Những nhức nhối của ngành thép Việt Nam

02/03/2013 09:40 AM | Kinh doanh

Với tình hình nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất và giá bán hiện nay, phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lượng thép tiêu thụ trong tháng 1 đạt 360.000 tấn, tăng 8.000 tấn (2,2%) so với tháng 12-2012 và tăng 127.000 tấn (54%) so với cùng kỳ năm 2012, nhưng lượng thép tiêu thụ tháng 2 lại giảm hơn 40% so với tháng 1, vì vậy một số doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất, một số DN khác sản xuất không liên tục. 

Với tình hình nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất và giá bán hiện nay, phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ. Giảm chi phí đầu vào là điều kiện sống còn khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt…

Thép tồn kho tăng, doanh nghiệp lỗ

Theo VSA, sản lượng thép xây dựng tháng 2 đạt 260.000 tấn, giảm 83.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Hai tháng đầu năm 2013 đạt 597.000 tấn, giảm 31.500 tấn so với cùng kỳ. Tháng 2, tiêu thụ thép đạt 250.000 tấn, giảm 153.000 tấn so với tháng trước và giảm 139.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Tổng lượng tiêu thụ 2 tháng đạt 653.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với cùng kỳ. Lượng thép thành phẩm tồn kho là 320.000 tấn, tăng 40.000 tấn so với cùng kỳ. Tiêu thụ chậm do nhu cầu thị trường bất động sản vẫn đóng băng và cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài. Lượng thép nhập khẩu các loại trong tháng 2 giảm 35% so với tháng trước và giảm 29% so với cùng kỳ. Tuy còn khó khăn về tiêu thụ, nhưng giá nguyên liệu thế giới lại có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 2. 

Giá thép bán lẻ tại một số địa phương vẫn ổn định so với tháng trước và giá bán hiện nay tại khu vực miền Bắc dao động khoảng 16-17,8 triệu đồng/tấn, miền Nam 16,5-18,0 triệu đồng/tấn. Với tình hình sản xuất và giá bán hiện nay, phần lớn DN sản xuất thép bị lỗ. 

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Năm 2013 sẽ có thêm 5 nhà máy thép vào sản xuất với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Điều này sẽ khiến cho cung vượt xa cầu, làm tăng cạnh tranh trên thị trường thép nội địa. Tiêu thụ thép cả nước hiện nay chỉ khoảng 5 triệu tấn, chưa bằng nửa công suất sản xuất. 

Trong khi việc xuất khẩu thép của DN Việt Nam gần đây bị các nước áp dụng biện pháp tự vệ nhiều hơn, thị trường tiêu thụ trong nước còn khá trầm lắng, việc có thêm nhà máy thép đi vào hoạt động tiếp tục đẩy cuộc cạnh tranh nội bộ ngày càng khốc liệt hơn. Năm 2012, tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2011. 

Do tình hình tiêu thụ trong nước suy giảm nên các DN cố tìm đường xuất khẩu nhằm duy trì sản xuất. Tổng lượng thép các loại xuất khẩu trong năm 2012 đạt hơn 2 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, lượng thép tồn kho của các DN trong nước hiện còn 320.000 tấn, đây là lượng tồn kho không lớn, nhưng cũng không dễ tiêu thụ ngay bởi sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục sau thời gian dài giảm sút.
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty CP Thép Việt Đức.	Ảnh: Thanh Hải
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Thanh Hải

VSA cũng cho biết, chỉ tính riêng sản phẩm thép ống thì sự cạnh tranh trong nước cũng ngày càng quyết liệt. Đến cuối năm 2012 cả nước còn tồn kho 16.000 tấn thép ống. Trong khi giá điện, xăng dầu, than, nước và một số sản phẩm dịch vụ liên quan tăng làm giá thành thép ống tăng cao, nhưng đầu ra của sản phẩm thép ống không tăng, thậm chí bán khá chậm. Một khó khăn khác mà DN thép trong nước phải đối mặt trong năm qua là lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam còn khá lớn. 

Cũng trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn thép các loại với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD. Thép nhập chủ yếu là thép tấm lá đen, tôn mạ, phôi thép, thép không gỉ, ống thép, thép hàn, thép hình, thép tấm lá cán nóng và nhất là thép xây dựng từ Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam. Riêng thép tấm lá cán nóng năm 2012 nhập trên 3 triệu tấn. VSA đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét lại việc cấp phép cho các dự án thép của các địa phương. Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, các tỉnh vẫn tiếp tục cấp phép không theo quy hoạch, trong khi cách đầu tư dự án thép của DN còn manh mún, không hiện đại. 

Vấn đề hiện nay là các DN luyện thép cần nghiêm túc đánh giá hiệu quả của mô hình liên kết kinh doanh theo ngành dọc và xem liệu mô hình phân theo tiêu chí có phù hợp hay không. Những DN này phải nghiên cứu các phương án thay thế về quản lý chi phí đối với nguyên liệu và nguồn cung nguyên liệu. Trước tình trạng tăng trưởng yếu của ngành luyện kim, việc giảm chi phí trở thành điều kiện quan trọng sống còn để ổn định và tăng trưởng kinh tế trong tương lai của các DN sản xuất thép.
Các nhà máy thép dự kiến sẽ đưa vào sản xuất trong năm nay gồm: Thái Trung ở Thái Nguyên (500.000 tấn/năm), An Hưng Tường ở Bình Dương (250.000 tấn/năm), Thép miền Trung (250.000 tấn/năm), Thái Bình Dương (250.000 tấn/năm) và Thép Dana - Ý ở Đà Nẵng (250.000 tấn/năm).
Theo Thanh Mai
Hà Nội mới

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM