Ngành chế biến gỗ: Tăng tốc cuối đường đua

22/10/2015 11:25 AM | Kinh doanh

Tuy còn lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhưng mới đây, các doanh nghiệp (DN) đầu ngành trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ đang khá chủ động trong việc nội địa hóa nguyên liệu với tỷ lệ đạt trên dưới 50 - 70%, thay vì phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu với tỷ lệ 70 - 80% như trước đây.

Với năng lực hiện tại, các DN đầu ngành còn đủ sức cung ứng gỗ cho các DN trong ngành, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu với chi phí cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Đây có thực sự là tin vui cho DN ngành gỗ?

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Hose: TTF) sau khủng hoảng với khoảng nợ hơn nghìn tỷ đồng giai đoạn 2012 - 2013, nay đã dần hồi phục với lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt hơn 70 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 2013.

Đây được xem là sự "trở mình" ngoạn mục khi TTF tái cơ cấu kinh doanh.

Theo đó, từ đây đến cuối năm 2015, TTF dồn lực phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu để trở về vị trí số 1 của ngành chế biến gỗ, không chỉ về doanh số mà còn về quy mô lẫn hệ thống phân phối.

Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, dự kiến ngày 16/11 tới, TTF sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2015 nhằm thông qua phương án tăng vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về tình hình hiện nay của TTF, ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cho biết, hai năm qua là giai đoạn khó khăn nhất của Trường Thành.

Song, nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương, cụ thể là tháng 11/2013, Chi nhánh đã tổ chức họp với các ngân hàng (NH) chủ nợ của TTF nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tại đây, 13 NH đã có nhiều giải pháp nhằm giãn nợ và lãi vay, tạo nguồn vốn cho TTF tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Do vậy, TTF đã tránh được nguy cơ ngưng hoạt động. "Công ty đã chính thức bước vào giai đoạn tái cơ cấu tài chính với nhiều bước trong vòng 18 tháng kể từ tháng 11/2013.

Theo đó, Vietcombank và MB đã bán nợ của Gỗ Trường Thành cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) với giá 897 tỷ đồng. Như vậy, việc mua bán nợ đã giúp Gỗ Trường Thành trong năm 2014 gần như hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu 900 tỷ đồng nợ vay.

Hiện DATC đang có phương án cơ cấu và miễn lãi cho TTF. Bên cạnh đó, TFF cũng đã chuyển được khoản vay tại VIB Bank thành vốn góp bằng việc phát hành 4 triệu cổ phiếu.

Nhờ đó, toàn bộ gỗ teak nguyên liệu (gỗ giá tỵ) có giá trị cao đang bị thế chấp đã được đưa vào sản xuất. Kienlong Bank và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội cũng đã đồng ý chuyển nợ của TTF từ ngắn hạn sang nợ dài hạn", ông Thành chia sẻ.

Với sự trợ lực từ các NH, sau 18 tháng, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015 của TTF ghi nhận doanh thu thuần đạt 625 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Tiếp nối thành công đó, từ nay đến cuối năm 2015, Trường Thành tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bình Dương, nâng công suất trong quý 4/2015 lên khoảng 90%, nhằm đáp ứng kịp thời đơn hàng xuất khẩu.

Đồng thời rút kinh nghiệm từ khó khăn hai năm trước, đầu năm nay, Trường Thành đã tập trung cho ngành nghề chính là sản xuất các mặt hàng nội thất cho phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, hướng đến khách hàng trong nước là các nhà đầu tư bất động sản, lẫn khách lẻ tại thị trường nội địa.

Hiện, TTF đang tìm đối tác để mở nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại miền Bắc nhằm đón đầu thị trường khi TPP được thực thi.

Theo ông Võ Trường Thành, lý do khiến DN mạnh dạn trong đầu tư, mở rộng nhà máy chế biến gỗ là vì hiện nay, với nguồn gỗ từ 13.000ha rừng trồng do Trường Thành đầu tư cách đây 10 năm, nay đã bắt đầu thu hoạch.

Hai năm qua, Trường Thành chỉ mới khai thác 6% sản lượng gỗ, nên DN tự tin chủ động nguồn nguyên liệu gỗ với chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, không chỉ cung ứng cho sản xuất của TTF mà còn có thể cung ứng cho các DN trong ngành.

Có thể thấy, sau những đầu tư ngoài ngành khiến Trường Thành "chết đi sống lại" cũng như vuột khỏi vị trí dẫn đầu của ngành chế biến gỗ Việt Nam đã làm DN thận trọng hơn với những quyết định đầu tư, dễ thấy nhất là Trường Thành hợp tác nuôi bò sữa và trồng cây mắc ca trên diện tích rừng trồng của mình.

Nói về vấn đề này, ông Thành cho hay, khi TPP có hiệu lực thi hành, không chỉ đối với ngành gỗ, một số ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh cũng được phát huy.

"Với việc hợp tác nuôi bò sữa và trồng cây mắc ca, TTF cũng chỉ góp một lượng vốn dưới 5% vào liên doanh, vì chính tôi cũng như ban lãnh đạo DN biết cổ đông sẽ không muốn TTF dàn trải đầu tư, nhất là khi Công ty vừa bước qua giai đoạn khó khăn.

Song, nếu dự án liên doanh bò sữa tiến triển thuận lợi và chứng minh được khả năng mang lại nguồn lợi lớn thì có thể TTF sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch đầu tư mới", ông Thành cho biết.

Theo DUY KHUÊ - MAI PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM