[Khởi nghiệp] Nếu lỡ thất bại thì sau đó phải làm gì?

12/06/2015 11:47 AM | Kinh doanh

Sự thật là có tới 95% các công ty khởi nghiệp sẽ thất bại. Vậy số phận của đại đa số startup kém may mắn như vậy sẽ ra sao?

Nội dung nổi bật:

- Các công ty khởi nghiệp đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên có tới 95% startup thất bại.

- Vậy nếu thất bại thì sau đó phải làm gì tiếp theo?


Các công ty khởi nghiệp công nghệ đang bùng nổ hơn bao giờ hết. Những ngân hàng lớn tại phố Wall và quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon thì ráo riết săn lùng các nhân tài. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư thì sẵn sàng lờ đi việc các startup sử dụng những chuẩn kế toán không theo thông thường để nâng giá trị của họ cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, sự thật là có tới 95% các công ty khởi nghiệp thất bại. Câu hỏi đặt ra là vậy số phận của đại đa số những startup kém may mắn đó sẽ ra sao?

Autospy - một website mới (thực chất đây chỉ là một dự án và không phải công ty khởi nghiệp) đang cung cấp một thứ gọi là “những bài học từ thất bại dành cho các startup”. Dù mới ra mắt khoảng 1 tuần trước nhưng website này đã nhanh chóng đạt hơn 100.000 page views (số lượt ghé thăm trang).

3 nhà điều hành Autospy gọi họ là “những người lo hậu sự” bởi website này cho phép các nhà sáng lập nói một vài lời về sản phẩm thất bại của họ trước khi nó chính thức bị chôn vùi vào dĩ vãng. Mục tiêu duy nhất của việc làm này là giúp chính họ và những nhà sáng lập khác học hỏi được kinh nghiệm từ những thất bại đó.

3 nhà điều hành Autospy gồm có: Maryam Mazraei và Matthew Davies (nhà sáng lập studio Milc) và Niral Patel (quản lý marketing cho dịch vụ chat Sameroom). Cả 3 người đều đến từ London nhưng hiện tại Patel đang ở Krakow, Ba Lan còn Mazraei và Davies ở Berlin, Đức.

Patel giải thích rằng: “Hầu hết các startup đều thất bại. Đa phần mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận điều đó nhưng bạn thực sự không nên làm theo họ. Hãy tập trung vào việc học hỏi từ những sai lầm của các startup khác. Sẽ thật tuyệt vời nếu Autospy trở thành nơi các nhà sáng lập có thể chia sẻ những câu chuyện của họ và tôi hy vọng những người khác sẽ tránh được những lỗi tương tự”.

Điều đáng nói là website này không có ý định kêu gọi vốn. Những nhà sáng lập Autospy nói rằng: “Sự cộng hưởng của mọi người cùng với giao diện website đơn giản là tất cả những gì chúng tôi muốn làm”. Được biết, giao diện website này được 3 người phát triển chỉ trong vòng 2 - 3 giờ.

Website gồm những mục như Startup, ý tưởng, lý do thất bại, câu chuyện cụ thể và tên nhà sáng lập. Marc Andreessen – một người tham gia website này cho biết: “Tôi tìm ra rất nhiều điều ý nghĩa tại đây”.

Giá trị lớn nhất mà Autopsy mang lại có lẽ là những điều suy ra được từ lý do thất bại. Nhiều nhà sáng lập thẳng thắn chia sẻ lý do tại sao doanh nghiệp của họ cuối cùng phải chết như: Thiếu vốn, mô hình kinh doanh không phù hợp, không có khả năng thu hút khách hàng, gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía Google, Apple, không thu được lợi nhuận, hay thậm chí do tranh đấu nội bộ. Đây hoàn toàn là những chia sẻ thành thật, thẳng thắn và mang tính chất tự phê bình như: “Thiếu vốn và thiếu kiểm soát hoạt động là do chúng tôi thiếu kinh nghiệm quản lý. Thất bại trong việc tạo ra doanh thu là do chúng tôi chưa đủ đam mê và tình yêu để phát triển nó”...

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM