Khi các mạng di động Việt 'đem chuông đánh xứ người'

14/01/2013 10:52 AM | Kinh doanh


Hiện các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel và VNPT đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Nhưng kinh nghiệm người đi trước cho thấy, đầu tư ra nước ngoài không dễ.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Myanmar được hai tháng nay, khởi động cho kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của VNPT. Cách đây một tháng, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel nhận thêm giấy phép đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại quốc gia đông dân nhất châu Phi là Cameroon - thị trường nước ngoài thứ bảy mà Viettel đầu tư kinh doanh sau các thị trường Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Tanzania.

Bước đầu thành công

Tại cuộc họp báo được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển về nước lợi nhuận 430 triệu đô la Mỹ từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài từ ba lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông và trồng cao su với sự tham gia của Tập đoàn Viettel, PetroVietnam và Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng nhận xét hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel chỉ mới bước đầu thành công. “Đầu tư viễn thông phải 4-5 năm mới hoàn vốn và mới có thể đánh giá được hiệu quả. Thành công hay không còn tùy từng thị trường; có thể ở nước này thành công nhưng nước khác chưa chắc đã thành công vì điều kiện kinh tế xã hội pháp luật của các nước khác nhau,” thứ trưởng Thắng nói.

Nguồn tin từ Viettel cho biết, doanh thu riêng về dịch vụ viễn thông ở nước ngoài của Viettel đạt gần 600 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận mang về nước năm 2012 là 76 triệu đô la Mỹ, tăng 85% so với năm 2011.

Cụ thể, theo ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Viettel, hiện Viettel đã có lãi ở 4 thị trường nước ngoài: từ năm 2011 đã có lãi ở Campuchia và Lào; tại Mozambique Viettel mới đầu tư vài tháng nhưng đã thu đủ bù chi và dự kiến sang năm sẽ có lãi. Còn thị trường Haiti, Viettel kinh doanh hơi khó khăn hơn so với các thị trường nước ngoài khác nhưng dự kiến cuối năm nay sẽ thu bù chi và sang năm có lãi.

Ông Dũng cho biết: “Năm nay dự kiến Viettel đạt tổng doanh thu 140.000 tỉ đồng. Hiện doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel mới chiếm khoảng 15% trong tổng doanh thu. Dự kiến đến năm 2015 thì doanh thu từ thị trường nước ngoài mới chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn”. Trong kế hoạch năm 2013, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng chung gần 20%; nhưng riêng thị trường nước ngoài Viettel lại dự kiến sẽ tăng trưởng tới 50%.

Rủi ro và kinh nghiệm

Về cách đầu tư ra nước ngoài, Viettel cho biết cố gắng mang tiền trong nước sang ít nhất. Còn lại là đi vay ngân hàng quốc tế, hoặc vay bằng cách chậm thanh toán đối với các đối tác cung cấp thiết bị...

Nói về rủi ro khi doanh nghiệp viễn thông đầu tư ra nước ngoài, Thứ trưởng Thắng cho rằng đầu tư trong nước hay nước ngoài đều rủi ro, doanh nghiệp nên cẩn trọng, không nên đầu tư tràn lan, cũng không nên lấy mô hình thành công ở nước này mang sang nước khác vì điều kiện văn hóa xã hội khác nhau.

Còn ông Dũng cho biết, khó khăn nhất và cũng là nguy cơ rủi ro đối với Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là tình hình chính trị, là sự khác biệt về văn hóa - văn hóa tiêu dùng và cách tư duy của khách hàng về sản phẩm khác với người Việt.

Ngoài ra, khó khăn khi kinh doanh ở nước ngoài là phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu viễn thông nổi tiếng của thế giới như VodaFone, Orange... với doanh thu cao gấp cả chục lần... “Trong đầu tư ra nước ngoài, Viettel phải cạnh tranh với những đối thủ đã có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài một hai chục năm. Viettel không khác gì như trẻ con mà phải cạnh tranh với những người lớn,” ông Dũng ví von.

Kinh nghiệm cạnh tranh của Viettel trước hết là tối ưu được chi phí, đầu tư mạnh tại thị trường nông thôn để hướng đến cung cấp dịch vụ cho người nghèo (như cách đã làm và thành công tại Việt Nam).

Theo Vân Oanh
Saigontimes

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM