Nền kinh tế tình thương

20/05/2015 10:36 AM | Kinh doanh

“Này, chúng tôi đang làm tình nguyện đấy, chúng tôi là những thành viên tích cực của nền kinh tế tình thương, hãy ủng hộ chúng tôi và những người nông dân…”

Dưới cái nắng đầu hè oi ả của Hà Nội, khi nhiệt độ ngoài đường nhựa vào cỡ 37-38 độ, ở một vài góc phố, nhóm thanh niên tình nguyện đang bán một xe tải dưa hấu với biển hiệu nhìn loáng thoáng “ủng hộ nông sản cho bà con nông dân”. Thanh niên tình nguyện, tình nguyện bán nông sản cho bà con nông dân là một điều đáng trân trọng, rất đáng quý.

Thế nhưng, dưa hấu vùng lũ, dưa hấu ế hàng, tỏi tím không bán được, nông sản “made in Vietnam”, nông sản Việt Nam xuất khẩu xuất dư, xuất ế, nông sản được mùa – nông sản mất giá v.v… phải dựa vào “biệt đội tình nguyện” giải cứu bằng tình thương, tình nguyện thì đó thực sự là một “vấn đề không ổn”, cần nghiêm túc nhìn nhận và suy nghĩ.

Đáng lí ra, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới là việc căn bản cần giải quyết. Trong khi đó, năm nào cũng thế, hết dưa hấu, đến tỏi, hành, đến cam, vải, nhãn... ca điệp khúc "được mùa mất giá". Người phải chịu thiệt thòi lớn, đương nhiên, là những người nông dân, kế đó là người tiêu dùng và chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là:

- Tại sao năm nào cũng có hiện tượng: Nông sản ế, nông sản xuất dư?

- Tại sao năm nào cũng có chuyện: Nông sản được mùa, nông sản rớt giá?

- Tại sao nông sản được mùa, giá rẻ như cho mà người tiêu dùng thì vẫn phải mua lẻ giá khá cao?

Một đất nước nhiệt đới với rất nhiều loại cây trái nhiệt đới như Việt Nam có thừa lợi thế về nguyên liệu. Thế nhưng các sản phẩm đồ uống phổ biến lại là Coca-Cola & Pepsi, nước tăng lực, nước ngọt có ga v.v… Những sản phẩm này được bày bán ở khắp mọi ngõ ngách nẻo đường, siêu thị, hàng quán. Có vẻ như thị trường đồ uống đang thiếu những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và có giá trị kinh tế cao, được chuyển hóa từ nguyên liệu thành sản phẩm nước uống đóng chai hoặc các sản phẩm có giá trị hơn.

Một thị trường đồ uống nội tiềm năng nhưng hiện lại thị phần lại nằm trong tay những nhà sản xuất những đồ uống ngoại, như nước ngọt có ga, nước ngọt công nghiệp. Trong khi đó, các sản phẩm phái sinh từ nông sản, hoa quả nhiệt đới thì chưa được quan tâm?

Ý tưởng về sản phẩm như nước dưa hấu đóng chai? Nước ép dứa đóng chai? Nước ép vải đóng chai? Nước mía đóng chai v.v… bán tại thị trường nội địa hoặc là xuất khẩu sản phẩm dường như là những khái niệm xa xôi chưa định hình.

Tại thị trường Việt Nam, các bạn vẫn có thể mua và thường xuyên mua mua một sản phẩm đóng chai là nước gạo truyền thống đóng chai của Hàn Quốc hiện có bán tại một số siêu thị và chuỗi tiệm bánh ngọt, với giá không phải là rẻ. Nước gạo đấy các bạn ạ, có xa lạ quá không? Khi mà chúng ta lớn lên bằng bát nước gạo của mẹ và của bà khi còn bé thơ. Việt Nam xuất khẩu gạo Số 1 thế giới, và chúng ta vẫn ăn gạo nhập khẩu, và uống nước gạo nhập khẩu (với giá khá cao).

Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn và giá xuất đi lại rất rẻ. Còn trong nước, nhiều người tiêu dùng Việt đang uống trà một số loại Nhật Bản nhập khẩu với giá là 4 triệu/Kg (~200usd/kg thành phẩm). Trà Nhật Bản có đạo trà, có truyền thống, có văn hóa riêng, một trong số sản phẩm trà đó có rang và cho thêm vào một loại gạo, cho vào cùng với chè tạo thành Trà Nhật, uống vừa có mùi chè, vừa có mùi gạo rang. Xin phép không bàn về công nghệ Nhật, văn hóa Nhật, nhưng đó là một ý tưởng sáng tạo để tạo ra sự khác biệt và giá trị lớn cho sản phẩm. Tại sao chúng ta không thử học theo?

Tôi thực sự thích ý tưởng kinh doanh nước ép trái cây đóng chai sẽ làm gia tăng giá trị cho nông sản cực kỳ lớn, sẽ giải quyết được vấn đề ế hàng, xuất dư, giá rẻ. Dù tôi biết là để có một dây chuyền sản xuất như vậy cũng phải nhập khẩu của Châu Âu, Mỹ với chi phí đầu tư tiền triệu đô la. Nhưng như thế mới là lối thoát cho nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao, bớt khổ cho người lao động, để các bạn thanh niên, hoa hậu, người đẹp tìm kiếm các hoạt động tình nguyện và tình thương khác, không phải bê dưa, bán dưa, bóc tỏi bóc hành…

Giải pháp tình nguyện bán nông sản là giải pháp tức thời rất tốt để hỗ trợ người nông dân trồng nông sản, nhưng giải pháp đó nên chỉ là tạm thời (rất nhanh và ngắn thôi, nên dừng sớm nhất có thể). Chớ nên xem nó như một phát kiến vĩ đại trong giải pháp phát triển kinh tế nông thôn.

Bạn nghĩ gì về điều này mỗi khi lướt qua các góc phố, nhìn thấy biển hiệu “Này, chúng tôi đang làm tình nguyện đấy, chúng tôi là những thành viên tích cực của nền kinh tế tình thương, hãy ủng hộ chúng tôi và những người nông dân…”

Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân.

>> Ảm đạm 1 năm trái cây Việt

MBA. Phan Anh

Chuyên gia eMarketing

Phan Anh

Cùng chuyên mục
XEM