Ngành thuốc lá có thể 'giãy giụa' nhưng không bao giờ chết

22/11/2013 15:23 PM | Kinh doanh

Cho dù môi trường làm ăn có "khó sống" bao nhiêu đi chăng nữa thì thuốc lá vẫn là một mặt hàng mang lại siêu lợi nhuận. Ngành thuốc lá còn lâu mới bị xóa sổ.

Nội dung nổi bật:

- Môi trường kinh doanh thuốc lá đang trở nên khắc nghiệt. Các nhà quản lý toàn thế giới đang ra hàng loạt chỉ thị, quy định để hạn chế ngành này.

- Nhưng thuế suất chính là đòn bẩy để các công ty tăng giá bán, giảm chi phí, từ đó vẫn gặt hái lợi nhuận như thường.

- Các công ty cũng đua nhau "phản pháo" để bảo vệ "cần câu cơm". Nếu quy định mới được áp dụng, có công ty sẽ mất 80% doanh số, có công ty sẽ phải đóng cửa nhưng chuyên gia khẳng định "Ngành thuốc lá còn lâu mới bị xóa sổ".


Tình cảnh của dân hút thuốc lá hiện nay chả có gì sung sướng: quy định mỗi ngày một phức tạp, hết bị cấm cửa bên ngoài lại liên tục bị cảnh cáo "Anh đang giết chết bản thân và phải trả giá đắng để có được thứ "đặc quyền" ấy". Trái ngược thay, các nhà sản xuất thuốc lá lại đang thỏa sức hốt bạc khi ngành công nghiệp trị giá 765 tỷ USD này vẫn bùng nổ mạnh mẽ, mặc cho các nhà quản lý trên toàn thế giới đã mạnh tay tăng thuế và đưa ra hàng loạt chiến lược cắt giảm tiêu thụ như cấm hút thuốc nơi công cộng, quy định in hình cảnh báo trên bao bì...

Các nhà sản xuất thuốc lá đang thỏa sức hốt bạc với ngành công nghiệp trị giá 765 tỷ USD.

"Nhìn từ góc độ pháp lý, môi trường kinh doanh đã khắc nghiệt hơn trước. Nhưng ngành thuốc lá không những không chết mà còn cực lãi, cực thịnh", Gareth Cooper, quản lý quy định tại British American Tobacco (BAT) - công ty thuốc lá có thị phần lớn thứ hai trên thế giới, cho biết.

Tuy nhiên giới quản lý ngày càng để mắt sát sao tới các sản phẩm thuốc lá lợi nhuận cao, tăng trưởng gấp, đó là mặt hàng khiến ngành thuốc lá vốn béo bở nay càng trở nên hấp dẫn.

Xu hướng chung của toàn thế giới là "cấm". Vừa qua Nghị viện châu Âu đã thông qua chỉ thị cấm hương liệu trong thuốc lá bắt đầu từ năm 2022. Hai quốc gia Chile và Brazil đã làm theo. Tại Mỹ, lệnh cấm thuốc lá bạc hà - sản phẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường - cũng đang được đưa ra cân nhắc. Ngay đến đất nước có 40% dân số hút thuốc như Nga vừa qua cũng đã đưa ra luật cấm thuốc lá nơi công cộng.

Càng cấm, càng lãi, lạ lùng thay

Thực tế là "bác cứ cấm, em cứ hút", tại những thị trường bị áp thuế nặng và quy định gắt gao, lợi nhuận biên vẫn cứ cao chót vót.

"Thuế chính là đòn bẩy cho giá", Alison Cooper, giám đốc điều hành công ty thuốc lá lớn thứ tư thế giới về thị phần Imperial Tobacco, cho biết. Các công ty tăng giá tương quan với thuế, từ đó vẫn kéo được lợi nhuận biên mà không khiến khách hàng phẫn nộ. Biên lợi nhuận hoạt động (operating margin) tại Anh nhảy vọt từ 49% (năm 1996) lên 68% (năm 2012) cũng là nhờ tăng giá, giảm chi phí sản xuất.

BAT dự tính biên lợi nhuận công ty sẽ tăng từ 50 đến 100 điểm cơ bản (BPS) mỗi năm. Biên lợi nhuận hoạt động của Philip Morris - công ty tiêu thụ Marlboro ngoài thị trường Mỹ - đã tăng từ 42% (năm 2006) lên 47% (năm 2013).

Được vậy là nhờ thao tác giảm chi phí, tăng giá bán và đẳng cấp hóa, tỉ như cho thêm hương liệu, bán theo dạng mới (ví dụ như dòng thuốc lá có kích thước thon gọn), thiết kế bao bì bắt mắt. "Thuốc lá cao cấp là cần câu cơm chính của toàn ngành", Shane MacGuill, nhà phân tích thuốc lá tại tập đoàn nghiên cứu Euromonitor nhận xét.

Xu hướng chung của toàn thế giới là

Xu hướng chung của toàn thế giới là "cấm". Thực tế là "bác cứ cấm, em cứ hút".

Ngành thuốc lá đấu tranh vì "cần câu cơm"

Thuốc lá điện tử: Câu hỏi hóc búa cho nhà quản lý

Thuốc lá điện tử ngày một phổ biến, các nhà quản lý đang phải xử lý một mớ bòng bong. Mặt hàng này đã đi được chặng đường khá dài kể ngày đầu tiên có mặt trên thị trường cách đây một thập kỷ.

Theo thống kê của Canaccord, doanh số thuốc lá điện tử toàn cầu hiện đang là khoảng 2 tỷ USD, đến năm 2013 con số này sẽ tăng 50%. Ngân hàng Wells Fargo cho biết, tại Mỹ, thuốc lá điện tử có thể "soán ngôi" thuốc lá thông thường chỉ trong vòng mười năm.

"Cần câu cơm" bị các nhà quản lý đưa vào tầm ngắm, ngành thuốc lá cho rằng loạt quy định mới ra chỉ nhằm mục đích cắt bớt lợi nhuận của họ chứ chẳng phải để giảm tình trạng hút thuốc.

Alison Cooper bình luận: "Họ đang muốn làm khó ngành này và ép chúng tôi gia tăng chi phí mà không cần biết đó có phải là biện pháp bảo vệ sức khỏe hữu hiệu nhất hay không". Hiện BAT đã tuyển dụng 450 người vào ban pháp lý của công ty.

Sau nhiều thập kỷ đấu tranh quyết liệt với các quy định kể từ những năm 1950, ngành thuốc lá bắt đầu thay đổi chiến lược và rồi cũng có được vị thế pháp lý hiếm hoi vào cuối thập kỷ 90. Chủ trương của ngành là tránh kiện tụng trên phạm vi rộng.

"Cuộc đình chiến đã đến hồi kết thúc. Ngành thuốc lá đang phô diễn hết sức mạnh bởi các công ty thuốc lá hiểu rằng các luật lệ trên sẽ đánh vào tiêu thụ và kết quả kinh doanh sau thuế của mình", MacGuill nhận xét.

BAT một mực phản đối quy định in bao bì cảnh báo tại Úc. Tobacco International tại Anh, Nhật cũng đi đầu cuộc chiến này dù đôi lúc hơi quá khích. Cục quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo của Anh phán xét rằng các quảng cáo chống bao bì cảnh báo của Japan Tobacco International là vô cùng sai lầm. Philip Morris International thì lại huy động đội ngũ 161 người đại diện công ty vận động hành lang để chống lại chỉ thị của EU về sản phẩm thuốc lá.

Có thể "giãy giụa" nhưng không bao giờ chết

"Không hương liệu, không quảng cáo, bao bì kinh dị" là ba chìa khóa khiến tiêu thụ phải giảm. "Càng giới hạn các cách khác biệt hóa sản phẩm, giá bán sẽ ngày một thấp, thương mại sẽ giảm", Martin Deboo, nhà phân tích tại Investec kết luận.

Khi không còn đòn bẩy nào khác, các công ty sẽ phải giảm giá để gỡ gạc. Nhưng nếu vậy, sản lượng vẫn có thể tăng để bù đắp lợi nhuận. Bao bì cảnh báo tuy chưa gây ra ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của BAT và lượng sản xuất ở Úc nhưng hai công ty vẫn liên tục ca thán trước nguy cơ điều luật tiếp tục được ban hành ở nhiều nơi khác.

Một số công ty còn phải chịu sức ép nặng hơn cả. Tháng 10 vừa qua, Japan Tobacco, nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất Nhật Bản, đã phải tuyên bố đóng cửa gần một nửa cơ sở sản xuất nội địa trong vòng ba năm tới vì thuế tăng, luật lệ khắt khe và ý thức sức khỏe cộng đồng ngày một mãnh liệt.

Tại Mỹ, lệnh hạn chế hay cấm phân phối thuốc lá vị bạc hà chắc chắn gây tổn hại nghiêm trọng đến Lorillard - công ty nổi tiếng với nhãn hiệu thuốc lá bạc hà hàng đầu của Mỹ - khi mặt hàng này chiếm 88% doanh số công ty trong năm 2012.

Nhưng cho dù môi trường làm ăn có "khó sống" bao nhiêu đi chăng nữa thì thuốc lá vẫn là một mặt hàng mang lại siêu lợi nhuận. Alison Cooper khẳng định ngành thuốc lá còn lâu mới bị xóa sổ.

>> 14 quảng cáo chống hút thuốc xuất sắc nhất thế giới

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM