Nhìn từ vụ K+, AVG và VTV: Bản quyền bóng đá tại VN - Rẻ hay đắt?

08/04/2012 11:18 AM |

“Bản quyền bóng đá” là một trong những cụm từ nhạy cảm nhất với bóng đá VN, bao tranh cãi từ vụ K+ nắm bản quyền Ngoại hạng Anh, AVG mua bản quyền V-League 20 năm và nay là VTV mua bản quyền Euro 2012.


Thực chất những vụ “lùm xùm” này cần được hiểu như thế nào?

Từ miễn phí...

Cần nói ngay là ai đã từng đi nước ngoài về cũng “ngộ” ra một điều: Người hâm mộ bóng đá Việt Nam thuộc loại “sướng” nhất thế giới. Mỗi dịp cuối tuần, cứ bật tivi là thấy truyền hình trực tiếp bóng đá, đủ các giải đấu, từ châu Âu cho tới Nam Mỹ, được phát miễn phí, hoặc nếu trả tiền thì cũng rất rẻ.

Trong khi đó, ở nước ngoài, ai muốn xem bóng đá trực tiếp trên truyền hình, nhất là với các giải đấu lớn, thì phải trả tiền phí rất cao. Nhiều người hâm mộ khi ra nước ngoài công tác, đúng dịp diễn ra các giải đấu lớn, thường phải bấm bụng vào quán bar, với phí đồ uống gấp nhiều lần so với ở nhà thì mới có cơ hội theo dõi đội bóng yêu thích của mình thi đấu.

Nói tóm lại, ở Việt Nam thì khái niệm “bóng đá phục vụ nhân dân” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Còn ở các nước phát triển, bóng đá từ lâu đã được coi là một thứ hàng hóa sinh lợi nhuận cao, ai muốn xem thì phải trả tiền, đơn giản là vậy.

Chính vì lý do đó mà khi những công ước bản quyền có hiệu lực ở Việt Nam, khi mà các nhà tổ chức nhìn thấy Việt Nam là một thị trường màu mỡ, thì bóng đá trên truyền hình đã không còn miễn phí như trước nữa.

Nói cách khác, Việt Nam bắt đầu đi theo quy luật tất yếu như ở các nước khác, đó là xem bóng đá thì phải trả tiền, bởi đã qua rồi cái thời “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép”, vì hầu hết các hãng truyền hình lớn đều đã có đại lý tại Việt Nam.

Nhưng như đã nói, do quan niệm “bóng đá phục vụ nhân dân” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nên khi một đơn vị nào đó đứng lên tuyên bố “tôi đã mua độc quyền giải đấu này, ai muốn xem thì phải trả phí,” thì y như rằng đơn vị đó phải hứng chịu màn “ném đá” của dư luận, rằng họ đã quay lưng với người hâm mộ. 

Các vụ K+, AVG và VTV độc quyền như kể trên, người hâm mộ đều phản ứng một cách gay gắt, với sự cổ vũ nhiệt tình của giới truyền thông, mà ít ai để ý tới một sự thực là chúng ta làm như vậy có nghĩa là cổ vũ cho nạn xâm lấn bản quyền, một trong những vấn đề cấp bách nhất trong kỷ nguyên công nghệ số.

... Cho tới bị ép giá

Trong chuyện này, các nhà đài kêu gọi người hâm mộ hãy tôn trọng bản quyền, song bản thân các nhà đài cũng cần phải hợp tác vì lợi ích của người xem truyền hình.

Một nhà báo theo dõi vấn đề bản quyền truyền hình lâu năm phân tích, trong thời buổi mà các đơn vị truyền hình đua nhau mọc ra như hiện nay thì để cạnh tranh, các đơn vị đều quyết tâm mua độc quyền (bản quyền) một giải đấu nào đó.

Điều ấy đã dẫn tới kết cục là các đối tác nước ngoài có điều kiện để ép giá, đẩy giá trị thực của các gói bản quyền lên cao ngất ngưởng, đặc biệt là với gói độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam. 

Chẳng hạn trước đây, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC mua gói không độc quyền giải Ngoại hạng Anh với giá 1 triệu USD trong ba năm.

Nhưng đến năm 2010, K+ (đơn vị liên doanh giữa VTV và Canal+ của Pháp) đã mua gói độc quyền vào ngày Chủ nhật trong ba năm với giá lên tới 8 triệu USD, các đơn vị còn lại phải mua các gói không độc quyền vào thứ Bảy với các mức giá 300.000 USD cho tới 1,8 triệu USD. Tổng cộng, số tiền mà các đài phải bỏ ra lên tới 13 triệu USD. 

Thực tế này đã thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền, theo đó hiệp hội này sẽ đại diện cho các nhà đài đứng ra thương thuyết với đối tác nước ngoài, tránh tình trạng bị ép giá.

Tuy nhiên, có vẻ như hiệp hội vẫn chỉ hoạt động về mặt hình thức, bởi với giải vô địch Euro 2012 tới đây, mặc dù Bộ Thông tin - Truyền thông đã giao VTV đứng ra mua bản quyền của giải đấu này (sau đó chia sẻ cho các đơn vị khác), nhưng theo bật mí của chính đại diện VTV thì số tiền bỏ ra vẫn cao gấp nhiều lần con số 2 triệu USD hồi Euro 2008.

Một cách hiểu đơn giản, tiền bản quyền tăng cao thì đương nhiên sẽ dẫn tới phí thuê bao tăng cao, hoặc đổi lại là các trận đấu sẽ bị chèn nhiều spot quảng cáo để các nhà đài bảo đảm nguồn thu. Chung quy, chỉ có người hâm mộ là chịu thiệt, trong khi chất lượng phục vụ (nhất là khâu bình luận) thì còn nhiều điều phải bàn.

Theo PHƯƠNG VY 

Doanh nhân Sài Gòn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM