Ngành giấy: Trắng hay xám?

11/06/2013 13:13 PM | Kinh doanh

Bức tranh ngành giấy 2 năm qua có cả mảng xám của sự cạnh tranh khốc liệt và mảng sáng là sự mở rộng của nhiều DN

Thời gian qua, một số doanh nghiệp (DN) từng thành đạt bậc nhất trong ngành giấy đã sụp đổ đột ngột, trong khi rất nhiều DN khác lại "sống khỏe", làm ăn phát đạt, đang ra sức mở rộng sản xuất. Những thành công và thất bại của DN trong thời gian qua để lại nhiều bài học, ông Vũ Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, chia sẻ những trăn trở với Thời báo Kinh Doanh.
 
Xin ông cho biết tình hình sản xuất - kinh doanh của ngành giấy trong 5 tháng đầu năm 2013?
 
Năm 2013 là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành sản xuất giấy. Do suy thoái kinh tế, nên tiêu dùng giấy trong 5 tháng đầu năm đã giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ giấy in báo giảm mạnh nhất. Đặc biệt, tiêu dùng giấy cao cấp tráng phấn giảm tới 34,5%. Năm 2012, tiêu dùng giấy bình quân đầu người đạt 32kg, nhưng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 12,5kg, quy ra mức 30kg/năm.
 
Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn ngành vẫn sản xuất được trên 860.000 tấn giấy, tăng 4,68% so với cùng kỳ năm 2012, riêng giấy sản xuất bao bì tăng tới 8,17%. Trong đó, xuất khẩu (XK) gần 70.000 tấn, tăng 15,38% so với cùng kỳ. Đài Loan là thị trường tiêu thụ giấy vàng mã chính của Việt Nam; Mỹ là thị trường tiêu thụ vở tập, giấy văn phòng; Việt Nam cũng XK giấy tissue cuộn lớn sang thị trường Nhật Bản. Do chất lượng giấy nội địa ngày càng được cải thiện, nên lượng giấy nhập khẩu (NK) đã giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là giấy in báo và giấy tráng phấn cao cấp.
 
Mỗi năm phải nhập tới 600.000 - 800.000 tấn bột giấy nguyên liệu. Tình hình năm 2013 có khá hơn không, thưa ông?
 
Sản xuất bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) chủ yếu từ gỗ keo trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt 90.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ. Hiện tổng công suất thiết kế bột BHK của các nhà máy trong nước đã đạt tới 210.000 tấn/năm, chủ yếu ở Công ty CP Giấy An Hòa trên dây chuyền hiện đại do Metso Paper cung cấp, công suất 130.000 tấn/năm; và ở TCT Giấy Việt Nam với tổng công suất 75.000 tấn/năm.
 
 Ông Vũ Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
 
Như vậy, sản xuất bột BHK đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu trong nước. Lượng bột BHK NK 5 tháng đạt gần 15.000 tấn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng bột BHK nội địa rất tốt, tương đương với bột NK. Sản xuất bột kraft gỗ cứng không tẩy (UHK) vẫn tiếp tục ở một số nhà máy tích hợp quy mô vừa, phục vụ cho nhu cầu nội bộ. NK bột kraft đã giảm mạnh, hầu như bột kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) đã không được nhập. Sản xuất bột hóa nhiệt cơ (CTMP) đã ngừng hoàn toàn (do Nhà máy Giấy Tân Mai đã ngừng hoạt động để di dời), nên loại bột này tạm thời vẫn phải NK.
 
Ông nhận định thế nào về sự phát triển của ngành giấy những năm qua?
 
Bức tranh ngành giấy 2 năm qua có cả mảng xám của sự cạnh tranh khốc liệt và mảng sáng là sự mở rộng của nhiều DN. Rất nhiều công ty đã ngừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn; có cả một cụm công nghiệp chuyên về giấy đã bị tê liệt. Điều đáng suy nghĩ là những công ty từng thành đạt bậc nhất lại sụp đổ đột ngột. Ngược lại, rất nhiều công ty "sống khỏe", làm ăn phát đạt, đang ra sức mở rộng sản xuất.
 
Những thành công và thất bại của DN trong thời gian qua để lại nhiều bài học. Các công ty thất bại là do lựa chọn sai nhà cung cấp trang thiết bị, hoặc tự mua cụm chi tiết rồi thuê lập bản vẽ lắp ráp; lựa chọn sai nhà thầu hoặc tự thi công nhà máy… dẫn đến thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, điện, than, chất lượng giấy thấp nên thua lỗ. Điểm chung nhất của các DN thành công là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, giá cả phù hợp, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.
 
Năm 2013 đang chứng kiến sự đầu tư rầm rộ của các DN FDI vào ngành giấy?
 
Hàng chục dự án mới đầu tư vào sản xuất bột giấy và giấy đang được cấp tập triển khai từ đầu năm đến nay. Điển hình phải kể đến vào tháng 5 vừa qua, công ty sản xuất giấy bao bì lớn nhất thế giới là Nine Dragons.

Paper (Holdings) đã công bố sẽ lắp đặt 1 máy xeo mới ở Công ty TNHH Giấy Chánh Dương (công ty con của Nine Paper) với công suất 350.000 tấn/năm. Một trong những công ty sản xuất bột giấy lớn nhất thế giới khác cũng đã có đề xuất nghiêm túc xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy ở khu vực miền Trung. Dự án sản xuất giấy của Lee&Man Paper Manufacturing Ltd đang được khẩn trương thực hiện ở tỉnh Hậu Giang…
 
Suốt 3 năm qua, Việt Nam liên tục là quốc gia XK dăm gỗ mảnh lớn nhất thế giới, với khối lượng XK lên tới 6 triệu tấn dăm gỗ trong năm 2012, tương đương 2,7 triệu tấn bột giấy. Nghịch lý ở chỗ mỗi năm lại phải NK hơn 1 triệu tấn bột giấy và giấy. Giá XK dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm vừa qua chỉ khoảng 110 - 120 USD/tấn, trong khi giá NK bột giấy ở mức trung bình 900 - 1.000 USD/tấn. Chính điều này khiến các DN nước ngoài đang dồn dập đổ vào Việt Nam để đầu tư sản xuất bột giấy.
 
Các DN giấy nội địa phải làm gì để không bị "chìm" bởi "làn sóng đầu tư" của các DN FDI?
 
Điểm mấu chốt nhất để các DN giấy đứng vững và phát triển hiện nay chính là công nghệ. Ở Việt Nam, hầu hết các nhà máy xeo giấy đều sử dụng loại công nghệ lạc hậu. Chính vì vậy, các DN nội địa phải nhanh chóng đổi mới công nghệ sản xuất giấy. Vấn đề thứ hai là các DN nội phải tự tạo cho mình vùng nguyên liệu, cần phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với người trồng rừng để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất thì sẽ đứng vững được.
 
Theo Thu Hường

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM