Hy Lạp - Vết nứt cho tương lai của đồng euro?

02/02/2015 11:38 AM | Kinh doanh

Chiến thắng của đảng Syriza mặc dù có thể dẫn tới tình trạng Grexit (cách chơi chữ với tên nước Hy Lạp là "Greece" và "Exit" là đi ra – tức là Hy Lạp có thể rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu).

Nội dung nổi bật:

- Chiến thắng của đảng Syriza mặc dù có thể dẫn tới tình trạng Grexit (cách chơi chữ với tên nước Hy Lạp là "Greece" và "Exit" là đi ra – tức là Hy Lạp có thể rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu).

- Đức đang đứng trước lựa chọn khó khăn với Hy Lạp. Tuy nhiên, nếu muốn giữ Hy Lạp lại và thay đổi điều kiện các khoản vay, liệu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí Ý có ở lại với khối đồng tiền chung nữa hay không?

- Các cử tri cánh tả và hữu ở Pháp và Italia, những người không chỉ chống lại các chính sách khắc khổ mà còn chống lại cả việc tham gia vào khối đồng tiền chung châu Âu sẽ có thêm sức mạnh..

- Sự bướng bỉnh của Hy Lạp có là một nhân tố khiến Liên minh châu Âu tan rã? Lựa chọn nào cho Hy Lạp và bà Merkel?


Ở Hy Lạp, cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ với đồng euro đã bắt đầu từ 5 năm trước đây. Mặc dù vậy, Hy Lạp hiện đang có được sự đoàn kết chưa từng thấy, một phần nhờ vào cuộc bầu cử sớm vào ngày 25/1/2015 vừa qua với chiến thắng vang dội đối với đảng Syriza của tân thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras.

Với cam kết sẽ làm giảm đáng kể số nợ của Hy Lạp và tăng chi tiêu công, thủ tướng Tsipras đã đưa ra một lời thách thức lớn cho các chủ nợ trong khối đồng tiền chung châu Âu – hay nói cách khác là thách thức cho thủ tướng Đức - Bà Angela Merkel, người đã có công lớn trong việc thiết lập nên khối này.

Mặc dù với nhiều người, trong đó có cả ông Tsipras, khẳng định rằng Hy Lạp vẫn muốn ở lại với khối đồng tiền chung châu Âu, thì vẫn còn đó mối đe dọa “Grexit” luôn thường trực. Trong 2 năm 2011- 2012, mặc dù bà Merkel đã nhiều lần lưỡng lự, nhưng sau đó bà vẫn quyết định hỗ trợ cho Hy Lạp để giữ Hy Lạp ở lại với khối đồng tiền chung châu Âu.

Bà Merkel không muốn Đức bị đánh giá là nguyên nhân gây ra thảm họa khiến nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ. Không chỉ nước Đức, các cả các chủ nợ Bắc Âu và các con nợ Nam Âu cũng đều đã rất lo lắng về hậu quả của “Grexit” có thể mang lại cho châu Âu và cả nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, đến bây giờ, ván bài đã thay đổi. Grexit sẽ không còn là lỗi của ai khác mà sẽ là lỗi của người Hy Lạp khi mà nền kinh tế của châu Âu đã mạnh mẽ hơn và 80% nợ của Hy Lạp đang nằm trong tay của các chính phủ hoặc các tổ chức tài chính. Các quốc gia như Phần Lan và Hà Lan, cũng giống Đức, đều muốn Hy Lạp phải tuân thủ những cam kết của họ đối với các khoản cho vay cứu trợ. Chính phủ các nước Nam Âu với đường lối ôn hòa lo sợ rằng nếu Hy Lạp thành công sẽ thúc đẩy các cử tri chống đối lại đảng cầm quyền hiện tại, giống như sự ủng hộ đảng Podemos phản đối lại chính sách thắt chặt tài chính của cử tri Tây Ban Nha đang diễn ra.

Đáp án hay cho một vấn đề dở

Tình hình hiện tại rất phức tạp, nhưng có thể dự đoán 3 chiều hướng kết quả cho cuộc khủng hoảng này: Tốt, thảm họa hay sự thỏa hiệp để trì hoãn. Trong lịch sử của đồng euro luôn có những sự trì hoãn, nhưng bây giờ cuộc chiến thiên về chính trị hơn là kinh tế và sự thỏa hiệp có thể sẽ là phương án khó khăn hơn nhiều.

Thú vị là vẫn có thể có một giải pháp tốt để cho cả Hy Lạp và châu Âu. Ông Tsipras đã nhận thức được hai điều đúng đắn, và cũng có một điểm sai lầm. Ông đã đúng về tình trạng thắt lưng buộc bụng của châu Âu đã đi quá giới hạn, chính sách của bà Merkel đã bóp nghẹt nền kinh tế của châu lục này và gây ra tình trạng giảm phát. Sự ra đời muộn màng của chính sách nới lỏng định lượng (QE) do Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thừa nhận điều đó.

Ông Tsipras cũng đúng rằng nợ công của Hy Lạp, đã tăng từ 109% đến mức khổng lồ là 175% GDP trong sáu năm qua mặc dù đã tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, Hy Lạp không thể trả được số nợ này và cần được xóa nợ như đối với một quốc gia châu Phi bị phá sản. Tuy nhiên, sai lầm của ông Tsipras là việc từ bỏ cải cách ở trong nội bộ, kế hoạch thuê lại 12.000 nhân viên trong khu vực công, từ bỏ tư hữu và tăng mức lương tối thiểu sẽ làm lợi thế cạnh tranh của Hy Lạp càng khó cải thiện hơn.

Và giải pháp ở đây là gì? Đó là hoặc ông Tsipras sẽ phải vứt cuộc cải cách xã hội điên rồ của ông vào thùng rác và cơ cấu lại nền kinh tế để đổi lấy sự xóa nợ, hoặc là thúc đẩy thời điểm trả các khoản nợ xa hơn, bằng cách giảm giá trị bề mặt của nó để tìm cách xử lý, và ông Tspiras có thể thực hiện các kế hoạch đó bằng cách phá vỡ sự độc quyền nhóm tại Hy Lạp và chống tham nhũng. Sự kết hợp của việc nới lỏng định lượng kinh tế vĩ mô với các cải cách cơ cấu kinh tế vi mô nếu thành công có thể là mô hình cho các nước khác học tập như Ý và cả Pháp.

Giải pháp trên có thể khá hợp lý, song cần nhớ là ông Tsipras là một người thuộc phe cánh tả và bà Merkel chỉ đang chấp nhận điều đó để phục vụ cho chính sách QE của châu Âu.

Vì vậy, kết quả thứ hai có thể sẽ đến đó là: Grexit. Những người lạc quan có thể nghĩ là nó sẽ đỡ sốc hơn so với năm 2012, nhưng nó thực sự vẫn rất đau đớn. Nếu Hy Lạp tách ra khỏi Euro zone, nó sẽ dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng, mất kiểm soát về tài chính, giảm thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn so với tỷ lệ 25% hiện tại và gần như là Hy lạp sẽ cắt đứt với Liên minh châu Âu.

Các hiệu ứng knock-on của Grexit với phần còn lại của châu Âu cũng sẽ mạnh hơn. Nó ngay lập tức sẽ gây hiệu ứng lan truyền, liệu Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và thậm chí Ý có thể ở lại với khối đồng tiền chung nữa hay không? Các biện pháp bảo vệ cho đồng euro như là các liên minh ngân hàng hay một quỹ cứu trợ chúng dù đã được tính tới nhưng chúng cũng chưa hề được kiểm tra có tính khả thi hay không.

Liệu Hy Lạp có trở thành nhân tố khiến euro zone tan rã?

Câu trả lời cho vấn đề này có thể sẽ chỉ đến vào phút chót. Nếu ông Tsipras không nhận được các khoản cứu trợ thì ông sẽ không thể giữ lời hứa với cử tri Hy Lạp, nhưng thậm chí nếu ông thắng với những bước tiến dù nhỏ thì các nước khác cũng đang bị ràng buộc để chống lại Hy Lạp. Bất kỳ thay đổi trong các điều kiện cho vay đều sẽ phải được Quốc hội các nước cho vay xem xét, nếu họ chấp thuận các chính sách mới của Hy Lạp, các cử tri ở các nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ đòi hỏi chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng của chính họ. Tệ hơn nữa, các cử tri cánh tả và hữu ở Pháp và Italia, những người không chỉ chống lại các chính sách khắc khổ mà còn chống lại cả việc tham gia vào khối đồng tiền chung châu Âu sẽ có thêm sức mạnh để phản đối các chính sách hiện tại.

Và dù kết quả thế nào thì ECB cũng khẳng định rằng sẽ không cung cấp các khoản vay nóng cho các ngân hàng của Hy Lạp hay mua trái phiếu của Hy Lạp nếu chính phủ của ông Tsipras không có sự thỏa hiệp, vì vậy, bất kỳ bế tắc nào đều có thể kích hoạt sự đổ vỡ của các ngân hàng Hy Lạp. Việc kéo dài thời hạn của các khoản nợ có thể tránh khỏi một số đổ vỡ, nhưng đó có thể là quá ít cho ông Tsipras và quá nhiều cho bà Merkel.

Lời chào tới Berlin

Đến cuối cùng, Hy Lạp có thể sẽ buộc Châu Âu phải đi đến một số lựa chọn khó khăn. Với may mắn, Hy Lạp có thể có những kết quả tốt. Cử tri Hy Lạp có thể sống trong một thiên đường của kẻ ngốc nếu họ nghĩ rằng ông Tsipras có thể làm được tất cả những gì ông ta hứa, nhưng người Đức cũng sẽ phải nhìn vào những hậu quả từ sự bướng bỉnh của Hy Lạp. 5 năm sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đồng euro, các nước khu vực đồng euro vẫn còn bị mắc kẹt trong việc hồi phục, các nước Nam Âu gần như không có tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp cao, sự giảm phát vẫn xảy ra, do đó gánh nặng nợ vẫn tăng lên mặc dù đã thắt chặt tài chính. Khi những kết quả tồi tệ như vậy xảy ra, việc các cử tri Hy Lạp phản ứng lại là dễ hiểu.

Nếu bà Merkel vẫn tiếp tục các chính sách có thể ngăn cản sự tăng trưởng và khắc phục giảm phát trong khu vực đồng euro, bà sẽ làm châu Âu mất thêm một thập kỷ để có thể phục hồi, thậm chí sự suy giảm lúc này sẽ còn tồi tệ hơn của Nhật Bản trong những năm 1990. Điều đó chắc chắn sẽ kích hoạt một loạt phản ứng dữ dội từ các cử tri không chỉ của Hy Lạp, mà còn trên khắp châu Âu. Thật khó để một công đồng đồng tiền chung có thể tồn tại trong hoàn cảnh như vậy, khi đó người thua cuộc lớn nhất có lẽ sẽ không ai khác ngoài nước Đức.

>> [Q&A] Điều gì đang chờ đợi Hy Lạp và châu Âu?

Phạm Thế Mạnh

Phạm Thế Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM