Nhẫn nhục trước bầu show, 'chua chát' đòi tiền tác quyền

16/11/2011 12:45 PM |

Chỉ 10% đơn vị tổ chức biểu diễn hoàn thành nghĩa vụ tác quyền. Đa số các bầu show đều có những chiêu chây ì, lách luật, “lươn lẹo” hoặc “dìm giá”.

“Chúng tôi đành chịu thua dù là đại diện bảo vệ tài sản hợp pháp cho các công dân. Vô cùng đau lòng, buồn tủi và bẽ bàng bởi rất nhiều bầu show không coi hàng nghìn nhạc sĩ ra gì”, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC thốt lên.

Nhẫn nhục trước bầu show

Theo Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), trong số khoảng 400 buổi biểu diễn đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (CNTBD) và Sở VHTT&DL Hà Nội cấp phép trong 11 tháng năm 2011, chỉ có 42 đơn vị tổ chức biểu diễn hoàn thành nghĩa vụ tác quyền, chiếm tỉ lệ 10%. Đa số các bầu show đều có những chiêu chây ì, lách luật, “lươn lẹo” hoặc “dìm giá”. Tới nay có trên 2.000 nhạc sĩ đã ủy thác cho VCPMC theo dõi, cập nhật hoạt động liên quan đến việc sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ. Tuy nhiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương tỏ ra đau lòng khi nhắc đến chuyện “đi đòi” tiền bản quyền, quyền lợi được pháp luật thừa nhận, bảo hộ.

“Luật sở hữu trí tuệ khẳng định tác phẩm là tài sản của tác giả. Tác giả có quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn vì rất nhiều người đã có được giấy cấp phép biểu diễn của các Sở VHTT&DL hoặc Cục NTBD và nghĩ rằng mình không cần phải xin phép tác giả nữa”, ông Phương chia sẻ.

Có ba hình thức trốn tránh, đối phó mà các bầu show thường dùng. Thứ nhất là phớt lờ hoàn toàn, coi như việc nộp tiền không phải nghĩa vụ của mình. Thứ hai là xin ít, nhưng diễn nhiều, chẳng hạn nộp tác quyền ba bài nhưng hát 7 – 10 bài. Thứ ba, hoặc nộp tiền ba buổi diễn ở Hà Nội, nhưng thực tế lại diễn tới ba tháng khắp cả nước.
 
Một số bầu show có đến Trung tâm làm việc, nhưng cố tình đưa ra mức giá không thể chấp nhận được rồi chây ì không nộp. Số khác thì “chơi khó” bằng cách tới trung tâm làm việc vào giờ tan sở, khoảng 6-7 giờ tối. Đơn cử trường hợp bầu show Hoàng Tiến thời gian qua đã nhiều lần nợ mà không trả, khi bị “đòi” ở công ty này thì lại chuyển sang tổ chức bằng công ty khác. Bản thân nhạc sĩ Phó Đức Phương từng thân chinh “xuất tướng” đến Nhà hát lớn để đòi tiền tác quyền trong liveshow Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ. Cho đến nay, ông bầu này vẫn nợ tiền ở một số show như Liveshow Quang Lê – Minh Tuyết tại Hải Phòng, Đà Nẵng (tháng 3/2011 và tháng 7/2011), Qua cơn mê của Đàm Vĩnh Hưng tại Hà Nội (tháng 7.2011) và giờ đây là liveshow Chế Linh.

“Bật đèn xanh” cho sai phạm?

Theo quy định của Bộ VHTT&DL, mỗi show diễn phải dành 15-21% tổng doanh thu từ những chương trình biểu diễn để trả cho thành phần sáng tạo gồm các nhạc sĩ, tổ chức phối khí và kể cả những chức danh hiếm khi sử dụng đến là tác giả kịch bản, biên đạo múa, VCPMC chỉ dám thu tác quyền nhạc sĩ ở mức 5% của 75% tổng số tiền bán vé. Ông Phương nói toàn thể nhân viên của VCPMC đã nhún nhường và dè dặt tới mức chỉ dám đề nghị bầu Tiến trả 5% của 50% số tiền bán vé vì coi như show diễn bị... ế vé. Trong liveshow có khoảng 20 ca khúc, ông Phương cũng trừ hẳn một nửa số bài cho bầu Tiến vì cho rằng 10 bài đó do Chế Linh sáng tác dưới bút danh Tú Nhi. Thông cảm đến mức đó, nhưng bầu Tiến vẫn chỉ trả ở mức 150.000 đồng/ bài, tức là chỉ trả 1,5 triệu đồng cho các nhạc sĩ và nộp ở Thanh Hóa.

Cho đến nay, ông bầu Hoàng Tiến vẫn nợ tiền ở một số show như Liveshow Quang Lê – Minh Tuyết tại Hải Phòng, Đà Nẵng (tháng 3/2011 và tháng 7/2011).
Khi liveshow được sang nhượng sang cho Nhà hát Ca múa Dân gian Việt Bắc, tới lượt ông giám đốc Nông Xuân Ái “mặc cả” trả 300.000 đồng/ bài, tổng số tiền tác quyền tương đương với số tiền một chiếc vé VIP 3 triệu đồng, rồi cũng không thèm trả. Thực tế, VCPMC tính “hữu nghị” cho gần 4.000 vé bán ra trong liveshow Chế Linh tại Hà Nội (giá vé từ 500.000 – 3 triệu đồng) trung bình là 1 triệu đồng thì số tiền thu được gần 4 tỉ đồng, tính cắt giảm hết mức có thể theo công thức nói trên, số tiền tác quyền BTC nợ các nhạc sĩ là 90 triệu.
 
“Giấy ủy quyền của Công ty Quyên Gia Bình để ông Xuân Ái, giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc, là do bà Yến, vợ Hoàng Tiến, ký. Ngay trong đêm diễn, ông Hoàng Tiến cũng lên sân khấu công khai rằng chính ông là người tổ chức show diễn. Như vậy, chúng ta có thể hiểu, hoặc Cục NTBD bị lừa, hoặc là Cục NTBD cùng Hoàng Tiến đánh lừa dư luận!”, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định.

Ông Phương cho rằng hiện nay các cơ quan cấp phép vô tình hoặc cố ý đã đứng về phía cố tình vi phạm pháp luật bằng cách bật đèn xanh cho các chương trình biểu diễn chưa hoặc không nộp tiền tác quyền. Hàng chục công ty tổ chức biểu diễn vi phạm tác quyền, nhưng vẫn được cấp phép, VCPMC chỉ biết kiến nghị, phản ánh bằng văn bản. “Đến Sở VHTT&DL Hà Nội còn phải chịu thua, huống hồ là cái trung tâm nhỏ bé của chúng tôi. Đưa ra tòa thì rắc rối vô vàn nên chúng tôi không chọn giải pháp này”, ông Phương nói.

Bà Trần Thị Trường, cán bộ của VCPMC, khuyến cáo các nghệ sĩ khi tham gia biểu diễn phải có trách nhiệm lên tiếng yêu cầu các ông bầu thực hiện quyền tác giả.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, quý III.2011, NS Nguyễn Văn Chung nhận được 73 triệu đồng tiền tác quyền cho Vầng trăng khóc, 15 người nhận 40 triệu đồng,  20 nhạc sĩ khác nhận 30 triệu đồng...

 
Theo Đức Tân
Đất Việt

duchai

Cùng chuyên mục
XEM