Nhật Bản: Khi doanh nghiệp câu kết bóc lột sức lao động người nước ngoài

12/01/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp Nhật cố tình quên mất rằng khi công ty hưởng lợi từ sự nỗ lực và sự cống hiến của nhân viên thì nhân viên cũng xứng đáng được đối xử tử tế.

Người ta từng nói rằng trong nội tại nền kinh tế Nhật, các công ty sản xuất lớn bao gồm công ty ô tô, sản xuất thiết bị và những công ty khác giữ vị trí “xương sống” của kinh tế Nhật đều ngầm bắt tay với nhau để đẩy các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.

Và điều tương tự cũng đang diễn ra đối với nghề dạy tiếng Anh tại Nhật: Thay cho việc nâng lương để thu hút thêm nhân tài thì các công ty kinh doanh dịch vụ dậy tiếng Anh lại cùng cấu kết với nhau để hạ lương của người nước ngoài, ngăn cản họ chuyển chỗ làm.

Adrian John là một giáo viên người Anh tại Nhật. Anh đến Nhật khi đọc được thông tin tuyển dụng vô cùng hấp dẫn. Với mỗi một giờ làm việc anh sẽ được trả 2.100 yên, chưa kể các phúc lợi và bảo hiểm khác.

Thế nhưng đến khi bắt đầu vào làm việc, đại diện của trường nói với anh rằng anh chỉ cần dạy 40 phút và sẽ được trả 1.400 yên. Mức lương này cao gấp đôi so với lương theo giờ tại các cửa hàng tiện lợi, thế nhưng nếu so sánh vậy thì hoàn toàn không hợp lý bởi để được tuyển làm giáo viên tiếng Anh, Adrian phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về trình độ và bằng cấp.

Anh phải có bằng đại học ở các trường uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế hoặc khoa học xã hội nhân văn.

Nhiều công ty duy trì chế độ đãi ngộ kém đối với giáo viên tiếng Anh tại Nhật bởi họ lý luận rằng giáo viên tiếng Anh nước ngoài sẽ chẳng ở Nhật lâu chính vì thế chẳng có lý do gì mà họ được hưởng quyền lợi công việc tương đương như người Nhật.

Thế nhưng các công ty này đã quên mất một điều rằng khi mà công ty hưởng lợi từ sự nỗ lực và sự cống hiến của nhân viên thì nhân viên cũng xứng đáng được đối xử tử tế. Suy cho cùng, nếu không có giáo viên bản ngữ thì người Nhật cũng chẳng thể nào có những sản phẩm dạy tiếng Anh đúng chuẩn.

Người Nhật thường nói với nhau câu chuyện như sau: Khi cái ao bị ngập nước, con bọ cạp đề nghị con ếch rằng hãy cõng bọ cạp lên đầu và chở nó qua sông. Con ếch từ chối với lý do nó sợ con bọ cạp sẽ cắn chết nó trên đường đi. Bọ cạp trấn an rằng nó sẽ không làm như vậy đâu bởi cả hai sẽ cùng chết đuối. Con ếch nghe thấy cũng có lý nên đã đồng ý cho con bọ cạp trèo lên lưng và cả hai con cùng bơi.

Đi được nửa đường, cuối cùng con bọ cạp cắn con ếch thật và cả hai con cùng chết. Trước khi chìm xuống, con ếch nói với con bọ cạp rằng tại sao con bọ cạp không hiểu rằng cả hai đang cùng đi xuống địa ngục với nhau, con bọ cạp trả lời: “Tao không thể không cắn mày được, đó là bản tính của tao.”

Câu chuyện tương tự có thể áp dụng với những gì đang diễn ra trong nhóm các công ty kinh doanh dịch vụ dạy tiếng Anh cho người Nhật ở Nhật (eikaiwa). Khi các công ty cùng bắt tay nhau giảm phúc lợi, lương thưởng cho giáo viên dậy tiếng Anh, kết quả họ cũng chẳng thể kinh doanh kiếm lời được và các giáo viên cũng mất việc, cả hai cùng chịu thiệt trong “cuộc chạy đua đến cái chết”.

Trong bối cảnh nền kinh tế của các nước nói tiếng Anh đang cải thiện trong khi kinh tế Nhật chững lại, khi điều kiện làm việc tại Nhật ngày một kém hấp dẫn hơn, giáo viên tiếng Anh bản ngữ đơn giản sẽ về nước họ làm những công việc khác, và người Nhật vốn đã kém tiếng Anh sẽ còn kém tiếng Anh hơn.

Những năm gần đây, ngành ngày một suy yếu hơn khi số lượng các vụ lạm dụng sức lao động của người nước ngoài diễn ra thường xuyên, không ít các vụ kiện cáo đã xảy ra, đặc biệt trong năm 2015.

Những công ty tuyển dụng người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Nhật đã “sáng tạo” ra chế độ giờ giấc làm việc 29,5 tiếng/tuần. Đó là một cách để họ khai báo với chính phủ rằng họ đang tuyển dụng người nước ngoài làm việc bán thời gian, vì vậy họ sẽ tránh được rất nhiều các loại thuế, phí, bảo hiểm.

Theo ông Chris Flynn, người đứng đầu nghiệp đoàn giáo viên tiếng Anh chi nhánh Fukuoka, khẳng định quy định về 29,5 giờ tiếng làm việc mỗi tuần giúp công ty trốn được nhiều loại chi phí, và họ dùng chính số tiền đó để tiếp tục tuyển thêm giáo viên mới, gây sức ép với giáo viên cũ để tiếp tục duy trì được chế độ đãi ngộ kém.

Năm 2015, một vụ kiện đình đám đã diễn ra tại thành phố Tokai, tỉnh Aichi. Một giáo viên tiếng Anh đã nộp đơn kiện vì bị lạm dụng sức lao động và trả lương quá thấp. Với đầy đủ bằng chứng và lý lẽ, cuối cùng tòa án đã phán quyết giáo viên này thắng kiện bởi kết quả tìm hiểu của họ cho thấy trên thực tế anh làm việc nhiều hơn 29,5 tiếng/tuần.

Chính phủ Nhật đang tiến hành đưa ra những chính sách thay đổi đầu tiên. Theo đó từ năm 2016, đối với những công ty lớn (có từ 500 nhân viên trở lên) sẽ buộc phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe và đảm bảo chế độ hưu trí cho tất cả nhân viên làm việc từ trên 20 tiếng/tuần. Quy định này dự kiến sẽ được mở rộng áp dụng với tất cả các công ty lớn nhỏ trong ngành.

Tuy nhiên ngay sau khi quy định trên được đưa ra thì một số công ty lớn trong ngành lập tức tính đến việc chia nhỏ công ty ra nhiều công ty nhỏ có quy mô dưới 500 nhân viên và cùng lúc đó sa thải bớt một số nhân viên để lách luật. Như vậy có thể thấy chừng nào chính phủ Nhật chưa siết thật chặt các quy định đối với các công ty ở mọi quy mô thì họ sẽ vẫn tiếp tục xử ép với giáo viên nước ngoài.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM