M&A ngân hàng: Những biến động lớn

07/08/2014 13:04 PM | Kinh doanh

Số các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, dự kiến hàng chục NH nữa tiến hành M&A để sở hữu chéo, thoái vốn, tái cơ cấu, hoặc để hình thành những NH lớn hơn.

Sức ép và cơ hội tồn tại

M&A không chỉ là sức ép của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là cơ hội tồn tại của nhiều NH nhỏ.

Tiếp sau thương vụ sáp nhập NH SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa hay Habubank về với NH Sài Gòn Hà Nội (SHB), năm 2013, một số vụ mua lại, sáp nhập tiếp tục diễn ra, tạo nên "luồng khí nóng" trên thị trường NH. 

Đó là NH Phương Tây (WesternBank) và PVFC (Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam) hợp nhất thành NH Đại chúng (PvcomBank); DaiABank sáp nhập vào HDBank; HDBank mua Công ty Tài chính SGVF của Pháp; nhóm nhà đầu tư mới mua 85% cổ phần của TrustBank và đổi tên thành NH Xây dựng Việt Nam...

Sang những tháng đầu năm 2014, sức nóng càng lan tỏa khi thị trường liên tục xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến M&A NH. NH Phát triển Mekong (MDB) ra thông báo sẽ sáp nhập vào Maritime Bank.

Ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank xác nhận với cổ đông rằng thương vụ sáp nhập với MDB đã đạt được các bước tìm hiểu, lên kế hoạch, xin chủ trương. Việc triển khai các bước tiếp theo chỉ còn chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thẩm định và cho phép.

Trước đó, trong tháng 3/2014, việc NH Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào NH Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã gây xôn xao thị trường. Dù có những tranh luận nhưng cuối cùng cổ đông hai NH đều đồng ý thông qua kế hoạch sáp nhập. Một số NH như Việt Á, Bản Việt, Đông Á tuy chưa có đề án cụ thể nhưng ít nhiều hé lộ mối quan tâm đến M&A NH.

Các NH này đã trình ĐHCĐ về việc ủy quyền cho ban quản trị được chủ động tiếp xúc, tìm hiểu các tổ chức tín dụng để chuẩn bị cho việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng theo đề án tái cấu trúc NH. Lãnh đạo DongABank cũng cho biết trong năm 2013, có hai đối tác đến đàm phán với DongABank về vấn đề sáp nhập.

NH Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) từng có ý định sáp nhập với NH Công Thương (Vietinbank) nhưng PG Bank chỉ muốn trở thành NH con chứ không muốn thương hiệu biến mất nên cuối cùng dự định này không thành. Hiện tại, PG Bank chỉ đề cập chủ trương sáp nhập chứ không nhắc đến tên tuổi NH nào cụ thể.

Tính ra, trong các tháng đầu năm 2014, dù sáp nhập giữa NH với NH mới dừng ở mức độ "loan tin", nhưng việc nhiều NH công khai kế hoạch sáp nhập đã cho thấy, M&A trong NH có những chuyển biến mới. Theo nhiều chuyên gia, M&A NH năm 2014 không còn dừng ở mức độ mở rộng quy mô, giải quyết vấn đề thanh khoản mà đã tập trung vào cải thiện chất lượng tài sản, tháo gỡ dần quá trình sở hữu chéo.

M&A NH trong năm 2014 và những năm tới được dự báo sẽ có sự góp mặt tích cực của các "ông lớn". Bằng chứng, Vietcombank mới đây đã lên tiếng sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu, nếu được NHNN đồng ý.

   (Xem thêm: Ngân hàng Phương Nam và Sacombank sẽ sáp nhập)

Một quan chức Vietcombank còn cho biết thêm, Vietcombank đã khảo sát, đánh giá sơ bộ toàn bộ tài sản thế chấp của một hai NH được NHNN gợi ý. Trước Vietcombank, NH BIDV đã từng tham gia vào quá trình hợp nhất của 3 NH Đệ Nhất, Sài Gòn, Tín Nghĩa.

Giảm mạnh số lượng ngân hàng

Sau khi đã "loại bỏ” các NH yếu kém, NHNN sẽ nâng quy định về vốn điều lệ, qua đó, các NH cổ phần sẽ đủ sức đẩy các NH quốc doanh vào thế cạnh tranh trực tiếp.

Tại hội nghị tổng kết của ngành NH diễn ra cuối năm ngoái, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cho biết, hiệu quả kinh doanh của ngành NH năm 2013 đã thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể mức lãi của ngành NH năm 2013 chỉ bằng 53 - 64% các năm 2011, 2012.

Trong đó, 17% các tổ chức tín dụng (TCTD) thua lỗ trong năm 2013. Ngay trong số những đơn vị hoạt động có lãi thì trên một nửa lợi nhuận này đã giảm so với năm 2012. Đáng chú ý, đà suy giảm này đã diễn ra từ mấy năm nay. Công ty kiểm toán KPMG cho rằng, với tăng trưởng tín dụng thấp và tỷ lệ nợ xấu cao, các NH còn phải gồng mình trong môi trường kinh doanh đầy khó khăn.

Nghĩa là các NH nhỏ đang phải cạnh tranh nhau khốc liệt. "Nếu không sáp nhập, NH nhỏ rất khó tồn tại", TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.

Ở góc độ chính sách, NHNN đã đề ra mục tiêu giảm mạnh số lượng NH, từ 39 NH hiện tại xuống còn 15 NH trong hệ thống vào năm 2017. Trước mắt, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chỉ riêng trong năm 2014, NHNN có thể xử lý 6 - 7 NH thông qua việc hợp nhất.

Nếu tính từ năm 2011, đã có 9 NH yếu kém bị xử lý. Rõ ràng, trước chính sách của NHNN, các NH nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp, hoặc gặp vấn đề về tài chính là khó tránh khỏi chuyện sáp nhập.

Nhưng M&A NH không chỉ diễn ra giữa các NH nội mà còn là NH nội tìm cách hợp tác với đối tác ngoại. Với chính sách nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại NH từ 15% lên 20%, và quá 30% trong một số trường hợp đặc biệt, các NH càng có thêm động lực tiến hành M&A.

Thực tế, dù số lượng NH Việt Nam đã khá nhiều nhưng số lượng người dân và doanh nghiệp chưa tiếp cận được NH vẫn khá cao. Các NH bán lẻ mới chỉ cung cấp được dịch vụ một phần nhỏ dân số, còn dịch vụ, giao dịch NH cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rất nhiều đất để tăng trưởng tiếp...

Do đó, theo lãnh đạo một công ty tài chính quốc tế, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất quan tâm đến việc nới trần sở hữu ở các NH Việt Nam và coi đó là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) xác định sau khi bán lại 20% cổ phần MDB cho MaritimeBank sẽ không rút vốn ra khỏi Việt Nam mà tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thị trường cũng đang trông đợi thương vụ NH Singapore UOB đàm phán mua lại toàn bộ GP Bank sẽ sớm thành công. Nếu thành công, đây sẽ là tín hiệu mở đường cho NH sử dụng nguồn lực ngoại để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.

Điểm lưu ý khác là khi Thông tư 09 (điều chỉnh từ Thông tư 02) có hiệu lực vào đầu năm 2015, các NH sẽ phải minh bạch hóa nợ xấu, tính đúng và đủ nợ xấu, dùng cả phương pháp định tính và định lượng để phân loại nợ, mở rộng danh mục nợ xấu phải trích lập dự phòng, thêm nhiều quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn...

Điều này buộc các NH phải tìm cách tăng vốn hoặc tính đến phương án M&A như một cách phòng ngừa khoản trích lập dự phòng nợ xấu gia tăng có thể "ăn" vào lợi nhuận hay nghiêm trọng hơn "ăn" vào vốn của NH.

Bên được, bên mất

Các NH sau M&A như SCB, SHB, HDBank, PVcombank đã đạt được những kết quả ban đầu trong quá trình tái cơ cấu. Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, các NH sau sáp nhập đã nhanh chóng rà soát và bán nợ xấu cho VAMC.

Đơn cử, SCB đã bán được 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho công ty này. SHB cũng dần giải quyết được khoản nợ xấu 1.800 tỷ đồng sau sáp nhập Habubank. Riêng HDBank đang rà soát các khoản nợ xấu sau sáp nhập DaiABank để bán cho VAMC.

Sau sáp nhập, hoạt động của SHB đã đi vào ổn định. SHB cũng đã nhận được sự hợp tác phát triển kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí, Xăng dầu, Điện lực, Viễn thông, Hóa chất, Lương thực... với doanh số lớn hơn nhiều lần năm 2012 và thành công trong tích hợp hệ thống core hiện đại giữa hai NH, mở rộng mạng lưới khách hàng.

Các thương vụ M&A khiến thứ hạng về quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản của nhiều NH đang thay đổi, nhất là đối với khối NH thương mại cổ phần. Vị trí số 1 về vốn điều lệ của Eximbank (hiện là 12.355 tỷ đồng) đã bị Sacombank soán từ cuối năm 2013. Dự kiến sau khi Sacombank sáp nhập Southerbank sẽ khiến NH sáp nhập có vốn điều lệ lên tới 16.425 tỷ đồng, với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau 4 NH quốc doanh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những thuận lợi này đang nghiêng về phía các NH nhỏ. Còn ở những NH lớn, việc phải tiếp nhận một thực thể "không khỏe mạnh" sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của NH sau sáp nhập trong một thời gian ngắn.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh (BDI) tính toán, sẽ mất ít nhất 2-3 năm, Sacombank sau sáp nhập mới ổn định và tăng trưởng trở lại, do phải gánh nợ xấu SouthernBank.

Bản đồ hệ thống NH đã có những thay đổi sau một số thương vụ M&A. Trước mắt, 5 NH là Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, WesternBank, DaiABank đã rút khỏi thị trường. Trong khi đó, SCB, SHB đều lọt vào top những NH có vốn chủ sở hữu, có tổng tài sản lớn nhất ngành.

Nếu thương vụ MDB sáp nhập vào Maritime Bank, Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thành công và những kế hoạch tái cấu trúc trong NH được tiến hành trên diện rộng, top các NH dẫn đầu về tài sản, vốn, thị phần... sẽ còn thay đổi.

Trong khi đó, Eximbank sáp nhập với Sacombank sẽ tạo thành NH có vốn điều lệ tương đương với các NH quốc doanh. Sau sáp nhập với MDB, vốn điều lệ của Maritime Bank đã vọt lên 11.750 tỷ đồng, chỉ đứng sau Eximbank và Sacombank. Đồng thời, Maritime Bank cũng trở thành NH có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các NH cổ phần, với gần 300 điểm trên toàn quốc.

Nhưng theo ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, quan trọng hơn tất cả là hệ thống NH nói riêng, cả nền kinh tế nói chung có lợi từ hoạt động này.

>> Sáp nhập ngân hàng kiểu Việt Nam

Theo Ngọc Thủy

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM