M&A ngành điện máy: Khó thành vì tâm lý 'thà chết không bán mình cho đối thủ'

27/03/2013 12:10 PM | Kinh doanh

Trước thông tin CPI tháng 3 giảm 0,19% làm cho dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế ngày càng rõ rệt, cùng với việc thoái vốn của một quỹ đầu tư trong lĩnh vực điện tử, điện máy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc kinh doanh, kiêm thành viên HĐQT Công ty CP Thế giới số Trần Anh (TAG) – về sức mua của người dân trong lĩnh vực này và các thương vụ mua bán, sáp nhập có thể diễn ra.

Thưa ông, ngay vừa qua Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,19%, hai tháng trước đó tăng nhưng ở mức thấp so với nhiều năm. Vậy 3 tháng đầu năm tình hình kinh doanh lĩnh vực điện máy, điện tử thế nào so với các năm trước, thưa ông ?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Chúng tôi nhận thấy tình hình kinh doanh bán lẻ điện máy trong quí 1/2013 không có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012. Tuy có sụt giảm nhẹ nhưng mức độ sụt giảm đã chững lại so với mức độ sụt giảm của quí 4/2012.
 
Với việc chỉ số CPI giảm, lãi suất ngân hàng giảm, chúng tôi hy vọng rằng niềm tin của người tiêu dùng sẽ được nâng lên, khi đó người dân sẽ tăng mức chi tiêu mua sắm hơn trước đây.

Doanh thu năm 2012 của Trần Anh vẫn tăng so với năm trước đó trong tình hình kinh tế tiếp tục ảm đạm, đâu là yếu tố giúp Trần Anh đã giữ được đà tăng này?

Mặc dù doanh thu năm 2012 của Trần Anh tăng so với năm 2011, nhưng doanh thu tăng là do Trần Anh mở thêm siêu thị. Mức tăng trưởng doanh thu chưa thực sự theo kịp mức tăng của chi phí khiến cho lợi nhuận năm 2012 của chúng tôi bị sụt giảm.
 
Tuy nhiên đặc thù kinh doanh siêu thị luôn phải chấp nhận hòa hoặc lỗ trong 1-2 năm đầu, nên chúng tôi vẫn tự tin mở rộng qui mô để tiếp tục tăng doanh thu và chiếm thị phần

Trong tình hình sức tiêu thụ chung của nền kinh tế giảm sút, tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng, nhưng trong đó cũng có nhiều cơ hội. Đối với lĩnh vực điện tử, điện máy thì thế nào, thưa ông?

Thị trường điện máy còn rất tiềm năng, khó khăn trước mắt chỉ là ngắn hạn trong vài năm. Nếu doanh nghiệp nào có tầm nhìn dài hạn và khả năng tài chính vững mạnh thì sẽ nhìn thấy đây là cơ hội để thâu tóm thị phần, mở rộng qui mô lấy lợi thế.
 
Nhờ suy thoái kinh tế nên lúc này việc tìm kiếm thuê mặt bằng cũng dễ hơn, giá thuê cũng rẻ hơn nhiều giai đoạn trước, việc tuyển dụng nhân viên có trình độ cũng dễ hơn. Tuy nhiên đây cũng là hướng đi mang nhiều rủi ro, chỉ thực sự phù hợp với những doanh nghiệp có bản lĩnh và đầy tham vọng

Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tích cực mở rộng số cửa hàng trong năm 2012 và đầu 2013, trong đó có Trần Anh. Điều này khác với xu hướng của nhiều doanh nghiệp các ngành đang co cụm lại để giảm thiểu chi phí. Vì sao lại có điều này?

Ban lãnh đạo Trần Anh nhận định rằng khó khăn của doanh nghiệp này có thể là cơ hội để bứt phá của doanh nghiệp khác. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực, đặc biệt là sự chuẩn bị về năng lực tài chính với một lịch sử 11 năm kinh doanh chưa từng đi vay vốn ngân hàng, chúng tôi nhìn nhận thấy đây là cơ hội để Trần Anh tăng tốc bứt phá chiếm lĩnh thị phần, vì vậy chúng tôi vẫn quyết định đi ngược xu thế chung của các doanh nghiệp khác trên thị trường

Theo ông thị trường điện tử, điện máy có thể bắt đầu phục hồi từ khi nào?

Theo nhận định của ban lãnh đạo Trần Anh thì thị trường điện máy có thể phục hồi vào quí 2/2014. Sự phục hồi sẽ rất từ từ chứ không có sự đột biến. nhanh thì phải đến năm 2016 thị trường mới sôi động trở lại như giai đoạn 2008-2011

Trong nhiều lĩnh vực khác đã tranh thủ xuất hiện việc thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp. Ông có nghĩ điều này sẽ xuất hiện trong lĩnh vực điện máy, điện tử trong nước thời gian tới?

Thâu tóm và sáp nhập trong lĩnh vực điện máy sẽ khó xảy ra hơn các lĩnh vực khác. Không phải vì các doanh nghiệp thấy chưa cần thiết mà chủ yếu là do yếu tố tâm lý từ các chủ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này: lâu nay do mức độ cạnh tranh quá gay gắt khiến “cái tôi” của các chủ doanh nghiệp kinh doanh điện máy bị đẩy lên cao độ.
 
Chính “cái tôi” này sẽ làm cho nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực này thất bại. Theo cách nói của dân trong ngành là “thà để công ty phá sản còn hơn phải chấp nhận bán lại cho đối thủ cạnh tranh”. Cá nhân tôi nghĩ đây là một suy nghĩ sai lầm và tiêu cực

Vừa qua đã có vụ thoái vốn của một quỹ đầu tư với một doanh nghiệp trong ngành. Theo ông điều này có ảnh hưởng tới tình hình huy động vốn của ngành trong tương lai gần?

Theo tôi sự việc này nên được nhìn nhận là một dấu hiệu tốt và tích cực cho việc huy động vốn của ngành điện máy trong tương lai. Vì đó là thương vụ thoái vốn của một quỹ cho một nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề, với mức giá chuyển nhượng cao hơn nhiều lần mức giá mua vào. Điều đó khẳng định rằng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang được định giá thấp, tiềm năng của thị trường còn rất lớn. Và chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa các nhà đầu tư quan tâm đến ngành bán lẻ điện máy ở Việt Nam.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp bán lẻ điện máy nào cũng được quan tâm mà các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn có sự quản trị minh bạch, chuyên nghiệp, và có hệ thống kênh phân phối đủ rộng thuộc hàng Top ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngoài những tiêu chuẩn ở trên thì những siêu thị điện máy có số lượng siêu thị ít hơn 10 siêu thị trên toàn quốc sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà đầu tư.

Câu hỏi cuối, theo ông liệu còn cơ hội nào cho các doanh nghiệp mới muốn tham gia vào ngành này hay không?

Tôi nghĩ là vẫn luôn có cơ hội cho tất cả mọi người, ở mọi thời điểm. Tuy nhiên càng xuất hiện sau thì chiến lược và cách triển khai càng phải có sự khác biệt nổi trội so với những công ty ra đời trước. Nếu xuất hiện sau mà chỉ làm những cái na ná như các doanh nghiệp đi trước đang làm hiện nay thì khả năng thất bại là rất cao

Xin cảm ơn ông!
 
Hưng Nguyễn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM