Nhiều ngành đang... chờ chết ? (Kỳ III - Ngành gỗ)

31/05/2012 08:38 AM |

Chi phí đầu vào cho ngành sản xuất đồ gỗ, chủ yếu là chi phí nhập gỗ nguyên liệu tăng trung bình từ 10-15% trong khi đó, giá các sản phầm đồ gỗ không thể tăng vì sẽ mất khả năng cạnh tranh.

Kỳ III: Ngành gỗ - tiến thoái lưỡng nan

Chưa kể tới khó khăn cơ bản là thiếu vốn khiến nhiều DN ngành gỗ ngừng hoạt động thì chính những bất hợp lý về giá đã và đang đẩy các DN ngành này vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Khó khăn chồng chất

Báo cáo từ Hiệp hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP HCM (Hawa): Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2010. Thế nhưng lợi nhuận thực tế cho các DN xuất khẩu đồ gỗ lại không đáng kể bởi chi phí nguyên liệu đầu vào và lãi suất cao. Hiện nay, 80% nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ nước ngoài, nên DN thiếu chủ động trong sản xuất và bị ép giá ảnh hưởng tới doanh thu. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, do thiếu vốn để nhập khẩu gỗ nguyên liệu hồi đầu năm đã khiến cho nhiều hợp đồng lớn không thể ký, vì DN lo ngại thiếu nguyên liệu. Thêm nữa, đầu năm 2012, giá gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng cao cụ thể giá gỗ nguyên liệu đã tăng hơn 10% so với năm trước. Thực tế đó, đẩy DN lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.

Anh Nguyễn Văn Mùi, trưởng phòng marketing Cty CP Hà Nam cho biết: “Thị trường xuất khẩu khó khăn đã đành, nhưng thị trường trong nước càng ảm đạm hơn. Nếu như tháng 3/2012, doanh thu bán hàng toàn hệ thống là 28 tỉ đồng thì tới tháng 4 giảm xuống còn 20 tỉ đồng. Hàng tồn kho nhiều cộng với chi phí nhập gỗ nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng nên hiện Cty chỉ sản xuất cầm chừng”. Trong khi đó, các DN ngành gỗ đang gánh thêm một gánh nặng “nuôi quân”. Dù sản xuất giảm nhưng không thể cho người lao động nghỉ việc vì hầu hết họ đều có tay nghề và đã gắn bó nhiều năm với Cty. Bởi thế, “hiện Cty CP Hà Nam có tất cả 800 công nhân viên, tính trung bình mức lương từ 3,5-8 triệu đồng thì chi phí nhân công/tháng là một con số không hề nhỏ” - anh Mùi chia sẻ.

80% nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ nước ngoài.

Đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản VN nhìn nhận: Với DN ngành gỗ đang đứng trước nhiều khó khăn do những biến động mạnh về tỷ giá USD, chi phí đầu vào tăng phi mã, vốn vay với lãi suất trên 20%... Trong khi đó khoảng 70% DN ngành gỗ có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, khó tiếp cận nguồn vốn vay dẫn đến vòng quay vốn chậm, hiệu quả sản xuất không cao, không tạo ra được giá trị cao cho sản phẩm và khó cạnh tranh.
Chờ đợi hay tự cứu mình ?

Hầu hết các DN ngành gỗ đều lao đao vì thiếu vốn. Điển hình là anh cả Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dù đã giảm mạnh tỉ lệ vốn đầu tư vào BĐS nhưng DN này vẫn cần khoảng 2.581 tỉ đồng trong năm 2012 để trả 800 tỉ đồng nợ gốc; 1.738 tỉ đồng trả lãi và 3.712 tỉ đồng đầu tư cho các lĩnh vực khác ngoài BĐS, trong đó, riêng sản xuất gỗ cần 397 tỉ đồng. Tuy nhiên, để có nguồn vốn này không phải chuyện đơn giản. Thiếu vốn, nên DN cứ phải khất lần với khoản nợ thuế hơn ngàn tỉ đồng cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được khó khăn thực sự mà mình đang đối mặt. Vì thế, sẽ có hai kịch bản xảy ra: Một là trông chờ vào quyết sách từ phía nhà nước rồi mới “lựa cơm gắp mắm”. Hai là, DN phải tự cứu mình bằng những cách khác nhau. Kịch bản thứ hai có vẻ được nhiều DNVVN lựa chọn. Bằng chứng là Cy CP Hà Nam đang xúc tiến việc mở trung tâm điện máy. “Chuyển hướng đầu tư sang một lĩnh vực mới, không phải là lựa chọn mong muốn, nhưng trong tình huống cấp bách, DN phải chuyển hướng đa ngành nghề để hỗ trợ nhau” - đại diện Cty CP Hà Nam chia sẻ.          

Theo N.Thành
  Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM