Nghịch lý hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ ít, nhưng đóng nhiều thuế nhất trong các nước TPP

18/12/2015 14:08 PM | Kinh doanh

"Thuế phải đóng đã lớn hơn tiền thuế của tất cả các nước TPP phải đóng khi vào thị trường Hoa Kỳ", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nói.

Hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại

Sáng 18/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị "Phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán”.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin, Việt Nam đã tham gia đàm phán một số thoả thuận thương mại tự do quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EU), FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu.

Đánh giá của Thứ trưởng Khánh cho thấy, các FTA vừa kết thúc đàm phán trong năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, giúp mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này cũng giúp Việt Nam có cơ hội tiếp tục hoàn thiện thể chế dựa trên thể chế kinh tế thị trường và cân bằng lại cán cân thương mại.

Đồng quan điểm với thứ trưởng Khánh, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay, mặc dù Việt Nam đang nhập siêu từ một số thị trường như Trung Quốc, ASEAN và Hàn Quốc. Đổi lại, với một số thị trường vừa đàm phán, ký kết các FTA mới như Mỹ, EU, Nhật Bản… Việt Nam lại đang xuất siêu.

“Có tới 80% kim ngạch xuất khẩu đang tập trung vào các Hiệp định Thương mại tự do mới mà Việt Nam đàm phán, ký kết. Do đó, đây sẽ là là cơ hội để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới” – ông Tùng khẳng định.

Việt Nam xuất khẩu ít nhưng đóng thuế nhiều hơn các nước TPP

Cũng tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên đồng thời là Phó trưởng đoàn đàm phán TPP ông Lương Hoàng Thái, cho hay, TPP lâu công bố vì còn phải chờ các nước rà soát lần cuối cùng.

Theo đó, bản cuối cùng này có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết.

Đối với Việt Nam, quan tâm lớn nhất là mở cửa thị trường hàng hoá như thế nào. TPP là Hiệp định đầu tiên quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hoá mức cao thậm chí có nước mở 100%.

Riêng đối với hàng dệt may, ông Thái đặc biệt lưu ý, hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu với kim ngạch lớn sang thị trường Hoa Kỳ nhưng thuế suất đang được áp dụng rất cao, có dòng thuế trên 30% và trung bình của dệt may là 17%.

Riêng hàng Việt Nam đưa vào thị trường Hoa Kỳ đã đóng 1,17 tỷ USD/năm thuế nhập khẩu, mặt hàng giày dép hơn 300 triệu USD. Thuế phải đóng đã lớn hơn tiền thuế tất cả các nước của các nước TPP phải đóng khi vào thị trường Hoa Kỳ.

"Việt Nam xuất khẩu ít nhưng đóng nhiều vì thuế áp dụng là lớn nên đàm phán quyết tâm bãi bỏ rào cản và yêu cầu Hoa Kỳ đưa thuế về 0%", ông Thái khẳng định.

Vị trường đoàn đàm phán cũng quan ngại khi mà Hoa Kỳ muốn có quy tắc xuất xứ tương đối chặt chẽ, yêu cầu Việt Nam phải làm được hàng dệt may từ sợi trở đi. Việt Nam chỉ hưởng ưu đãi nếu làm được ba công đoạn từ sợi ra vải từ vải cắt ra may thành quần áo.

"Thực tế thời gian qua khi đón đầu quy định này nhiều nhà đầu tư nước ngoài đón đầu cơ hội đầu tư tại Việt Nam khi chúng ta có những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản", ông Thái cho hay.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM