Một ngày theo chân ông Đoàn Văn Vươn đi tiếp thị… Vịt

08/03/2016 15:59 PM | Kinh doanh

“Tôi tốt nghiệp trường nông nghiệp, ước mơ nuôi một đàn vịt 20.000 con chưa thành hiện thực thì đã phải đi “công tác” xa. Nay trở về, được anh em giúp đỡ, với vợ chồng tôi, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Gia đình tôi sẽ quyết tâm xây dựng kinh tế từ đầu…”, ông Đoàn Văn Vươn trong vụ án Tiên Lãng, Hải Phòng, vừa được đặc xá mỉm cười nói.

Sáng chủ nhật, thời tiết Hà Nội vẫn căm căm lạnh buốt. Vừa bước xuống xe từ Hải Phòng, ông Đoàn Văn Vươn cùng người vợ của mình tay xách nách mang đủ thứ từ quần áo, đồ dùng cá nhân cho đến… vịt.

Xòe đôi tay cầm con vịt đã được thịt sẵn, ông Vươn cười xuề xòa bảo: “Chuyến đi Hà Nội này là để cùng bà xã đến mấy cửa hàng thực phẩm sạch tiếp thị…”.

Theo chân ông Vươn, chúng tôi đến cửa hàng rau sạch đầu tiên trên đường Trần Quang Diệu (Q.Đống Đa, HN).

10 giờ sáng, cửa hàng đón những vị khách đầu tiên. Hôm nay, khách đến mua rau nán lại lâu hơn một chút để nghe ông Vươn giới thiệu về thịt vịt. Người đàn ông đầu đã điểm lưa thưa tóc bạc, đôi mắt còn trực lo âu liên tục kể về giống vịt và câu chuyện về ước mơ nuôi vịt biển của mình.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp, về quê, ông Vươn lấy vợ và xây dựng kinh tế ở khu đầm nuôi trồng thủy sản khai hoang lấn biển ngoài đê thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Đầm rộng, nuôi trồng thủy sản quanh năm, kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng sống vui vẻ, chan hòa. Thế nhưng, tai họa bất ngờ ập xuống. Năm 2012, ông Vươn phải vào tù vì tội nổ súng chống lực lượng chức năng trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

"Thời gian tôi chấp hành án trong trại giam, đó là mất mát rất lớn của bản thân và gia đình. Nhớ vợ con, nhớ bạn bè hàng xóm, nhớ đầm tôm hàng ngày tôi vẫn bám mặt cho đất bám lưng cho trời. Đêm xuống nằm trằn trọc, tôi lại vẽ lên viễn cảnh đầm sẽ vừa nuôi trồng thủy sản, vừa trồng rau lại nuôi cả hàng nghìn con vịt...", ông Vươn kể.

Ngày 2/9/2015, được Nhà nước đặc xá, ra tù sớm hơn thời hạn, ông Vươn vội vã trở về nhà, cùng em trai của mình là Đoàn Văn Quý đồng lòng gây dựng lại đầm tôm.

"Đi xa mấy năm mà về nhìn đầm hoang tôi xót xa lắm. Mình không gắng làm thì phụ chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; phụ lòng tốt mong đợi của người thân, hàng xóm”, ông Vươn bộc bạch.

Cùng với thời gian đó, qua bạn bè giới thiệu, ông Vươn được người quen ở Phú Quốc giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu.

Đúng với ước muốn lâu nay, chẳng chần chừ, ông Vươn liền bắt tay vào nuôi thử 100 con. Thấy giống vịt này dễ nuôi lại phát triển rất tốt, ông mua thêm 1.000 con giống. Trong đó, 600 vịt để đẻ trứng và 400 con cho ăn thịt. Chỉ sau 2 tháng thì trọng lượng đã đạt 2 -3kg/con.

Để đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm, ông Vươn tiếp tục giữ vịt, thả vườn cho ăn lúa, thóc, cỏ tự nhiên thêm một tháng.

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu ông Vươn bảo hầu như chằng gặp. Bởi giống vịt này thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình, nơi có nguồn nước thường xuyên biến động, sức chịu đựng bệnh tật tốt.

Lại thêm vốn kinh nghiệm đã được tích lũy từ khi còn học ở trường Nông nghiệp cộng với đọc sách báo, lên mạng tìm hiểu, vịt biển có bệnh tật gì một tay ông Vươn cũng chữa được.

Với chất lượng ngon, thịt thơm, ít béo sau khi đã mang ra thị trường giới thiệu nhận được phản hồi tốt, vợ chồng ông quyết định mang lên Hà Nội tiếp thị ở các cửa hàng thực phẩm sạch.

"Cả vịt sống và vịt thịt sẵn, tôi đều sẵn sàng cung ứng. Giá một con vịt hơn hai cân đã thịt sẵn dao động từ 200-300.000 đồng. Hiện 400 vịt đã có thể xuất chuồng, 600 vịt còn lại khoảng tháng 5-6 có thể đẻ trứng.

Tôi muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, có trách nhiệm với cộng đồng và cạnh tranh được với bất cứ sản phẩm nông sản nhập khẩu nào khác khi Việt Nam gia nhập TPP. Nếu đàn vịt này thành công, tôi sẽ tiếp tục nhân giống với ước mơ nuôi 20.000 vịt biển", ông Vươn trao đổi với khách hàng.

Tuy nhiên, ông Vươn cũng cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển. Nguồn cần đầu tư lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình từ hệ thống sản xuất thức ăn, kho lạnh, chuồng trại, khu giết mổ, giống vịt…

Trong đó, cấp bách nhất là khoảng 400 triệu để làm nhà cho đàn vịt đẻ gần 600 con và tái đàn. Tuy nhiên, việc vay vốn ngân hàng cũng không dễ dàng do ông Vươn không có tài sản thế chấp.

Luôn ở bên, kề vai sát cánh cùng chồng, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) tíu tít trò chuyện với khách hàng xung quanh. Dù không quen từ trước nhưng câu chuyện về người đàn ông ra tù, quyết tâm làm giàu từ đôi bàn tay của mình được nhiều người dân Hà Nội ủng hộ.

"Từ ngày ông ấy trở về, còn đầm khoảng 40ha gần như hoang tàn gần 4 năm đang bắt đầu hồi sinh dưới bàn tay hai người đàn ông chăm chỉ. Vợ chồng tôi nuôi vịt, thả cá, nuôi tôm và trồng cả cây sả để bán cho doanh nghiệp chiết xuất tinh dầu...", bà Thương cười nói.

Có mặt tại cửa hàng, chị Ngô Tường Vi, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch tại quận Đống Đa cho hay, do được nuôi theo quy trình sạch nên sản phẩm vịt biển của ông Vươn rất ngon, thơm thịt, được khách hàng yêu thích.

"Trước đó, qua một người bạn giới thiệu, tôi nhận lời đưa thịt vịt biển của ông Vươn vào bán tại cửa hàng. Phản hồi của khách hàng rất tốt. Có nhiều người nói vịt còn hơi béo nhưng thịt thơm và ngon. Một số đã gọi điện đặt hàng tôi. Chắc chắn, trong thời gian tới tôi sẽ nhập vịt của ông Vươn để cung ứng ra thị trường", chị Vi chia sẻ.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM