Khi doanh nghiệp Nhật lừa đảo, xử ép người nước ngoài

08/01/2016 13:44 PM | Kinh doanh

Hàng chục nghìn người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, Anh đã đến Nhật với hy vọng kiếm được công việc tốt lương cao, nhưng rất nhiều trong số họ không may mắn.

Jack Chapman là một giáo viên tiếng Anh đến Nhật đã 10 năm. Đối với anh cuộc sống cho đến giờ khá tốt bởi anh kiếm được mức lương tốt, môi trường làm việc cũng khá ổn dù thỉnh thoảng anh có gặp phải sức ép làm thêm giờ nhiều từ người quản lý.

Anh được ký hợp đồng và được bảo lãnh visa 3 năm, hết thời hạn công ty sẽ tiếp tục xin gia hạn cho anh. Anh cưới vợ người Nhật, công việc mang lại cho anh thu nhập đủ để nuôi bản thân và vợ con. Anh khá hài lòng với những gì mình đang được hưởng.

Tuy nhiên anh cho biết, khá nhiều người bạn của Anh đến từ Philippines, Ấn Độ nơi tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ thứ 2, thậm chí kể cả nhiều người Mỹ, Anh không được may mắn như anh. Không ít giáo viên tiếng Anh tại Nhật bị lừa ký hợp đồng ngắn hạn, không được đảm bảo về visa và bị trả chậm lương không lý do.

Hãy tưởng tượng một giáo viên tiếng Anh mới từ nước ngoài đến Nhật. Anh ấy/cô ấy đến Nhật với đầy nhiệt huyết với một công việc dạy tiếng Anh mà người đó đã có được qua các trang GaijinPot hay O-Hayo Sensei. Các trường tư chào mời họ với những lời đề nghị vô cùng hấp dẫn về công việc tốt, mức lương đủ sống.

Họ đến Nhật và ban đầu mọi chuyện dường như quá ổn. Công ty sắp xếp cho họ nơi ăn chốn ở và chăm sóc đến từng nhu cầu nhỏ nhất của nhân viên. Chính với sự quan tâm như vậy mà họ không thể nghĩ đến việc họ sẽ có thể bị đối xử tệ hay bị lừa sau này. Họ không bao giờ tưởng tượng đến việc họ sẽ phải làm việc nhiều giờ mà không được trả lương và công ty cũng đột ngột ngừng đóng bảo hiểm y tế mà không báo trước.

Jack Tesolat, một giáo viên người Mỹ đã ở Nhật 5 năm và hiện đang đứng đầu một hiệp hội giáo viên tiếng Anh tại Nhật chia sẻ: “Họ đối xử với tôi như người trong một gia đình, thế rồi cho đến một ngày mọi chuyện thay đổi chóng mặt.”

Những người dạy tiếng Anh tại Nhật truyền tai nhau không ít câu chuyện kinh dị của những trường hợp bị lừa đảo trong công việc. Chỉ riêng từ tháng 5/2014 đến tháng 5/2015 đã có hàng chục vụ phá hợp đồng lao động thậm chí tại cả những trường lớn hoặc công ty đã làm việc với người nước ngoài trong nhiều năm.

Có những trường hợp trường học “dỗ dành” người nước ngoài đến Nhật bằng visa du lịch và hứa sau khi ổn định sẽ xin visa cư trú dài hạn cho. Nhưng sau khi hết thời gian của visa du lịch thì công ty sa thải luôn giáo viên đó, trả chậm lương những tháng cuối khiến giáo viên người nước ngoài bị đẩy vào diện cư trú bất hợp pháp mà cũng không có đủ tiền về nước.

Dù theo luật của Nhật, người chủ sẽ bị phạt hoặc thậm chí bỏ tù nếu sử dụng lao động đang cư trú bất hợp pháp hoặc cố tình không chịu xin gia hạn visa cho nhân viên, thế nhưng trong phần lớn các trường hợp chỉ có người nước ngoài bị trục xuất còn ông chủ chẳng ảnh hưởng gì.

Để lách luật, nhiều công ty lại thuyết phục người nước ngoài ký hợp đồng làm tình nguyện viên với lý do như vậy sẽ tiện cho công việc quản lý trong quá trình xin visa và họ trả lương ngoài hợp đồng. Cuối cùng giáo viên đó bị sa thải cũng không một lời giải thích.

Cũng theo quy định của Nhật, nếu muốn sa thải nhân viên, công ty sẽ cần thông báo trước 30 ngày và trả lương cho đến ngày cuối cùng mà nhân viên đó làm việc. Thế nhưng nhiều công ty Nhật thuê giáo viên tiếng Anh nước ngoài và sau đó đuổi việc họ không lý do đồng thời cắt lương luôn từ khi đưa ra thông báo đó.

Có những công ty lại lách luật bằng cách đề nghị giáo viên nước ngoài ký hợp đồng làm việc 30 tiếng/tuần và sẽ trả thêm lương làm ngoài giờ bằng tiền mặt. Trên thực tế giáo viên vẫn phải làm việc trọn tuần như bất kỳ nhân viên làm việc toàn thời gian nào khác mà không được trả thêm một xu nào. Và cũng bằng cách đó, công ty né được tiền bảo hiểm cũng như tiền hưu trí cho người lao động.

Từ nay cho đến năm 2020 khi Nhật tổ chức Olympic, dự báo nhu cầu nhân sự tiếng Anh sẽ tăng đột biến. Sẽ có thêm nhiều người nước ngoài đến Nhật với hy vọng kiếm được việc làm với đãi ngộ tốt. Thế nhưng họ cũng cần phải hiểu rằng, ngay cả với một xã hội trọng uy tín trong làm ăn kinh doanh như Nhật, nhiều người Nhật cũng đối xử với người mang quốc tịch Anh, Mỹ không ra gì, chưa kể đến nếu là người mang quốc tịch khác sẽ bị xử ép hơn rất nhiều.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM