Mua theo nhóm tại Việt Nam: Miếng ngon không dễ xí phần

16/05/2012 09:09 AM |

Theo khảo sát của Masso Survey, hình thức kinh doanh mua theo nhóm sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây là một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức...

"Sự mới lạ của hình thức kinh doanh này đang giảm dần, điều đó cũng có nghĩa là các trang mua theo nhóm sẽ tiến hóa lên một bậc cao hơn” Jeffrey Grau - chuyên gia phân tích cơ bản ở eMarketer, một hãng nghiên cứu thị trường trực tuyến, chia sẻ.

Ngày nay, rất khó để lướt Facebook, chấp nhận một Evite hoặc đọc một webiste tin tức địa phương mà không bị làm phiền bởi những quảng cáo kiểu như phiếu giảm giá 70% dịch vụ massage, một tá bánh cupcake với chỉ một nửa giá, hoặc học nhảy dù với giá chỉ một phần ba... Thủ phạm là ai? Một làn sóng các công ty đang đổ vào ngành công nghiệp phiếu mua chung với sự phát triển nhanh chóng của công ty dẫn đầu trong hình thức kinh doanh này - Groupon.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng coi việc mua theo nhóm giống chơi trò chơi, và họ thích ý tưởng sử dụng các khoản tiền nhỏ vào những thứ họ không thường mua - như là cơ hội để đi nhảy dù. Nhưng dần dần, người tiêu dùng trở nên kén chọn hơn khi họ nhận ra họ không thật sự sử dụng các phiếu giảm giá của lớp nấu ăn, hoặc họ thử nhảy dù nhưng không thích nó.

Vậy thì đứng trên phương diện một công ty cung cấp sản phẩm phiếu mua chung, các doanh nghiệp thế giới và Việt Nam đang gặp phải những thách thức và có được những cơ hội gì trong ngành hàng "nóng" này?

Thị trường phiếu mua chung thế giới

Groupon đã đối mặt với sự cạnh tranh từ đối thủ Living Social, người được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon; mạng xã hội Facebook vừa mới tung ra một hệ thống phiếu mua chung trên 5 quốc gia; công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Google - với tin đồn đang dự định mua lại Groupon - cũng đang kiểm tra công cụ riêng của chính nó ở một số thị trường.

Chính Groupon đang có tham vọng mở rộng và chuẩn bị tăng vốn thông qua việc gia nhập thị trường chứng khoán với dự định sẽ định giá trị công ty từ 15 đến 25 tỷ USD, theo Bloomberg.

“Không có dấu hiệu nào của sự quá tải”, GS. Utpal Dholakia - ngành marketing trường đại học Rice, người so sánh hiện trạng mở rộng nhanh chóng của thị trường phiếu mua chung với những ngày đầu của nền công nghiệp dot-com những năm 1990, tuyên bố.

Giống như các công ty được thành lập trong những năm đầu bùng nổ internet, phần lớn các công ty mua theo nhóm này dần dần sẽ tan vỡ, các chuyên gia cho biết.

“Sẽ có một sự chấn chỉnh thị trường, và dần dần số công ty tồn tại được sẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay”, Jeffrey Grau - chuyên gia phân tích cơ bản ở eMarketer, một hãng nghiên cứu thị trường trực tuyến, chia sẻ.

Có một vấn đề mà các công ty đang phải đối mặt là thực sự chỉ có một số ít người tiêu dùng đã thử các phiếu mua hàng này, vì thế việc dự đoán qui mô thị trường có thể lớn tới mức nào là khá khó khăn.

Một cuộc thăm dò ý kiến cuối tháng qua của Harris Interactive - với tư cách là Viện Kế toán công cộng Hoa Kỳ - đã phát hiện rằng, chỉ 10% người tham gia khảo sát đã mua hàng theo hình thức mua theo nhóm trong năm qua.

Nhưng điều đó không có nghĩa là thiếu cơ hội. Người tiêu dùng hằng ngày đều được tiếp xúc với rất nhiều phiếu mua chung với hàng loạt sự giảm giá đặc biệt trên hàng hóa hoặc dịch vụ trong thời hạn ngắn.

Ngoài những công ty lớn như Groupon đã cung cấp phiếu mua chung cho 500 thị trường tại 44 nước, thị trường đang tràn ngập những công ty nhỏ hơn, những người đánh vào thị trường ngách, trải dài từ báo chí địa phương cho đến các dịch vụ đặt bàn nhà hàng trên Open Table (một website chuyên đặt bàn để sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng tại nhiều nơi trên thế giới).

Ngành này đã trở nên quá đông đúc. “Có quá nhiều website mà một người tiêu dùng muốn ghé đến khi cần mua phiếu mua chung, thậm chí là đối với người tiêu dùng săn hàng trả giá”, Grau chia sẻ.

Ít nhất là bây giờ, những phiếu mua chung xuất hiện trước mắt người tiêu dùng cũng đã được sàng lọc thông qua các yếu tố nhân khẩu học.
Groupon cho biết rằng người dùng chủ yếu của công ty là giới nữ, từ 18–34 tuổi, khoảng một phần hai đang độc thân. Living Social cho biết 70% người dùng của nó là phụ nữ và 51% dưới 35 tuổi.

Các công ty mua theo nhóm cũng cần đảm bảo họ có đủ lý do hấp dẫn để khách hàng hiện tại quay lại website của mình. Grau cho biết, nhiều người dùng coi việc mua theo nhóm giống chơi trò chơi, và họ thích ý tưởng sử dụng các khoản tiền nhỏ vào những thứ họ không thường mua - như là cơ hội để đi nhảy dù.

“Nếu bạn đang mua những thứ trong danh sách mua sắm, bạn sẽ không đến Groupon”, ông ta nói.

Maire Griffin, người phát ngôn của Living Social cho biết cô ta nghĩ lịch sử đã cho thấy rằng người tiêu dùng luôn luôn bị hấp dẫn với việc trải nghiệm những cái mới, và cô ta mong điều đó không thay đổi.

Griffin cho biết Living Social đã làm nhiều cách để thử tấn công nhiều khách hàng hơn. Ngoài những phiếu mua chung hàng ngày, công ty còn cung cấp thêm nhiều ưu đãi nhắm đến các hộ gia đình, du lịch và họp nhóm bên ngoài như du lịch trượt tuyết. Griffin cũng quảng bá rộng rãi những phiếu mua chung có giá trị ở các thành phố lớn như New York và Washington, D.C

“Tất cả những đề xuất chúng tôi đang đưa ra hấp dẫn một số lượng lớn các nhóm người khác nhau”, cô ta cho biết.

Grau cho biết rằng khi mô hình mua theo nhóm bão hòa, sẽ có nhiều công ty cung cấp các ưu đãi nhắm đến các nhóm người dùng liên quan đến nhau hoặc chuyên biệt, ví dụ như là người chạy bộ hoặc người chơi đua thuyền.

Ông nhìn thấy điểm tương đồng giữa sự hào hứng của mua theo nhóm và các trang đấu giá trực tuyến khởi đầu bởi eBay. Qua nhiều năm, ông ta lưu ý, người mua hàng đã bắt đầu mệt mỏi bởi cách thức đấu giá và eBay đã bắt đầu đưa ra nhiều mức giá cố định hơn.

“Sự mới lạ của việc này đang giảm dần, điều đó cũng có nghĩa là các trang mua theo nhóm sẽ tiến hóa lên một bậc cao hơn”, Grau cho biết.

Hiện trạng thiếu chiến lược phát triển tại Việt Nam

Mô hình mua theo nhóm đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam trong vòng chưa đầy 2 năm – nơi có 31% dân số sử dụng internet và phần lớn là dân số trẻ. Hình thức mua theo nhóm này cũng phù hợp với thói quen thích các sản phẩm dịch vụ giảm giá của người dân, đặc biệt là trong thời điểm giá cả tăng cao và xu hướng thắt chặc chi tiêu như hiện nay.

Tự phát là chính

Tuy ra đời muộn và sao chép ý tưởng từ Groupon, nhưng từ năm 2010 đến nay, thị trường này tại Việt Nam đang phát triển rất sôi động với hơn chục website khác nhau, và các deal hiện nay cũng rất đa dạng, từ các dịch vụ ăn uống, giải trí đến các lớp học, sản phẩm tiêu dùng.

Dựa theo thời gian phát triển và số lượng người dùng hiện nay, có 4 doanh nghiệp nổi trội nhất trong ngành này là nhommua.com, muachung, cungmua và hotdeal.

nhommua.com và muachung là các sản phẩm được phát triển từ diadiem.com hay công ty CP Truyền thông Việt Nam trên cơ sở có lượng người sử dụng lớn và sự đầu tư bài bản từ các nhà đầu tư, có đối tác chuyên nghiệp từ nước ngoài, có nhân sự có kinh nghiệm xây dựng mô hình mua theo nhóm. Đa số các công ty còn lại đang tham gia vào thị trường này đều đang hoạt động trên cơ sở tận dụng người sử dụng từ các nguồn khác và xem như là một giá trị dịch vụ gia tăng cho khách hàng. 

Vì đặc thù cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam chưa cao nên hình thức thanh toán và quy trình mua bán hiện nay cũng tốn nhiều chi phí cho các công ty cung cấp dịch vụ này, do đó, việc đảm bảo cạnh tranh được và vẫn có lợi nhuận trong những năm đầu là khá khó.

Thiếu sự khác biệt

Các mặt hàng kinh doanh theo hình thức này hiện khá đa dạng. Không quá khó để kiếm một phiếu ăn uống tại các nhà hàng hay để tham gia hoạt động bắn súng sơn hay thậm chí một khóa học SEO marketing với giá hấp dẫn trên các trang này.

Ngoài tiêu chí cốt lõi là giá rẻ, hầu hết các công ty cung cấp loại hình này chưa có một sự khác biệt rõ rệt nào để cạnh tranh, trừ dealdulich - đơn vị tập trung các deal du lịch tại Việt Nam.

Hầu hết, các công ty dạng này đều đang tập trung phát triển tại thị trường phía Nam, nơi năng động và mức độ tham gia các deal cao hơn so với phía Bắc.

muachung đang là đơn vị dẫn đầu thị trường này một phần nhờ đây là thị trường truyền thống của nó, đồng thời đã tiến tới xây dựng các showrom nhằm hỗ trợ khách hàng có nơi để kiểm chứng sản phẩm trước khi mua dùng trong thực tế.

Thiếu tập trung nguồn lực và dàn trải

Trong số nhiều công ty theo dạng này, Zingdeal là một trong những đơn vị lớn, ra đời sớm nhất nhưng đã đóng cửa với lý do tập trung phát triển hoạt động kinh doanh chính của công ty hiện nay. Đây có thể xem là dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung đầu tư nhằm đảm bảo sự thành công. Theo đó, cần có kế hoạch dài hạn và bài bản hơn. Doanh nghiệp không những phải nắm vững về việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, công nghệ, mà còn phải biết nắm bắt tâm lý, thói quen của người tiêu dùng để đưa ra các deal hấp dẫn, phù hợp.

Tình trạng phát triển dàn trải đang rất phổ biến tại Việt Nam.

Với sự phát triển của internet hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và tăng khả năng tìm được giá tốt nhất cho các món hàng mà mình muốn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có tâm lý lo ngại về uy tín của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm cũng như sự làm giá của các deal nhằm tạo ra sự giảm giá ảo.

Các công ty mua theo nhóm tại Việt Nam đang đi trên con đường cũ của hình thức kinh doanh này trên thế giới.

Trong một khảo sát mới đây của Masso Survey, một số chuyên gia cho rằng hình thức kinh doanh mua theo nhóm này sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Đây vẫn là thị trường tiềm năng, nhưng cũng đầy thách thức. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu về nhu cầu, hành vi cũng như thói quen mua sắm của khách hàng để từ đó định hướng chiến lược kinh doanh và từng bước xây dựng thương hiệu một cách rõ ràng và hiệu quả hơn.

Các doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư lớn và dài hạn để tạo được sự khác biệt, định vị hình ảnh thương hiệu nhằm tạo ra uy tín bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp, thông qua đó xây dựng niềm tin thương hiệu lâu dài đối với người tiêu dùng cũng như thu hút được nhiều deal hấp dẫn hơn từ phía nhà cung cấp. 

Theo DNSG/Masso Consulting

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM