Lắm thầy nhiều ma, lắm sếp nhiều..."chuyện"

25/02/2016 11:51 AM | Kinh doanh

Tại sao những nhà lãnh đạo tài năng, thành đạt và thông minh lại không thể làm việc hiệu quả hơn khi hợp tác với nhau?

Chúng ta thường thấy một nhóm các nhà lãnh đạo không hoàn thành mục tiêu của mình, các nhà lập pháp không thể đi đến thống nhất cho một bộ luật, những người đứng đầu đất nước luôn có bất đồng quan điểm chính trị, hội đồng quản trị có thể đưa ra những quyết định sai lầm cho doanh nghiệp.

Vậy tại sao những con người tài năng, thành đạt và thông minh lại không thể làm việc hiệu quả hơn khi hợp tác với nhau?

Câu hỏi này đặc biệt khiến nhiều nhà nghiên cứu tranh cãi khi từ con người tìm kiếm những phương pháp tăng cường hiệu suất làm việc.

Khi những người tài làm việc một mình, cảm giác làm chủ được công việc, cảm giác “quyền lực” khiến họ xử lý thông tin hiệu quả hơn, suy nghĩ sáng tạo hơn và có khả năng tập trung dài hạn hơn.

Như vậy, nếu cảm giác “quyền lực” khiến một cá nhân làm việc có hiệu quả hơn thì theo lý thuyết, việc mở rộng “quyền lực” này cho các nhân viên sẽ khiến công việc được hoàn thành tốt hơn.

Tuy nhiên, những nghiên cứu khác nhau lại cho thấy điều ngược lại, quyền lực sẽ là yếu tố cản trở các nhà lãnh đạo khi họ cùng làm việc với nhau.

Đặc biệt, một cuộc thí nghiệm mới đây bao gồm hơn 1.000 người tham gia, bao gồm các sinh viên và giám đốc đã cho thấy sự trái ngược trên thực tế và lý thuyết trên.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đưa mọi người vào một nhà máy, đề nghị họ thực hiện các công việc khác nhau và ghi hình lại. Những nhiệm vụ này được thiết kế theo nhóm và dựa trên các công việc hàng ngày của những quản lý, một số liên quan đến khả năng sáng tạo và kiên trì làm việc, số khác liên quan đến khả năng ra quyết định và đàm phán.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu phân chia những nhóm làm việc theo mô hình quản lý 1 sếp và nhiều sếp. Kết quả cho thấy nhóm làm việc có nhiều sếp có khả năng sáng tạo kém nhất, hiệu suất thấp nhất và có ít sự độc đáo nhất.

Rõ ràng, việc có một sếp chỉ đạo sẽ cho công việc hiệu quả hơn so với nhiều sếp cùng tham gia nhóm làm việc.

Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục một thí nghiệm khi lập một nhóm 4 nhà lãnh đạo có “quyền lực” thực sự ngoài thực tế và sắp xếp từng nhóm dựa trên vị trí thực của họ.

Mỗi nhà quản lý trong một nhóm đều có quyền lực tương đương với người còn lại. Mô hình này được sắp xếp giảm dần theo nhóm lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo cấp trung cho đến lãnh đạo nhỏ.

Mục tiêu của những nhóm lãnh đạo này là phải thảo luận và đưa ra quyết định cho một vấn đề.

Một lần nữa kết quả thí nghiệm cho thấy các giám đốc lãnh đạo thường làm việc kém hơn khi cộng tác với nhau.

Theo đó, nhóm lãnh đạo cao cấp khó đưa ra được quyết định cuối cùng khi chỉ có 46% nhóm này hoàn thành mục tiêu. Ngược lại, 86% các nhóm giám đốc cấp thấp lại thỏa thuận được và đưa ra quyết định cho vấn đề.

Tại sao lãnh đạo càng cao cấp càng khó hợp tác như vậy? Băng ghi hình thí nghiệm cho thấy câu trả lời vô cùng đơn giản: họ còn bận tranh giành quyền lực.

Nói cách khác, các nhà lãnh đạo khi ngồi với nhau thường có xu hướng quyết định xem ai sẽ là người ra quyết định hoặc ai đáng được tôn trọng hơn... Nếu quá trình này được giải quyết nhanh chóng và triệt để, khi các nhà lãnh đạo khác hoàn toàn chấp nhận một người nắm quyền quyết định thì công việc sẽ được tiến hành khá thuận lợi.

Tuy nhiên, những lãnh đạo càng cao cấp thì càng “cứng rắn” và việc tranh giành quyền lực khiến khả năng giải quyết công việc của họ bị ảnh hưởng so với làm việc độc lập.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng không thể tập trung vào công việc hoàn toàn và chia sẻ thông tin kém hiệu quả hơn khi làm việc cùng với nhau.

Rõ ràng, cảm giác quyền lực khiến nhân viên hay nhà lãnh đạo có động lực làm việc hơn nếu không phải chia sẻ quyền lực này với ai.

Trái lại, sự tham gia của một nhà quản lý khác sẽ khiến vai trò của nhà lãnh đạo cũ bị nghi vấn, đặc biệt là tại những nước có nền văn hóa coi trọng “mặt mũi”.

Hậu quả là các giám đốc làm việc độc lập khá hiệu quả nhưng lại không thể tăng cường hiệu suất khi cộng tác với một sếp khác.

Do đó, các tổ chức và công ty nên cẩn trọng trong việc trao quyền và phân cấp, nhằm tránh xung đột quyền lực, vai trò và vị thế của các nhà lãnh đạo.

Việc hợp tác giữa những nhà lãnh đạo, đặc biệt là giữa những người đồng cấp thường dễ gây mâu thuẫn và hiểu lầm, qua đó làm suy yếu hiệu suất hoạt động tập thể.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM