Ông chủ của Zalora và kết quả kinh doanh khó hiểu nhất thế giới

11/12/2015 20:30 PM | Kinh doanh

Dù Rocket Internet, ông chủ của Zalora, Foodpanda và Lazada, cam kết đem lại lợi nhuận từ mảng thương mại điện tử, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chẳng có gì là chắc chắn trong ngành kinh doanh trực tuyến.

Rocket Internet là công ty công nghệ nổi tiếng ở Châu Âu với tổng mức vốn hóa 5 tỷ Euro. Các nhà đầu tư chi tiền cho Rocket không phải vì những ứng dụng tuyệt vời mà công ty đầu tư, hay những thuật toán hoặc công nghệ vượt trội. Họ bỏ tiền đầu tư vì tin rằng chiến lược sao chép các mô hình kinh doanh đã thành công trước đó và phát triển ở các thị trướng mới của Rocket sẽ đem lại hiệu quả.

Đồng sáng lập và là CEO của Rocket, ông Oliver Samwer cho rằng mô hình hoạt động này sẽ là ngày càng phát triển và trở thành xu thế trên toàn thế giới ngoài Mỹ và Trung Quốc.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về cấu trúc hoạt động và mô hình kinh doanh này. Một số công ty mà Rocket đầu tư có doanh thu những không đem lại lợi nhuận. Vì vậy, dù Rocket cam kết rằng đem lại lợi nhuận từ mảng thương mại điện tử, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chẳng có gì là chắc chắn trong ngành kinh doanh trực tuyến.


CEO Olivier Samwer

CEO Olivier Samwer

Tình hình tài chính khó hiểu nhất thế giới

Với lĩnh vực kinh doanh chính là thương mại điện tử, Rocket cho biết hãng có lợi thế tiếp cận bất kỳ thị trường nào mà không phải gặp những khó khăn như thiết lập chuỗi cung ứng. Kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay, Rocket đã có 30.000 nhân viên tại 110 quốc gia. Mục tiêu của hãng là đạt 5,4 tỷ khách hàng thu hút 3/4 số người dùng di động trên toàn cầu.

Để làm được điều này, công ty đã mạnh tay đầu tư trên nhiều lĩnh vực tại nhiều thị trường. Những thương hiệu được sở hữu bởi Rocket bao gồm Foodpanda, Zalora, Lazada, Easy Taxi và một số khác.

Động thái đầu tư mạnh mẽ này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về hiệu quả hoạt động của công ty do Rocket cũng cấp không nhiều thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của hãng.

Theo báo cáo gần đây, doanh thu của hãng 6 tháng đầu năm 2015 đạt 989 triệu Euro nhưng công ty lại lỗ 46 triệu Euro.


Lợi nhuận của Rocket (triệu Euro)

Lợi nhuận của Rocket (triệu Euro)

Trong khi đó, việc phân tích tình hình tài chính công ty khá khó khăn bởi Rocket sở hữu hàng trăm công ty nhỏ cũng như có cổ phần tại nhiều hãng. Chính phủ Đức cũng cho biết Rocket không cập nhật toàn bộ các doanh nghiệp mà hãng sở hữu trong bản đăng ký kinh doanh của mình.

Chính CEO của hãng là ông Samwer cũng thừa nhận cấu trúc của công ty phức tập hơn so với nhiều hãng khác, nhưng cho rằng đây là điều tất yếu của mô hình kinh doanh này.

Những giá trị "tiềm năng"?

CEO Samwer và Rocket khá nổi tiếng tại Châu Âu và Đức bởi việc một công ty công nghệ phát triển nhanh chóng tại khu vực này là điều thu hút được sự quan tâm của mọi người. Hãng đã thu hút được một số quỹ đầu tư có danh tiếng kể từ khi IPO, bao gồm Temasek và Baillie Gifford của Singapore.

Ông Samwer cho rằng việc tham gia đầu tư của những tổ chức tài chính có danh tiếng trên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với Rocket. Rõ ràng, nhiều nhà đầu tư hài lòng với số doanh thu mà Rocket đưa ra, dù lợi nhuận mà hãng hứa hẹn vẫn chỉ là “tiềm năng”.

Một cựu nhân viên của ngân hàng đã từng tham gia xúc tiến IPO cho Rocket nhận định nhiều nhà đầu tư đã quá tin tưởng vào viễn cảnh lạc quan mà CEO Samwer nói cũng như danh tiếng của nhà sáng lập này. Trong khi đó, tình hình tài chính của công ty lại không được đem ra phân tích kỹ càng.


Foodpanda và HelloFresh của Rocket vs Grubhub và Blue Apron

Foodpanda và HelloFresh của Rocket vs Grubhub và Blue Apron

Khi IPO vào năm 2014, tổng số vốn Rocket thu được là 6,7 tỷ Euro và đây là mức vốn hóa lớn nhất tại Đức kể từ năm 2007. Tại thời điểm đó, công ty niêm yết trên sàn Dax Entry Standard, vốn là sàn chứng khoán có quy định dẽ dãi hơn so với các sàn lớn khác về báo cáo tài chính cũng như huy động vốn.

Lúc mới IPO, Rocket tuyên bố sẽ thực hiện các tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong vòng 18-24 tháng tới. Vào tháng 9/2015, hãng bắt đầu công bố báo cáo doanh thu và lợi nhuận cho nửa đầu năm 2015 theo tiêu chuẩn IFRS với khoản lỗ 46 triệu Euro và thông báo sẽ chuyển niêm yết lên sàn chứng khoán chính trong vòng 1 năm tới.

Tuy vậy, các chuyên gia kế toán cho rằng nếu Rocket tiếp tục làm như vậy, khoản lỗ của công ty sẽ còn lớn hơn nữa. Nguyên nhân là theo quy định tại Đức, công ty mẹ chỉ ghi nhận khoản lỗ của công ty con nếu họ nắm giữ hơn 50% cổ phần. Trái ngược lại, IFRS có những quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề này. Trong khi đó, hầu như tất cả các công ty con của Rocket đều thông báo lỗ.

Biện minh cho vấn đề này, CEO Samwer nói rằng nhà đầu tư nên nhìn vào những dự án “tiềm năng” của công ty để xác định giá trị thực sự của công ty thay vì chỉ nhìn vào các báo cáo tài chính.

Mặc dù vậy, những giá trị “tiềm năng” này rất khó để xác định chính xác khi Rocket liên tục kêu gọi vốn.

Ví dụ vào tháng 6/2014, hãng thu hút thêm được 50 triệu Euro cho HelloFresh, một công ty hoạt động trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm, nâng tổng mức vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này lên 130 triệu Euro.


Easy Taxi và Wimdu của Rocket vs Uber và Airbnb

Easy Taxi và Wimdu của Rocket vs Uber và Airbnb

Sau đó 7 tháng, Rocket lại gọi vốn thêm 110 triệu Euro cho HelloFresh và khiến tổng mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán của công ty này đạt 600 triệu Euro. Kết quả là công ty có khoản tăng 270 triệu Euro trên số cổ phiếu nắm giữ của HelloFresh.

Đến tháng 9/2015, số cổ phiếu mà công ty nắm giữ trong HelloFresh đã có giá trị 2,6 tỷ Euro sau khi cổ đông lớn nhất của Rocket là Ballie Gifford mua 3% cổ phiếu của hãng giao thực phẩm trên với giá 75 triệu Euro.

Rõ ràng, HelloFresh đang kinh doanh thua lỗ như nhiều dự án khác của Rocket nhưng nhà đầu tư vẫn mua vào cổ phiếu của hãng do niềm tin vào “tiềm năng phát triển” trong tương lai.

Quyết không thay đổi

Theo tờ Financial Times, có vẻ Rocket đang trải qua giai đoạn đầu của sự phát triển như nhiều công ty non trẻ khác. Họ tăng trưởng doanh số mạnh mẽ nhưng vẫn lỗ, các chuyên gia cảnh báo về rủi ro đầu tư nhưng tiền vẫn đổ vào công ty.

Chuyên gia phân tích Neil Campling của Aviate Global nhận định rất khó để xác định giá trị thực của Rocket cũng như đưa ra một nhận định hợp lý về kết quả kinh doanh bởi cấu trúc phức tạp của hãng.

Kể từ khi niêm yết, Rocket đã có 2 vòng gọi vốn với tổng trị giá 1,15 tỷ Euro. Cùng với đà tăng giá cổ phiếu gần đây, tính đến tháng 9/2015 hãng đã có 1,7 tỷ Euro tiền mặt trong báo cáo tài chính. Như vậy, có thể Rocket sẽ không bị thiếu tiền trong ngắn hạn.


Giá cổ phiếu của Rocket (Euro)

Giá cổ phiếu của Rocket (Euro)

Trước những nghi vấn của nhiều chuyên gia, CEO Samwer vẫn cho rằng công ty của ông không cần phải thay đổi, thay vào đó, Rocket chỉ cần có những lời giải thích hợp lý hơn cho nhà đầu tư.

“Tôi không cho rằng công ty của chúng tôi sẽ thay đổi mô hình kinh doanh đang thành công hiện nay chỉ để phục vụ các nhà đầu tư đại chúng”, ông Samwer nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM