Những hợp đồng triệu đô của tuyển Việt Nam thời khủng hoảng

22/02/2013 16:47 PM | Kinh doanh

Vừa trở về sau chiến dịch AFF Cup 2012 thất bại thê thảm, đội tuyển bóng đá Việt Nam (ĐTVN) lại đón tin vui khi nhận được hợp đồng tài trợ lớn.

Dù giá trị cụ thể không được tiết lộ, nhưng nếu biết rằng trước đó, một thương hiệu khổng lồ khác là Nike cũng từng phải chi đến 1 triệu USD mỗi năm chỉ để được cung cấp trang phục cho đội tuyển, thì người ta có thể tin chắc Honda đã phải chi số tiền không hề nhỏ để có vinh dự trở thành nhà tài trợ chính của đội tuyển Quốc gia.

Kiếm bộn từ những hợp đồng khủng

Khi đại diện Honda hồ hởi xuất hiện cùng lãnh đạo VFF và các tuyển thủ Việt Nam trong buổi lễ công bố bản hợp đồng tài trợ, ngay cánh phóng viên theo dõi thể thao lâu năm chứng kiến cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên chứ, bởi từ sau chiến thắng lịch sử tại AFF Cup năm 2008, thương hiệu đội tuyển không còn quá lung linh bởi hàng loạt chiến dịch thất bại. Suốt khoảng thời gian ấy, ĐTVN đã trải qua hai kỳ AFF Cup liên tục trắng tay.

Cùng lúc, 3 HLV cả nội, lẫn ngoại bị VFF đưa lên đoạn đầu đài nhằm xoa dịu nỗi thất vọng cũng như những chỉ trích của dư luận. Trong bối cảnh sa sút phong độ nhằm đúng vào giai đoạn khó khăn của nền kinh tế đất nước, nhiều người bi quan đã dự báo về một thời kỳ ăn đong đầy thử thách của ĐTVN. Tuy nhiên, thực tế diễn ra có vẻ đã đi ngược lại những suy đoán thông thường.

Bắt đầu từ nhãn hiệu trang phục thể thao khổng lồ đến từ Mỹ Nike, ĐTVN vẫn được coi là một thương hiệu đầy sức hút trong mắt các nhà tài trợ. Còn nhớ, trong buổi lễ ký kết chính thức giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Nike diễn ra cuối năm 2008, dư luận đã bị sốc khi các bên tiết lộ tổng trị giá cho bản hợp đồng kéo dài 5 năm lên đến 5 triệu USD. Ngày ấy, nhiều người vẫn bảo con số khủng đó là nhờ hiệu ứng của chức vô địch AFF Cup năm 2008.

Nhưng sau Nike, hàng loạt tên tuổi đình đám khác vẫn tiếp tục xếp hàng để trở thành những nhà tài trợ vàng, tài trợ chính hay đồng tài trợ cho đội tuyển như Panasonic, Động Lực hay Yamaha. Lẽ dĩ nhiên, cũng như Nike, số tiền mà các doanh nghiệp này phải bỏ ra đều được ước tính lên đến bạc tỷ. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Động Lực với bản hợp đồng 4 năm có hiệu lực bắt đầu từ năm 2010. Giá trị cả gói mà doanh nghiệp nội địa này phải chi ra lên đến xấp xỉ 16 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị hiện vật (7.974.400.000 đồng là bóng thi đấu) và quảng cáo thương hiệu (7.704.060.000 đồng).

Trở lại với thương vụ gần nhất mà đội tuyển Việt Nam ký kết thành công với Honda, số tiền tài trợ (hay nói cách khác là nghĩa vụ nhà tài trợ) phải chi ra đã không được các bên tiết lộ cụ thể (điều cũng thường thấy ở nhiều bản hợp đồng khác  - PV). Tuy nhiên, người ta đoán chắc rằng tấm séc mà Honda phải chi ra sẽ không thấp hơn Động Lực, Panasonic hay thậm chí cả Nike, với vai trò nhà tài trợ chính.

Như thế cũng có nghĩa, phía sau tuyên bố đầy xã giao của ông Masayuki Igarashi rằng: "HVN đã nhìn thấy những mục tiêu, ước mơ của bóng đá Việt Nam, đó là cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hiện thực hóa khát khao chiến thắng cũng như giúp cho nền bóng đá Việt Nam phát triển và điều này hoàn toàn phù hợp với triết lý kinh doanh mà HVN luôn theo đuổi từ ngày thành lập. HVN tin tưởng rằng LĐBĐVN cùng các tuyển thủ, HLV của đội tuyển sẽ cùng nhau quyết tâm đạt được ước mơ chung về một nền bóng đá Việt Nam phát triển, xứng tầm khu vực châu Á". Động cơ và mong muốn quyền lợi thực sự của nhà tài trợ khủng này đối với đội tuyển Việt Nam nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung vẫn là điều thật sự đáng bàn.

Đằng sau nghịch lý

Trước khi nhảy vào tài trợ cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, Nike đang là nhà cung cấp trang phục cho hàng loạt đội tuyển mạnh khác của khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia. Dĩ nhiên, khi tiếp tục gõ cửa ĐTVN và chi ra số tiền không thể cưỡng lại cho một bản hợp đồng kỷ lục (vào thời điểm cách đây 3 năm), Nike lộ rõ ý đồ muốn thông qua ĐTVN để đánh bóng tên tuổi, đồng thời xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

3 năm kể từ khi bản hợp đồng được ký kết, chưa có một thống kê đầy đủ, cụ thể nào về những tăng trưởng lợi nhuận mà Nike đạt được nhờ tác động từ việc trở thành nhà tài trợ trang phục cho đội tuyển. Nhưng điều mà ai cũng thấy, là thương hiệu Nike được nhắc đến ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tần suất xuất hiện dày đặc qua mỗi chuyến tập huấn, mỗi giải đấu mà ĐTVN tham dự rõ ràng là cái lợi vô hình, cách PR không thể tốt hơn cho một nhãn hiệu đang muốn khai phá thị trường mới.

Trường hợp mới nhất của Honda có thể ít nhiều khác biệt so với Nike trước đó. Dù sao, với thâm niên và thị phần đã giành được tại Việt Nam (ước tính lượng sản phẩm lũy kế lên đến hơn 10 triệu xe máy), thì khái niệm khai phá thị trường rõ ràng không phải là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, như nhận định của một quan chức bóng đá Việt Nam, thì mục đích cuối cùng của Honda thông qua bản hợp đồng lớn này chắc chắn vẫn là tận dụng sức hút lớn của bóng đá với dư luận để quảng bá sâu rộng hơn tên tuổi của mình.

Mục đích của các nhà tài trợ là khá dễ đoán định. Nhưng rõ ràng thì đi kèm với những mong muốn này, yêu cầu về mặt thành tích đối với Đội tuyển Việt Nam sẽ là một vấn đề đáng bàn. Chúng ta đang có nhiều nhà tài trợ lớn, thậm chí là những thương hiệu khổng lồ của thế giới như Nike hay Honda. Song nếu những thất bại, như 2 kỳ AFF Cup liên tiếp vừa qua, cứ lặp đi lặp lại trong tương lai, chuyện giữ chân các nhà tài trợ (chưa kể đến việc nâng giá trị hợp đồng hay mở rộng về số lượng) sẽ trở nên đặc biệt khó khăn. 

Đã có những nguồn tin bên lề chưa được kiểm chứng xuất hiện liên quan đến việc Nike đang cân nhắc khả năng có tiếp tục gia hạn hợp đồng tài trợ cho các ĐTVN nữa hay không, sau khi bản hợp đồng 5 năm hiện tại đáo hạn, bởi quan ngại thành tích yếu kém của đội tuyển. Nhà tài trợ gần nhất của đội tuyển, Honda, nói rằng họ chưa có kế hoạch hay yêu cầu chính xác nào. Nhưng để có được sự cam kết gắn bó lâu dài, thì tính tương tác qua lại, mà cụ thể ở đây là thể hiện về phía ĐTVN phải là tích cực.

Trở lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam sau những bản hợp đồng khủng thì đòi hỏi của nhà tài trợ là một áp lực lớn, nhưng chắc chắn cũng là động lực. Một chuyên gia lão làng trong làng bóng đá sau khi chứng kiến bản hợp đồng mới nhất giữa Honda và ĐTVN đã nhận định: "Chúng ta đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, đặc biệt khi nhận được sự hậu thuẫn tài chính chưa bao giờ ổn định và dồi dào đến thế. Có lẽ, sự dồi dào này cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy VFF bứt phá, làm mới đội tuyển suốt thời gian qua. Đợt tập trung gần đây nhất, người ta đã thấy xuất hiện hàng loạt ngôi sao trẻ đầy triển vọng và đặc biệt, là hai ngôi sao Việt Kiều Michal Nguyễn, Mạc Hồng Quân. Trong đó, Mạc Hồng Quân được kỳ vọng sẽ là người thay thế Công Vinh đóng vai trò tiền đạo mũi nhọn ở tương lai gần.

Trước mắt, SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm sẽ là đấu trường lớn đầu tiên mà các đội tuyển Việt Nam (cụ thể là U23) có dịp thi thố để chứng tỏ mình. Không chỉ hàng triệu người hâm mộ dõi theo bước chân của các tuyển thủ, quan chức VFF và chính các nhà tài trợ nữa, cũng sẽ hồi hộp trông chờ thắng lợi tại đấu trường quan trọng này. Với bóng đá Việt Nam nói chung và đội tuyển nói riêng, những chiến thắng làm nên một thời kỳ vàng son mới, chắc chắn mang nhiều ý nghĩa không chỉ trên khía cạnh thể thao thuần túy.

Đội tuyển Việt Nam vẫn mỏi mắt tìm thầy

HLV Hoàng Văn Phúc đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thi đấu khá thành công tại trận mở màn VL ASIAN Cup (Thua UAE 1-2). Nhưng thực tế, ông chưa hề nhận được đề nghị ký kết hợp đồng dài hạn từ phía quan chức VFF mà chỉ là một HLV tạm quyền. Bóng đá Việt Nam, thực tế từ sau triều đại của phù thủy Calisto vẫn đang đỏ mắt đi tìm sự ổn định trên băng ghế huấn luyện. Falko Goetz đã đến và ra đi trong ê chề thất vọng. HLV Phan Thanh Hùng được bổ nhiệm với hy vọng có thể mang đến luồng sinh khí mới cũng đã phải từ chức. Liệu sau bản hợp đồng tài trợ khủng vừa nhận được, ĐTVN có tự mở cho mình một thời kỳ mới may mắn hơn?

Theo Minh Trí
Người đưa tin

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM