M&A ngân hàng: Chuyện được, mất

11/08/2015 08:38 AM | Kinh doanh

Ngân hàng tiếp tục được sử dụng như công cụ để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng không hiệu quả.

Vốn kín tiếng trước những cuộc M&A trong ngành ngân hàng, nhưng sắp tới có lẽ Ngân hàng Quân Đội (MBB) sẽ có cuộc sáp nhập đầu tiên trong vài năm trở lại đây. Đó là với Công ty Cổ phần Tài chính Sông Đà (SDFC). Theo kế hoạch, Hội đồng Quản trị SDFC đã chấp thuận phương án tái cấu trúc công ty này bằng cách sáp nhập vào MBB thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu với tỉ lệ tối đa 1:2,2 (nghĩa là 2,2 cổ phiếu SDFC đổi lấy 1 cổ phiếu MBB).

Thương vụ sáp nhập giữa ngân hàng với công ty tài chính không mới, khi trước đó nhiều công ty tài chính khác cũng được chuyển giao cho cổ đông lớn là ngân hàng. Chẳng hạn như trường hợp Techcombank mua lại Tài chính Hóa Chất (trước đó sở hữu 10%), hay Maritime Bank mua lại Tài chính Dệt May (trước đó sở hữu 11%).

Tuy nhiên, thương vụ MBB - SDFC lại có điểm khác biệt nhỏ. Đó là MBB nhận sáp nhập, chứ không phải mua lại tài sản như các ngân hàng trên. Trước đó có Ngân hàng SHB cũng nhận sáp nhập với Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel. Nhưng trong khi SHB không giấu tham vọng biến công ty tài chính này thành cánh tay đắc lực trong cho vay tiêu dùng thì MBB lại chưa có động thái gì đáng kể. Vậy MBB có ý gì với SDFC? Và Ngân hàng sẽ được và mất gì trong thương vụ này?

 

Cơ cấu cổ đông của SDFC

SDFC ra đời trong giai đoạn thị trường tài chính Việt Nam bùng nổ năm 2008, với mong muốn trở thành nơi thu xếp tài chính cho các công ty thành viên của Tổng Công ty Sông Đà, một công ty nhà nước hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất công nghiệp, kinh doanh bất động sản. SDFC có 3 cổ đông sáng lập lớn là Tổng Công ty Sông Đà (nắm giữ 38% khi đó), Công ty Bảo hiểm Bảo Minh và MBB.

Mặc dù được hậu thuẫn bởi các cổ đông có tiềm lực, nhưng tình hình kinh doanh của SDFC ngày càng đi xuống trong xu hướng chung của ngành bất động sản và xây dựng, vốn là ngành mà các khách hàng chủ yếu của SDFC hoạt động. Trên thực tế, tỉ lệ hoán đổi trong thương vụ này cũng phần nào thể hiện mức định giá thấp của SDFC (trường hợp SHB nhận sáp nhập Tài chính Vinaconex -Viettel áp dụng tỉ lệ 1:1).

Sự kết hợp giữa ngân hàng và công ty tài chính hiện nay thường gợi lên chuyện chuẩn bị hành trang cho cuộc chiến cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, MBB vẫn chưa có động thái gì thể hiện sự quan tâm đến thị trường này. Hơn nữa, MBB được biết đến với thế mạnh là khối doanh nghiệp, chứ không phải là ngân hàng bán lẻ. Nếu muốn phát triển mới kênh bán lẻ này, MBB sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, bởi hệ thống công ty tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với mô hình bán lẻ của một ngân hàng, từ chi phí cao hơn cho đến rủi ro nhiều hơn.

Theo kế hoạch, SDFC sẽ được cơ cấu lại một cách toàn diện. Chưa rõ bước đi mới của SDFC sau khi về MBB sẽ như thế nào, nhưng cái khó cho MBB thì có thể thấy rõ. Trong xu hướng các ngân hàng cũng đang phải tự tái cấu trúc, chuyện buộc phải nhận tái cấu trúc thêm một tổ chức tín dụng khác ít nhiều sẽ gây áp lực lên MBB. Nhưng đó là phần mất, vậy MBB sẽ được gì trong thương vụ này?

Báo cáo tài chính năm 2014 (đã kiểm toán) của SDFC cho thấy mặc dù lợi nhuận năm 2014 đạt 9 tỉ đồng, cao hơn năm 2013, nhưng phần lớn tài sản hiện nay vẫn nằm ở những khoản nợ khó thu hồi. Theo đó, các khoản phải thu, lãi và phí phải thu chiếm đến 71,6% quy mô tổng tài sản. Tỉ lệ nợ khó thu hồi của SDFC tính đến cuối năm 2014 lên đến 80,4%, theo số liệu tại Báo cáo thường niên năm 2014. Các con nợ lớn của SDFC chủ yếu nằm ở những công ty con của Sông Đà. Chẳng hạn, kiểm toán cũng lưu ý khoản phải thu 450 tỉ đồng của Sông Đà Thăng Long.

Có vẻ như ở trường hợp của MBB, phần thiệt thòi sẽ nhiều hơn trong khi phần được vẫn chưa rõ ràng. Dù vậy, nhìn ở góc độ rộng hơn, người được lợi nhất vẫn là Ngân hàng Nhà nước, đơn vị chủ quản đang thực hiện đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Và tất nhiên, một khi các tổ chức tín dụng đã hoạt động ổn định trở lại, thị trường chung sẽ được hưởng lợi theo.

Có lẽ vì thế mà thương vụ MBB - SDFC cho thấy chuyện các ngân hàng tiếp tục được sử dụng như là một công cụ để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng không hiệu quả. Hiện trên thị trường, vẫn còn nhiều trường hợp ngân hàng sở hữu một phần công ty tài chính. Chẳng hạn như ABBank với Tài chính Điện lực (8,4%), Vietcombank với Tài chính Xi Măng (10,82%). Liệu trong thời gian sắp tới những ngân hàng này có nhận về các công ty tài chính mà mình có sở hữu cổ phần?

Sau hơn 7 tháng đầu năm, không chỉ các ngân hàng, mà cả những công ty tài chính cũng đang được tái cấu trúc mạnh mẽ và vai trò của những “ông lớn” đầu ngành cũng đang được phát huy một cách triệt để. Chẳng hạn như Vietcombank hỗ trợ tái cấu trúc Ngân hàng Xây Dựng, BIDV nhận sáp nhập MHB, VietinBank nhận PGBank và “gánh” thêm GPBank, OceanBank.

Giống như trường hợp của MBB, giữa làn sóng tái cấu trúc thông qua M&A này, câu hỏi thường gặp nhất vẫn là ngân hàng được gì và mất gì. Trong các cuộc họp đại hội cổ đông, khi nhiều ngân hàng lớn nhận sáp nhập với ngân hàng nhỏ, cái được lớn nhất, theo các ông chủ chia sẻ, là sự mở rộng về quy mô. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng thương mại mở quá nhiều chi nhánh và ngân hàng chỉ có thể tăng quy mô thông qua con đường hợp nhất và sáp nhập.

Nhìn ở góc độ khác, việc sở hữu các chi nhánh cũng đồng thời mang lại lợi thế về quyền sở hữu đất đai. Như trường hợp của BIDV nhận MHB. Tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 4 vừa qua, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, cho biết MHB có một khu đất rất đẹp, dù sau đó ông nói thêm rằng BIDV sẽ không sử dụng mà “của Nhà nước sẽ trả lại cho Nhà nước”. Hồi tháng 5, toàn bộ 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch MHB trên toàn quốc đã thay bảng hiệu thành BIDV.

Có thể thấy các ngân hàng hiện ngày càng “nặng nợ” nhiều hơn. Đó có thể là sức ì khiến ngân hàng trì trệ hơn, nhưng cũng đồng thời có thể là sức bật giúp các ngân hàng nhảy cao hơn nếu biết khai thác hết tiềm năng.

Theo Việt Dũng

Cùng chuyên mục
XEM