Nhựa gia dụng cao cấp: Nhường sân cho đối thủ ngoại

23/12/2013 15:40 PM | Kinh doanh

Với việc chỉ mải mê với phân khúc nhựa gia dụng bình dân mà bỏ quên “sân” cao cấp, để các đối thủ ngoại tung hoành.

Nội dung nổi bật:

- Hiện ngành nhựa hiện có khoảng hơn 1.200 DN tham gia sản xuất, tập trung trong đó, phân ngành nhựa gia dụng chiếm đến 20% tổng số DN.

- Với những nỗ lực giành lại thị trường hiện nhựa gia dụng VN đã chiếm khoảng 90% thị trường nội địa. Song chỉ mải mê với phân khúc nhựa gia dụng bình dân mà bỏ quên “sân” cao cấp, để các đối thủ ngoại tung hoành.

- DN VN không đầu tư sản xuất các sản phẩm cao cấp không phải vì không đủ tiềm lực mà do đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp trong nước.



Ông Phạm Trung Cang -  Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam Hiệp hội nhựa VN: ngành nhựa hiện có khoảng hơn 1.200 DN tham gia sản xuất, tập trung ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... trong đó, phân ngành nhựa gia dụng chiếm đến 20% tổng số DN.

Chiếm trận nhỏ

Có thể nói, sự trở lại của DN nhựa gia dụng VN bắt đầu từ khoảng 5 năm trở lại đây, sau làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc lan rộng. Tận dụng cơ hội này, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, thay đổi chiến lược.

Xuất phát từ một hợp tác xã sản xuất manh mún, thiết bị lạc hậu, Nhựa Song Long đã mạnh dạn thế chấp nhà xưởng để vay tiền mua trang thiết bị, máy móc hiện đại, tổ chức lại sản xuất, nghiên cứu nhu cầu và tung ra hàng loạt sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, thị trường có hơn 500 mặt hàng mang nhãn hiệu Song Long đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại VN, Lào và Trung Quốc. Để mở rộng kênh phân phối, đơn vị này đã xây dựng khoảng 55 tổng đại lý bán hàng trên cả nước.

Trong khi đó, Cty CP Đại Đồng Tiến lại đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển để tung ra những dòng sản phẩm đẹp, chất lượng và giá thành hợp lý. Ông Trịnh Chí Cường - Tổng giám đốc Cty Nhựa Đại Đồng Tiến chia sẻ: “Vào thời điểm năm 2008, tôi đã cho thành lập phòng R&D (nghiên cứu và phát triển), bộ phận mà trước nay Đại Đồng Tiến chưa bao giờ nghĩ tới. Đại Đồng Tiến có nhà máy với quy mô 64.000m2 tại tỉnh Đồng Nai chủ yếu sản xuất theo yêu cầu về sản phẩm cho y tế (chất lượng cao) và thực phẩm. 

Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà sáng tạo thông minh chứ không đơn thuần là một nhà sản xuất giỏi. Hiện Cty đã xây dựng mạng lưới hơn 700 đại lý trên toàn quốc và đưa hàng vào các siêu thị lớn như Big C, Maximark, Co.opmart, Vinatexmark..."

Bỏ trận lớn

Mặc dù chiếm ưu thế trên thị trường nội, nhưng các nhà sản xuất trong nước chỉ mới phát triển được những sản phẩm bình dân như bàn ghế, chậu xô, rổ nhựa... mà không có chiến lược quảng bá cho từng dòng sản phẩm. Đặc biệt, các DN cũng không có mục tiêu phát triển dòng sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với hàng ngoại.

Lock&Lock là một minh chứng. Ý định ban đầu của Lock&Lock khi đầu tư nhà máy tại VN là nhằm xuất khẩu sang các thị trường khác. Nhưng nhận thấy sức tiêu thụ ở VN rất lớn, nên hãng này đã chọn đầu tư cả nhà máy lẫn hệ thống phân phối tại VN. Đến nay, Lock&Lock đã đầu tư 3 nhà máy tại VN là nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, tỉnh Đồng Nai; nhà máy sản xuất sản phẩm thủy tinh và nhà máy sản xuất sản phẩm nồi, chảo tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Nhãn hàng này cũng đã có 20 cửa hàng, trong đó 13 cửa hàng tại TPHCM và 7 cửa hàng tại Hà Nội & Hải Phòng. Lock&Lock dù đi sau nhưng lại vượt trội trong hệ thống phân phối khi đã xây dựng được 300 kênh bán hàng bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng qua truyền hình...

Theo các chuyên gia, chính xu hướng sử dụng các sản phẩm an toàn cho sức khỏe đã khiến Lock&Lock tạo nên một cơn sốt tại thị trường VN. Và không chỉ có Lock&Lock, trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng nhựa gia dụng cao cấp như: Biokips (Cty Komax Việt Nam), BioZone (Cty TNHH HomeTech), Incense... Tùy theo số lượng sản phẩm cũng như thương hiệu mà mức giá của các hãng ngoại đưa ra cao hơn gần chục lần so với những sản phẩm nhựa đơn thuần đang bày bán trên thị trường.

Theo những nghiên cứu gần đây của Cty Nghiên cứu thị trường Fredonia Group (Mỹ), nhu cầu về hộp bảo quản thực phẩm (nói chung) trên thế giới giai đoạn 2011-2013 dự đoán tăng 3,8%/năm và đạt 124 tỷ USD vào năm 2013.

Những nhân tố tác động đến sự tăng trưởng này chủ yếu do sự tăng trưởng về sản xuất thực phẩm trên toàn cầu, trong đó người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm đóng gói sẵn. Trong khi đó, số DN tham gia trong phân ngành nhựa gia dụng cao cấp rất ít, đếm trên đầu ngón tay và sự đầu tư còn quá manh mún.

Phân khúc hộp bảo quản thực phẩm chỉ là ngách rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm gia dụng nên ít được chú trọng. Nhưng rõ ràng, sự bành trướng của Lock&Lock tại VN trong thời gian ngắn cho thấy dường như các DN nhựa trong nước đã bỏ qua một cơ hội lớn trong thị trường nhựa gia dụng.

Đâu là điểm yếu?

Trở lại câu chuyện của Đại Đồng Tiến, ngay sau khi cho ra đời phòng R&D, Cty này đã tung ra dòng sản phẩm hộp đựng thực phẩm kháng khuẩn Sina - dòng sản phẩm cao cấp áp dụng công nghệ diệt khuẩn nano-silver bảo quản, giúp thực phẩm tươi lâu. Tuy nhiên, chính ông Cường cũng phải thừa nhận Sina là một sản phẩm hợp thời nhưng chưa thực sự thành công, một phần do nó được tung ra vào thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, DN yếu về vốn nên việc đầu tư sản xuất và làm thương hiệu cho dòng sản phẩm này vẫn còn hạn chế.

Tương tự, Tân Lập Thành cũng cho ra đời sản phẩm hộp đựng thực phẩm cao cấp Happi Look nhưng cũng chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Thậm chí, có một số người tiêu dùng còn nhận định sản phẩm Happi Lock của Tân Lập Thành ban đầu khiến họ nhầm lẫn với Lock&Lock từ cái tên cho đến mẫu mã.

 DN VN không đầu tư sản xuất các sản phẩm cao cấp không phải vì không đủ tiềm lực mà do đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp trong nước.


Giám đốc một DN trong ngành nhựa chia sẻ: “Nếu tính khoảng thời điểm Lock&Lock vào VN, nhãn hiệu này cũng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Song vấn đề nằm ở chỗ có thể các DN nội đã đánh giá chưa đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhìn vào cục diện hiện tại, thật khó để DN trong nước đuổi kịp nhãn hiệu này”.

Tất nhiên, theo các chuyên gia, một phần lý do để Lock&Lock nhanh chóng tăng độ phủ là vì tiềm lực tài chính mạnh, một điểm nổi trội hơn hẳn các DN trong nước. Song đó cũng chính là động lực để các DN nội đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu phát triển để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ ngoại.

Trong đợt ra mắt tại VN, ông Martin Skryja - đại diện lãnh đạo tập đoàn Elmich - tập đoàn đa quốc gia chuyên về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gia dụng cao cấp nhận định, DN VN không đầu tư sản xuất các sản phẩm cao cấp không phải vì không đủ tiềm lực mà do đánh giá thấp nhu cầu tiêu dùng hàng cao cấp trong nước.

Theo nhận định của giới chuyên môn, các tập đoàn sản xuất hàng gia dụng nước ngoài lựa chọn VN và xem đây là thị trường tiềm năng với các sản phẩm cao cấp, có rất nhiều dư địa để khai thác. Dự báo những năm tới, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa gia dụng cao cấp sẽ tăng khoảng 5%/năm. Đón đầu cơ hội này, DN cần mạnh dạn và tự tin đi những bước tiến mới, đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu thị trường, nâng cấp máy móc thiết bị, tăng cường năng lực thiết kế cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phân phối sản phẩm.


Theo Nguyễn Linh

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM