"Ngày tàn" của Alibaba sắp tới?

14/09/2015 08:00 AM | Kinh doanh

Nhiều khả năng trong thời gian tới cổ phiếu của Alibaba sẽ sụt giảm tới 50%.

Năm ngoái, “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc là Alibaba đã thực hiện thành công thương vụ IPO lịch sử. Cụ thể, ngày 19/9/2014, mức giá cổ phiếu thời điểm IPO cán mốc 68 USD/1 cổ phiếu đã đẩy giá trị thị trường của công ty lên mức 168 tỷ USD. Bản thân nhà sáng lập công ty là Jack Ma lúc đó đã khiêm tốn nói: “Bây giờ, những gì chúng tôi đạt được không phải là tiền. Đó là niềm tin của mọi người”.

Tuy nhiên, trong một bài viết mới đây trên tờ Barron, tác giả Jonathan Laing lại đưa ra những nhận định hoàn toàn bi quan về công ty này. Đáng chú ý nhất, Laing tin rằng cổ phiếu của Alibaba trong thời gian tới sẽ giảm 50% so với hiện tại (giá cổ phiếu công ty giao dịch ở mức 64,68 USD trong phiên giao dịch ngày thứ 6).

Trong khi đó hiện nay, 45/52 chuyên gia phân tích môi giới vốn quan sát Alibaba trong một thời gian dài vẫn đưa ra nhận định “mua vào” với cổ phiếu công ty này. Thậm chí, tờ Bloomberg nói rằng mức giá cổ phiếu trung bình mà nhóm này nhắm đến cho Alibaba là 95,50 USD - tức là tăng gần 50% so với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Laing cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế. Nhiều khả năng trong thời gian tới cổ phiếu của công ty sẽ sụt giảm tới 50%.

Diễn biến giá cổ phiếu của Alibaba trong 1 năm qua.

Ngoài việc Alibaba đang được định giá thị trường quá cao, Laing cảnh báo về những tranh cãi xung quanh tiền sử IPO kiểu “ban đầu nóng hổi sau đó nguội lạnh dần” của nhiều công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài viết của Laing đặc biệt nhấn mạnh và nêu lên báo động đỏ về các vấn đề gồm quản trị, xung đột lợi ích, hàng giả và nhiều câu hỏi khác liên quan đến thực tiễn kinh doanh tại Alibaba.

Đáng lo ngại nhất là những hoài nghi xung quanh việc liệu Jack Ma và các cộng sự của ông có đang “xào nấu” một vài con số trong báo cáo tài chính, bao gồm cả tốc độ phát triển doanh thu “khủng” của công ty hay không. Cụ thể, Laing tỏ ra ngờ vực về tốc độ phát triển doanh thu của Alibaba khi mà con số này thậm chí còn cao hơn cả một số "ông lớn" khác bao gồm cả Google, Amazon và Facebook.

“Anne Stevenson Yang - nhà sáng lập công ty nghiên cứu JCapital của Trung Quốc đã theo dõi rất sát sao ngành công nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc nói chung và Alibaba nói riêng. Cô nhận thấy rằng những con số về tốc độ tăng trưởng của công ty rất khó hiểu. Theo Anne quan sát thì “báo cáo tài chính của Alibaba thiếu kiểm chứng thực tế và không tương thích với những con số về doanh số bán lẻ, chi tiêu tiêu dùng và thương mại trực tuyến toàn thị trường mà chính phủ Trung Quốc công bố”.

Anne đưa ra bằng chứng, Alibaba tuyên bố có 367 triệu người dùng - tức là gần bằng con số ước tính lượng người mua sắm trực tuyến toàn quốc được một cơ quan chính phủ Trung Quốc đưa ra trước đó. Hay như Alibaba nói rằng, khách hàng của họ dành 26% mức chi tiêu tiêu dùng trên các website trực thuộc công ty mỗi năm - tức là hơn cả con số tương tự mà người tiêu dùng Mỹ dành cho tất cả các website. Liệu có thể tin được không? Nó có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ giàu có mà quốc gia này còn có hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển hơn Mỹ rất nhiều.

Ngoài ra, con số chi tiêu trung bình hàng năm 1.215 USD mà người tiêu dùng dành riêng cho Alibaba chiếm tỷ lệ quá cao so với toàn bộ chi tiêu hàng năm bình quân đầu người tại Trung Quốc, trực tuyến và cả tại những cửa hàng trực tiếp - tổng cộng chỉ 2.260 USD.

Thật khó có thể tin kết luận rằng trung bình người dùng Alibaba sẽ dành một nửa số tiền mình có chỉ để chi tiêu trên Taobao và Tmall (2 trang mua sắm trực tuyến của Alibaba). Liệu các website này có thể có sự hiện diện rộng khắp, trong nhiều lĩnh vực từ thức ăn, đồ uống, nhà cửa, phương tiện giao thông, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và nhà hàng… đến vậy hay không?

Bản thân Alibaba chối bỏ cáo buộc các con số trong báo cáo tài chính của công ty đã được thổi phồng.

Cuối cùng, Laing cho rằng, câu chuyện tự thân lập nghiệp, từ nghèo khó vươn tới thành công của nhà sáng lập Jack Ma rất có thể đã góp phần không nhỏ giúp hình ảnh của Alibaba trở nên lung linh hơn.

Với những phân tích rõ ràng và chi tiết kể trên của Laing, khó có thể không hoài nghi về việc liệu có hay không một điều gì đó bất thường đang diễn ra với Alibaba. Laing cho rằng, với cả tỷ phú Jack Ma và những nhà đầu tư tin tưởng vào ông, vào Alibaba, "những năm tới đây sẽ khó có thể xuôi chèo mát mái".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM