Ngân hàng đầu tư: Cuộc chơi của những "tay to"

24/05/2013 12:50 PM | Kinh doanh

Hầu hết các nhân viên ngân hàng đầu tư đều nghĩ rất nhiều về bản thân họ nhưng không bao giờ công khai nói ra những rắc rối mà họ đang gặp phải. Bởi vậy, Gary Cohn – Chủ tịch của Goldman Sachs – đã gây ngạc nhiên khi phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Brazil hồi tháng 4 rằng các ngân hàng đang có những bước lùi đáng kể chưa từng thấy trong lịch sử ngành ngân hàng.

Gary Cohn không hề phóng đại sự việc. Trên khắp thế giới, các ngân hàng đầu tư đang mắc kẹt trong làn sóng giải chấp (deleveraging) và đi ngược với xu hướng toàn cầu hóa. Hầu hết các ngân hàng thu hẹp bảng cân đối kế toán, giảm hoạt động ở nước ngoài và thậm chí đóng cửa một vài chi nhánh. Xu hướng này đang định hình lại ngành ngân hàng đầu tư và sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong tương lai. 

Lòng yêu nước?
 
Một báo cáo được McKinsey thực hiện năm ngoái cho rằng luồng vốn chu chuyển giữa các quốc gia (bao gồm cả các khoản vay ngân hàng) đã sụt giảm từ mức 11.800 tỷ USD của năm 2007 xuống chỉ còn 4.600 tỷ USD. Xu hướng sụt giảm còn được hoan nghênh bởi các nhà quản lý – những người đang ép các ngân hàng phải thu hẹp qui mô nhưng vấn đảm bảo nguồn cung tín dụng cho thị trường nội địa. Chính vì vậy, chuyên gia phân tích Huw van Steenis của Morgan Stanley đã gọi đây là quá trình “giải chấp yêu nước”. Trong số 722 tỷ USD tài sản được các ngân hàng bán đi kể từ năm 2007 đến nay, gần một nửa là các hoạt động ở nước ngoài.  

Điều này có thể được cảm nhận rõ nét nhất ở châu Âu. Quay trở lại năm 2007, các ngân hàng lớn nhất châu Âu (trong đó có Barclays – ngân hàng đã mua lại một bộ phận của Lehman Brothers) đã gần như đuổi kịp những “gã khổng lồ” của nước Mỹ với 22% thị phần ngân hàng đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, năm ngoái, thị phần của khu vực này đã giảm xuống chỉ còn 17%. Kể từ khi khủng hoảng nổ ra, các ngân hàng châu Âu đã giảm 3.700 tỷ USD ở hoạt động cho vay xuyên biên giới. Và, làn sóng này vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong một báo cáo mới đây, IMF ước tính trong năm nay các ngân hàng châu Âu sẽ giảm khoảng 2.800 tỷ USD tài sản.  

Ngân hàng đầu tư: Cuộc chơi của những
Thị phần của các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới (theo doanh thu)

Lý do hiển nhiên nhất giải thích tại sao các ngân hàng châu Âu đang thu hẹp qui mô với tốc độ nhanh hơn các ngân hàng Mỹ chính là môi trường kinh tế vĩ mô: cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và những lo lắng về sự tồn tại của đồng euro. Những yếu tố này khiến các ngân hàng châu Âu gặp bất lợi về cấu trúc: đồng tiền mà họ có thể nhận gửi và huy động nguồn vốn không phải là đồng tiền chính được giao dịch trên toàn cầu. Khi các nhà đầu tư Mỹ lo sợ trước khủng hoảng nợ hồi đầu năm 2012, các ngân hàng châu Âu mất đi phần lớn thị phần trong mảng tài trợ thương mại ở châu Á và châu Âu.

So với nhiều khu vực khác, các ngân hàng châu Âu cũng nhanh nhẹn hơn trong việc áp dụng chuẩn Basel 3. Kết quả là, họ bị ảnh hưởng sớm hơn. Trong khi một số ngân hàng Mỹ có thể mở rộng bảng cân đối kế toán, ngân hàng châu Âu buộc phải thu hẹp. Một chuyên gia đã ví von rằng súng đang dí vào đầu của tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới, nhưng châu Âu phải chịu đựng khẩu súng to nhất.

Phiên bản nhỏ gọn ở Thụy Sĩ 

UBS và Credit Suisse - hai ngân hàng đầu tư lớn nhất Thụy Sĩ - chính là những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ông chủ cũ đã xây dựng chúng thành những ngân hàng đủ lớn mạnh để lọt vào top 5 thế giới. Tuy nhiên, những lãnh đạo hiện tại của cả hai ngân hàng này lại ưa chuộng phiên bản nhỏ gọn. "Đã đến lúc UBS và các cổ đông xem xét những cách tiếp cận khác, xét trong bối cảnh thiếu hụt thành công và những yêu cầu luật pháp ngày càng khắt khe như hiện nay", Sergio Ermotti, CEO của UBS khẳng định. 

Credit Suisse thay đổi chiến lược ngay trước khi khủng hoảng tài chính bắt đầu. Bảng cân đối kế toán của ngân hàng này đã giảm từ mức 1.400 tỷ franc của năm 2007 xuống còn hơn 900 tỷ franc. Credit Suisse tập trung vào những mảng vốn có lợi thế về qui mô. Hầu hết mảng FICC đã bị cắt giảm để tập trung vào mảng quản lý tài sản.  

Cả UBS và Credit Suisse đều hành động sớm và nhanh hơn các ngân hàng lớn khác, không chỉ bởi vì họ có mảng quản lý tài sản phát triển mạnh mà còn bởi rất nhiều người cho rằng đây là xu hướng chung cho tương lai của các ngân hàng đầu tư. 

Các ngân hàng Anh cũng buộc phải thu hẹp qui mô. Royal Bank of Scotland (RBS) đã từng nằm trong top 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới (xét theo doanh thu). Giờ đây, RBS cũng phải thu hẹp qui mô khi đứng trước áp lực từ phía chính phủ. Sau một loạt bê bối như thao túng lãi suất Libor hay bán nhầm sản phẩm phái sinh lãi suất, Barclays cũng phải thu hẹp hoạt động.

Xu hướng thu hẹp của các ngân hàng đầu tư châu Âu tương tác với hai xu hướng khác. Thứ nhất, các ngân hàng lớn nhất ngày càng lớn mạnh nhờ sự hậu thuẫn của giao dịch điện tử. Thứ hai, các ngân hàng toàn cầu mở rộng qui mô nhờ kết hợp hoạt động ngân hàng đầu tư với hoạt động ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng toàn cầu lớn nhất đã phát triển không ngừng trong 5 năm qua. Đứng đằng sau sự phát triển này là một số lý do. Thứ nhất, kể từ khủng hoảng tài chính, hầu hết các ngân hàng đều khắt khe hơn trong việc cho vay. Khi nguồn cung tín dụng dồn dào, các doanh nghiệp có thể chọn lựa để tìm ra nguồn vốn rẻ nhất. Tuy nhiên, khi tín dụng khan hiếm như hiện nay, các ngân hàng có qui mô lớn sẽ có lợi thế hơn khi câu kéo khách hàng. 

Nguyên nhân thứ hai nằm ở xếp hạng tín dụng. Ngân hàng có phạm vi hoạt động rộng thường được xếp hạng ở mức cao hơn và nhận được nhiều bảo lãnh từ phía chính phủ. Điều này sẽ tạo nên điểm khác biệt lớn, không chỉ xét về chi phí đi vay mà còn về khả năng bảo lãnh các hợp đồng phái sinh. 

Trói chân khách hàng

Có thể, quỹ đầu cơ và các nhà môi giới chủ chốt sẽ không đem lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, vị thế này đem lại nhiều khách hàng cho mảng cổ phiếu cũng như trái phiếu. Đây cũng là mảng có tính tập trung cao. Các quỹ đầu cơ và người môi giới chính thường "kết thân" với ngân hàng nhằm giảm bớt số tiền phải vay và lượng tài sản phải thế chấp.

Tuy nhiên, kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, các quỹ đầu cơ và nhà môi giới chính đã thận trọng hơn trong việc chọn lựa ngân hàng thân thiết. Họ chuyển sang tập trung vào các ngân hàng lớn nhất được hậu thuẫn bởi chính phủ.  

Một lý do khác giải thích cho sự trỗi dậy của các ngân hàng toàn cầu: khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng mạng lưới, họ ngày càng phụ thuộc vào các ngân hàng lớn giúp quản lý tiền mặt và thực hiện thanh toán trên nhiều quốc gia. Cùng lúc đó, ngày càng có nhiều qui định khiến chi phí tài trợ thương mại của ngân hàng cũng như chi phí sử dụng hợp đồng phái sinh để phòng vệ tăng lên. Bằng cách sử dụng nhiều dịch vụ của chỉ một ngân hàng, các công ty có thể cải thiện thanh khoản. 

Trước khủng hoảng, hầu hết các ngân hàng đầu tư đều coi thường loại ngân hàng này (được biết đến với tên gọi ngân hàng giao dịch toàn cầu).Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác. Ngân hàng giao dịch được nhìn nhận là bộ phận mang lại triển vọng tăng trưởng rất tích cực. Tổng doanh thu đã chạm mốc 200 tỷ USD/năm, không thấp hơn quá nhiều so với mảng ngân hàng đầu tư. 

Mảng này cũng tăng trưởng rất bền vững. BCG dự đoán rằng đến năm 2020, doanh thu của mảng này sẽ vượt quá con số 350 tỷ USD/năm. Quan trọng hơn, khách hàng bị ràng buộc rất chặt chẽ. Các khách hàng lớn thường tích hợp tài khoản cũng như hệ thống thanh toán của họ với các ngân hàng và do đó có xu hướng gắn bó với ngân hàng hơn. Khách hàng càng gắn bó, ngân hàng càng có nhiều cơ hội bán chéo sản phẩm. 

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist

duchai

Cùng chuyên mục
XEM