẫn số liệu của hội đồng vàng thế giới ước quy mô của thị trường vàng bạc đá quý trang sức tại Việt Nam khoảng 1 tỷ USD/năm. Thêm thuận lợi nữa là rào cản thuế quan khiến các DN trang sức quốc tế khó cạnh tranh, dù họ có lợi thế về thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, đồ trang sức với người Việt không chỉ để làm đẹp, mà còn có giá trị cất trữ tài sản, 1 tập quán lâu đời.

Trong chiến lược đưa ra, Doji xác định trang sức là lĩnh vực mũi nhọn trong các năm tới, hiện nay tập đoàn này đã xây dựng thương hiệu riêng cho từng dòng sản phẩm, ví dụ Diamond House (trang sức kim cương), Dojiwell (trang sức đá màu), Wedding Land (trang sức cưới), Lộc Phát Tài (nữ trang vàng ta)… 

Theo đánh giá của chính ông Phú, Doji hiện nằm trong top 3 của ngành trang sức Việt Nam xét trên nhiều phương diện, và "room" của thị trường này còn rất nhiều.


Theo Lan Chi

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM