Những vụ bê bối doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2015

06/01/2016 11:43 AM | Kinh doanh

Đối với CEO của Volkswagen hay Martin Shkreli, cựu CEO của Dược phẩm Turing Pharmaceuticals cũng như Sepp Blatter, cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới thì năm 2015 là một năm đáng quên với những vụ bê bối chấn động lịch sử.

Dưới đây là những vụ gian lận lớn nhất trong năm 2015:

Vụ bê bối về lượng phát thải của Volkswagen

Vào tháng 9, khi Volkswagen để lộ rằng hãng này đã cài đặt phần mềm trên hàng triệu chiếc xe nhằm gian lận để vượt qua bài kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ môi trường. Volkswagen đang khiến rất nhiều nhà đầu tư lo sợ và nghĩ đến việc tạm dừng đổ tiền vào.

Volkswagen mất khoảng $20 tỷ giá trị vốn hóa thị trường vì lo ngại của giới đầu tư. Đó còn là các khoản chi phí bồi thưởng khách hàng cho việc bán những chiếc xe không tuân thủ các quy định về môi trường.

Công ty không những phải bồi thường cho khách hàng, mà còn phải đối mặt với các khoản phạt khác từ các cơ quan nhà nước. Thêm vào đó, vụ bê bối này ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng cũng như thị phần của hãng sản xuất xe này.

Vụ bê bối tham nhũng của FIFA

Điều khiến người ta ngạc nhiên là bản cáo trạng của FBI về những vi phạm của các quan chức FIFA lại có liên quan đến Hoa Kỳ, nơi mà bóng đá tụt hậu hơn so với các nước khác.

Tham nhũng là vi phạm gây chú ý nhất. Bởi vì các quan chức của FIFA từ lâu đã bị nghi ngờ nhận hối lộ để cấp quyền phát sóng cho các trận đấu và quyền lưu trữ cho các sự kiện như World Cup,...

FIFA đã truy tố cùng lúc nhiều quan chức cấp cao của FIFA. Vụ bê bối này đã khiến cho các đơn vị tài trợ hàng đầu của FIFA phải hoảng sợ, trong đó có Coca-Cola và McDonald’s. Các đơn vị này đã kêu gọi cơ quan chủ quản sa thải người đứng đầu và tiến hành một loạt cải cách.

Vụ bê bối kế toán của Toshiba

Danh sách này sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến vụ gian lận kế toán của Toshiba. Vào tháng 9, tập đoàn điện tử Toshiba thừa nhận đã “thổi phồng” lợi nhuận của mình gần 2 tỷ USD trong hơn 7 năm, nhiều gấp 4 lần ước tính ban đầu vào hồi tháng 4.

Chủ tịch kiêm CEO Hisao Tanaka đã từ chức. Một điều tra viên độc lập cho biết “Với văn hóa doanh nghiệp của Toshiba, cấp dưới không thể chống lại chỉ đạo của cấp trên. Do đó, các nhân viên bị áp lực trong việc sử dụng các biện pháp kế toán sai bằng cách trì hoãn những khoản thua lỗ hoặc chuyển một số chi phí sang những năm sau.”

Bộ phận bí mật của Valeant

Vào tháng 10, chuyên gia bán khống Andrew Left đã cáo buộc công ty dược Valeant sử dụng nhà buôn thuốc Philidor để thổi phồng doanh thu của mình. Valeant đã phủ nhận những cáo buộc này. Trong thực tế thì Valeant chưa bao giờ thảo luận về mối quan hệ thân thiết với Philidor. Điều này ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư dành cho công ty dược đang nợ chồng chất này.

Valeant đã lập ra một ủy ban đặc biệt có cả điều tra viên bên ngoài để nghiên cứu mối quan hệ của mình với Philidor. Tuy vậy, hiện nay ủy ban này vẫn chưa hề công bố phát hiện nào cả. Valeant cho biết doanh số của Philidor không bao giờ lên tới hơn 7% tổng doanh thu của hãng. Cổ phiếu của Valeant đã giảm 75% sau những phát hiện này, chỉ còn hơn 70 USD từ mức 260 USD.

Bê bối của Valeant còn đến từ việc công ty này mua thuốc độc quyền và đẩy giá lên trời. Một số thành viên của Quốc hội đã yêu cầu tiến hành điều tra về giá thuốc của công ty này. Vào đầu tháng 10, công ty đã xác nhận việc nhận được trát hầu tòa của tòa án liên bang.

Nhiều nhà đầu cơ nổi tiếng, trong đó có Bill Ackman đã bị tổn thất lớn trong vụ bê bối này.

Công ty dược Turing Pharmceuticals và Martin Shkreli

Martin Shkreli và công ty dược Turing Pharmaceuticals đã phải hứng chịu sự chỉ trích kịch liệt khắp thế giới. Hồi tháng 8, công ty này đòi tăng giá đối với loại thuốc Daraprim. Đây là loại thuốc gắn bó với với các bệnh nhân HIV/AIDS trong 62 năm qua với giá 13,5 USD mỗi liều. Tuy nhiên, loại thuốc này sau khi bị Turing Pharmaceuticals thâu tóm đã bị đội giá lên tới 750 USD mỗi liều.

Vào giữa tháng 12, chính phủ đã bắt giữ Shkreli về tội gian lận chứng khoán liên quan tới các hoạt động khi còn điều hành hãng dược Retrophin. Cựu quản lý này bị buộc tội sử dụng cổ phần của Retrophin để trả cho các nhà đầu tư bị mất tiền tại quỹ đầu cơ ông điều hành trong quá khứ. Nhà chức trách đã cáo buộc hành vi của Shkreli tương tự như một phương thức Ponzi.

Shkreli vẫn luôn cho rằng mình vô tội. Ông nói có quá ít bằng chứng về việc gian lận bởi vì các nhà đầu tư của ông không hề mất tiền. Shkreli đã tự gọi mình là người Albania thành công nhất. Tuy vậy, mẹ Teresa (cũng là một người Albania) có lẽ sẽ không tự hào về điều này.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM