M&A ở Traphaco: Thuốc đắng hay thuốc bổ?

03/10/2013 16:41 PM | Kinh doanh

Nội dung nổi bật:

- Traphaco hiện chỉ hoạt động ở mức 60-70% công suất nên dư địa cho việc gia tăng sản lượng vẫn còn lớn. Hai nhãn hàng nổi tiếng là hoạt huyết dưỡng não và Boganic, đóng góp tới 30-35% tổng doanh thu của công ty.

- Traphaco hiện góp vốn tại 5 công ty khác và tham vọng bành trướng và giữ vị thế đứng đầu ngành đông dược bằng việc đẩy mạnh M&A. 

- Tuy nhiên thực tế thì không phải chiến lược mua lại nào cũng mang đến thành công cho doanh nghiệp.



Hiện tại, “hành trình về phương Đông” đã trở thành xu hướng, không còn là câu chuyện nói chơi mà thực sự đã phủ sóng mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và y tế. Vì vậy, sản phẩm đông dược là con át chủ bài của Traphaco. 

Kinh doanh xu hướng 

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhìn nhận, kinh doanh đông dược, dược liệu truyền thống thực sự là một tài sản quốc gia vì nguyên liệu mà Việt Nam có chưa chắc các nước khác đã có. “Sự khác biệt và độc đáo sẽ là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững”, ông Quang nói.

Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường đông dược khá lạc quan. Chi tiêu thuốc đông dược mới chỉ chiếm khoảng 1-2% trong tổng chi tiêu cho thuốc ở Việt Nam, trong khi xu hướng sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng hơn nhiều.

Traphaco hiện chỉ hoạt động ở mức 60-70% công suất nên dư địa cho việc gia tăng sản lượng vẫn còn lớn. Điều đáng nói nữa, Traphaco chủ động được đến 70% nguyên liệu đầu vào, vượt xa đối thủ nặng ký nhất là OPC, một doanh nghiệp đông dược đang thống lĩnh thị trường phía Nam. Đây có lẽ là lợi thế lớn nhất của Traphaco.

Thêm nữa, Traphaco hiện đang có hai nhãn hàng nổi tiếng là hoạt huyết dưỡng não và Boganic, đóng góp tới 30-35% tổng doanh thu của công ty và được dự báo chưa dừng ở lại đó. 

M&A mạnh lên hay phân tán?

Cùng với khả năng tăng trưởng sản lượng (thực tế là công ty đã không ngừng đưa ra các sản phẩm mới), Traphaco đang tỏ rõ tham vọng bành trướng và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành đông dược của mình.



Trong năm 2012, công ty đã mua lại 51% vốn điều lệ của CTCP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (DBM) và tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 58,2% vào cuối tháng 8/2013 vừa qua. Cũng trong năm ngoái Traphaco đã nắm 42,9% vốn điều lệ của CTCP Dược vật tư Y tế Quảng Trị. Năm 2013, HĐQT Traphaco quyết định mua lại 49% vốn điều lệ CTCP Dược - Vật tư Y tế Thái Nguyên. 

Như vậy, hiện tại tổng cộng Traphaco đã góp vốn tại 5 công ty khác là CTCP Công nghệ cao Traphaco, CTCP Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk, CTCP Dược - Vật tư y tế Thái Nguyên, CTCP Dược - Vật tư y tế Quảng Trị, Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sapa. 

Đánh giá về động thái này của Traphaco, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, xét trong dài hạn việc mua lại các công ty khác là một định hướng phát triển hợp lý, bởi hệ thống phân phối đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của các công ty dược Việt Nam. 

Dù vậy, thực tế thì không phải chiến lược mua lại nào cũng mang đến thành công cho doanh nghiệp

Nếu Hùng Vương Group đã lớn mạnh và trở thành người dẫn đầu trong ngành thủy sản cũng bằng chiến lược mua lại và khép kín, hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu - thị trường thì bên cạnh đó, vẫn có những tấm gương đáng để tham khảo. 

Kinh Đô đã có một số thương vụ thành công và một vài toan tính thất bại. Một số doanh nghiệp sau khi mua các công ty khác cuối cùng cũng phải bán đi để thu gọn qui mô. 

Vì thế, cho dù bản thân Traphaco không giấu diếm tham vọng thông qua hoạt động M&A để tăng vốn điều lệ và phát triển mạng lưới, công ty vẫn phải lưu ý tới mặt trái của M&A một cách dàn trải, đó là việc phân tán nguồn lực và năng lực quản lý không theo kịp với sự "bành trướng" nhanh chóng của hoạt động kinh doanh.

Liệu điều này có khiến Traphaco mất nhiều thời gian hơn mới tập trung được nguồn lực để chiếm lĩnh thị trường miền Nam - vốn rất quan trọng - từ tay OPC? Cũng cần phải lưu ý rằng, hiện có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác đang đánh mạnh vào sản phẩm “công nghiệp xanh” chủ lực của Traphaco. 

Vẫn có rủi ro

Mới đây, Traphaco gặp “sự cố”. Đương kim Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tố: cháu nội mình uống sản phẩm ANTOT - IQ, một sản phẩm giúp trẻ em nâng cao thể lực của Traphaco - và bị ngộ độc. 

Hiện vụ việc này đã ngã ngũ và theo Cục An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế, sản phẩm này an toàn, Traphaco chỉ bị phạt 25 triệu đồng do ghi sai nhãn. Số tiền phạt này là chuyện nhỏ. Nhưng chuyện lớn là qua vụ việc này, liệu các sản phẩm chức năng của Traphaco có bị người tiêu dùng xem xét lại hay không? Con đường kinh doanh thực phẩm chức năng và đông dược của Traphaco xem ra cũng không chỉ trải toàn hoa hồng. 

Nói đúng ra thì trong khi chờ mạng lưới phân phối mạnh thêm, tỷ lệ dân số sử dụng thực phẩm chức năng được nâng lên từ 6% hiện nay (thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng) lên mức hai con số, trước mắt doanh thu và lợi nhuận của Traphaco chắc chắn vẫn sẽ trông cậy chủ yếu vào các nhãn hàng đã có uy tín và vào số lượng đấu thầu lớn ở các đơn vị mua sỉ như bệnh viện, nơi mà Traphaco đang rất mạnh do đáp ứng đúng quy định của Thông tư 01/2012 của Bộ Y tế về việc thuốc đấu thầu vào bệnh viện không những phải đạt chất lượng mà còn phải có giá thấp nhất.

Ngoài ra, kể cả khi tiếp cận và đẩy mạnh phân phối các nhãn hàng thực phẩm chức năng tới tận tay người tiêu dùng, những rủi ro như trường hợp ANTOT-IQ kể trên, tuy có thể chỉ là vụ việc đơn lẻ, cũng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Dù sao, ngay lúc này nếu chỉ nhìn vào biểu đổ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp ngành dược trong 6 tháng đầu năm 2013 hay đặc biệt chỉ cần so sánh hai quán quân của ngành tân dược và đông dược là Dược Hậu Giang và Traphaco qua các con số tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 18% và 32%; -7% và 63%, lợi thế rõ ràng đang thuộc về Traphaco. 

Hy vọng chuyện dẫn đầu về mức tăng trưởng của các công ty niêm yết ngành dược mà Traphaco đạt được trong thời gian qua không phải là chuyện nhất thời!

Theo Trung Nhật

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM