Lối thoát hẹp trong kinh doanh điện máy

21/03/2014 07:17 AM | Kinh doanh

Liên tục trong 3 năm qua, một loạt những cái tên như WonderBuy, Best Carings, Home One... đã rút khỏi thị trường điện máy.

Nội dung nổi bật:

- Sau thời gian ồ ạt mở cửa, ba năm qua, nhiều trung tâm, siêu thị điện máy như  WonderBuy, Best Carings, Home One ở các thành phố lớn lần lượt phá sản hoặc đóng cửa. Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm một thương hiệu tiếng tăm trong lĩnh vực này là Pico phải chia tay người tiêu dùng TP.HCM.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, phá sản của các nhà bán lẻ điện máy nằm ở đặc thù thị trường. Đó là vòng đời sản phẩm điện máy ngắn nhưng lại đòi hỏi cao về dịch vụ hậu mãi. Ngoài ra bán lẻ điện máy là một ngành đòi hỏi nhiều về kỹ năng vận hành và tiềm lực tài chính, mức lãi gộp trung bình 10% thì chi phí cho hậu mãi là vấn đề đau đầu của DN kinh doanh điện máy.

Theo giám đốc bán hàng của một hãng điện tử lớn tại Việt Nam, không phải trung tâm điện máy nào cũng bán hàng chính hãng. Để tồn tại trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhiều siêu thị mới hình thành, vốn yếu, ít tên tuổi đã chọn cách “ăn xổi” bán hàng không thương hiệu, không nguồn gốc xuất xứ hay hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường...


Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm một thương hiệu tiếng tăm trong lĩnh vực này là Pico phải chia tay người tiêu dùng TP.HCM.

Lần lượt chia tay

Sau thời gian ồ ạt mở cửa, ba năm qua, nhiều trung tâm, siêu thị điện máy ở các thành phố lớn lần lượt phá sản hoặc đóng cửa. Mở màn cho cuộc sàng lọc của thị trường này sự chia tay khá ồn ào của WonderBuy vào cuối năm 2011. Đến năm 2012, Best Carring, doanh nghiệp (DN) từng lọp vào top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương năm 2008, 2009, đã rời thị trường. Đến năm 2013, thị trường lại chứng kiến sự ra đi của chuỗi 3 siêu thị của Home One tại TP.HCM và 2 siêu thị của Ebest tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Mới đây nhất, đầu tháng 3/2014, trung tâm điện máy Pico, nằm trong khu phức hợp Pico Plaza trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), đã treo bảng thông báo “tạm dừng hoạt động để sửa chữa và nâng cấp mặt bằng kinh doanh”.

Đây là khu phức hợp có diện tích 56.000 m2, gồm trung tâm điện máy, siêu thị tự chọn, cụm rạp chiếu phim, khu trò chơi, ẩm thực, văn phòng cho thuê... do Pico đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng khu điện máy và siêu thị tự chọn do Pico kinh doanh đã chiếm diện tích 10.000m2. Dự án được xem là bàn đạp cho kế hoạch Nam tiến của chuỗi điện máy Pico Hà Nội.

Nhưng chỉ sau hơn 1 năm hoạt động (Pico Plaza khai trương ngày 10/1/2013), trung tâm này đã gắn thông báo trên. Được biết, thực chất của việc “tạm dừng hoạt động” của Pico là để giao mặt bằng siêu thị tự chọn và siêu thị điện máy Pico cho Lotte thuê.

Theo ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Tiếp thị Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, với mức lãi gộp trung bình 10% thì chi phí cho hậu mãi là vấn đề đau đầu của DN kinh doanh điện máy
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, phá sản của các nhà bán lẻ điện máy nằm ở đặc thù thị trường. Đó là vòng đời sản phẩm điện máy ngắn nhưng lại đòi hỏi cao về dịch vụ hậu mãi. Trong khi đó, các DN lại không hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh quá nhanh của nhóm sản phẩm này và chưa đủ kinh nghiệm quản trị cũng như chưa đáp ứng tốt về công tác hậu mãi (do chi phí lớn, quản lý phức tạp).

Ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc dienmay.com, cho biết, bán lẻ điện máy là một ngành kinh doanh khó, đòi hỏi nhiều về kỹ năng vận hành và tiềm lực tài chính. Tổng chi phí đầu tư để vận hành một siêu thị điện máy có thể là vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mỗi năm. “Vì thế, chỉ cần doanh số một năm không đạt là DN sẽ có vấn đề ngay”, ông Huân nói.

Cùng quan điểm này, ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Tiếp thị Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, cho rằng, với mức lãi gộp trung bình 10% thì chi phí cho hậu mãi là vấn đề đau đầu của DN kinh doanh điện máy. Nếu không chuẩn bị được điều này thì các DN khó mà trụ vững. Theo ông Thy, để tồn tại, DN phải hội đủ 5 điều kiện: thương hiệu lớn, tài chính mạnh, đủ kinh nghiệm quản lý, chính sách hậu mãi tốt và được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất.

Ở một góc độ khác, ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Hệ thống điện máy Thiên Hòa, cho rằng, để thành công trong ngành điện máy, ngoài các yếu tố cần thiết như nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị và sự hỗ trợ từ các chuyên gia thì 2 yếu tố cơ bản mà DN cần lưu ý là hình thành chuỗi bán lẻ và khai thác tốt lợi thế cạnh tranh. Việc các DN rút lui hay nhượng lại cho DN khác đều do các yếu tố này.

Nỗi lo mang tên “bảo hành”!

Sự ra đi của các thương hiệu điện máy nằm trong quy luật sàng lọc của thị trường, nhưng điều mà mọi người lo lắng là quyền lợi của người tiêu dùng ra sao khi các DN này đóng cửa, phá sản?

Gần 3 năm trước, với chính sách “bán hàng kiểu Mỹ” (người mua hàng được hoàn tiền sau 5 năm sử dụng sản phẩm), WonderBuy đã phải tuyên bố phá sản vì lỗ 52 tỷ đồng.

Home One tuy không bán hàng theo kiểu của WonderBuy nhưng người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi về chính sách bảo dưỡng, bảo hành. Nhiều khách hàng cho biết, sau khi Home One đóng cửa, sản phẩm gặp trục trặc đã mang đến trung tâm bảo hành của Hãng mới “té ngửa” là đã mua phải hàng không chính hãng. Và xác nhận từ các nhà sản xuất Toshiba, Sony... sau sự việc là “không bán hàng cho Home One”. Khách hàng mua sản phẩm của các hãng này từ Home One đành phải tự mình tìm nơi sửa chữa.

Trên thực tế, ngoài trung tâm bảo hành của các hãng, những trung tâm điện máy lớn như Thiên Hòa, Nguyễn Kim... đều có trung tâm bảo hành riêng và những DN này cũng có thể nhận bảo hành cho khách hàng của những trung tâm bị đóng cửa. Thế nhưng, có nhiều phiền phức khiến nhà phân phối lớn e dè.

Ông Thy cho biết, cuối năm 2011, Nguyễn Kim nhận bảo hành cho khách hàng đã mua sắm tại WonderBuy. Thế nhưng, khi bảo hành, Nguyễn Kim đã phát hiện ra nhiều sản phẩm là hàng hóa không thương hiệu, hàng nhái, hàng kém chất lượng... khiến công ty mất rất nhiều thời gian xử lý cũng như phải đối phó với những phản ứng gay gắt từ khách hàng.

“Với chính sách bảo hành chính hãng nên Nguyễn Kim không thể cung cấp linh phụ kiện của nhóm hàng kém chất lượng để bảo hành sản phẩm. Đó cũng là một trong những lý do Nguyễn Kim không tiếp nhận khách hàng của Home One khi thương hiệu này rời thị trường”, ông Thy chia sẻ.

Theo giám đốc bán hàng của một hãng điện tử lớn tại Việt Nam, không phải trung tâm điện máy nào cũng bán hàng chính hãng. Bởi điều kiện để làm đại lý chính hãng là phải có cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh, có chính sách và chế độ hậu mãi hoàn thiện, có hệ thống quản lý và đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp cũng như cam kết về doanh số...

Để tồn tại trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhiều siêu thị mới hình thành, vốn yếu, ít tên tuổi đã chọn cách “ăn xổi” bán hàng không thương hiệu, không nguồn gốc xuất xứ hay hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường...

Các chuyên gia cho rằng, kinh doanh không tốt, DN bị đóng cửa là chuyện bình thường trên thương trường. Vì thế, khách hàng hãy làm người tiêu dùng thông minh. Nên lựa chọn các hệ thống điện máy lớn, lâu năm, có chính sách hậu mãi chu đáo bền để mua sắm, vì với hàng điện máy không chỉ mua là xong mà còn là các dịch vụ bảo hành, sửa chữa, thay thế linh kiện nhiều năm sau đó.

>> Cuộc đào thải khắc nghiệt trên thị trường điện máy

Theo HỒNG NGA

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM