Nếu không chịu thay đổi, Việt Nam nên chấp nhận phận làm thuê cho doanh nghiệp FDI

01/02/2016 07:51 AM | Kinh doanh

Một trong những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước.

Một năm thu hút FDI " rực rỡ"

Có thể nói, 2015 là một năm thu hút FDI hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam. Hàng loạt dự án FDI ồ ạt tràn vào với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Có thể kể tên như: Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh đã tăng thêm vốn lên 3 tỉ đô la Mỹ với mục tiêu sản xuất các loại màn hình; Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỉ đô la Mỹ do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd của Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh...

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm 2014.

Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là những quốc gia đứng đầu danh sách đầu tư FDI nhiều vào Việt Nam với số vốn cấp mới lần lượt là 6,72 tỷ USD, 2,47 tỷ USD và 1,84 tỷ USD. Đài Loan đứng thứ tư với số vốn mới là 1,39 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ Việt Nam đón nhận nhiều dòng vốn FDI là do triển vọng kinh tế đang phục hồi. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do như TPP, AEC...

Sự dịch chuyển ồ ạt này khiến nhiều doanh nghiệp Thái Lan dấy lên một lo ngại rằng sẽ không chỉ cắt giảm đầu tư ở Thái Lan mà còn tăng cường sự cạnh tranh giữa hàng hóa Thái và hàng hóa từ các nước tham gia TPP trong đó điển hình là Việt Nam.

Dành quá nhiều ưu ái cho DN FDI, Việt Nam đang nhận "trái đắng"?

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang thể hiện vai trò ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế, nhưng cũng có hàng loạt vấn đề được đặt ra.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2015 đạt 115,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2015 đạt 97,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2015, khu vực FDI xuất siêu gần 17,15 tỉ đô la Mỹ.

Ở mặt ngược lại, các DN nội đang lép vế hoàn toàn. Các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 47,3 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu, giảm 3,5% so với năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết đang có một sự ưu ái nhất định cho khu vực FDI.

“Nhiều chính sách, pháp luật không thấy sự phân biệt nhưng trên thực tế có sự phân biệt rất rõ ràng. Ưu ái khu vực FDI nhiều quá. Việt Nam vẫn bị bệnh thành tích chi phối, vẫn thích các thành tích dựa vào FDI. Chúng ta thích con số tăng trưởng hơn là thực chất mang lại lợi ích bao nhiêu cho nền kinh tế”, bà Phạm Chi Lan cho hay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khẳng định rằng có một sự đối xử không công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân tộc (DN trong nước - PV) qua các chính sách như đất đai, thuế...

Và Việt Nam đang dành một sự ưu ãi quá mức, không cần thiết cho doanh nghiệp trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp FDI, luồng tiền chuyển ra ngoài hàng năm lại không kiểm soát được. Họ đã tận dụng rất tốt cơ hội Việt Nam hội nhập để vượt lên so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng "vị đắng" của Việt Nam khi ưu đãi nhằm thu hút nhiều dòng vốn này chính là sự lan tỏa của ứng dụng công nghệ và quản trị với nền kinh tế còn yếu. Bản thân khu vực này chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ giá trị gia tăng rất thấp.

Song, cái cốt lõi, theo chuyên gia Bùi Trinh phân tích thì hai vấn đề trên thực sự không đáng kể.

"Vấn đề ở đây là Việt Nam thực sự đang trông chờ vào luồng tiền của các DN FDI. Điều này rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Đó là tình trạng bóc ngắn cắn dài, luồng tiền vào chỉ là cục nợ mà thôi", ông Trinh nói.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Trinh, mặc dù FDI đang có đóng góp và là động lực cho hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng về dài hạn, khu vực này khó tạo được tăng trưởng cao và bền vững cho nền kinh tế.

"Cần phải xác định rõ, FDI vào cũng không hẳn là không tốt nhưng phải xem xét thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, tạo môi trường tốt để nó phát triển, thay vì cứ duy trì phân biệt đối xử khi thu hút vốn FDI.

Nếu không làm được vấn đề trên thì Việt Nam cứ chấp nhận là đi làm thuê suốt cho các doanh nghiệp FDI đi, đừng có mong chuyển giao được công nghệ từ họ", ông Bùi Trinh thẳng thắn chia sẻ.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM