Honda Motor sắp 'trảm' tướng vì bão thu hồi và lỗi sản phẩm?

04/12/2014 15:30 PM | Kinh doanh

Nhiệm kỳ của đồng CEO Takanobu Ito trong năm thứ 6 đã chứng kiến việc Honda gặp phải hàng loạt các vấn đề về lỗi sản phẩm gây ra những hoài nghi về nhà sản xuất xe hơi xuất sắc này.

Đồng CEO Honda Motor là Takanobu Ito, 61 tuổi vừa tham dự buổi lễ  chào mừng chiếc xe máy thứ 300 triệu được sản xuất của công ty. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Ito trong năm thứ 6 lại đi kèm với những thất bại trong việc giúp công ty này nắm bắt kịp thời với thị trường. Ngoài ra, thời gian này, Honda Motor còn gặp phải hàng loạt các vấn đề về lỗi sản phẩm gây ra những hoài nghi về nhà sản xuất xe hơi xuất sắc này.

Liên tiếp dính líu tới kiện tụng và thu hồi xe

“Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét việc tại sao phải thu hồi cùng một sản phẩm quá nhiều lần” - CEO Honda Motor Takanobu Ito.

Bằng chứng là Honda mới thu hồi 10 triệu chiếc xe  được trang bị túi khí từ đối tác cung cấp Nhật Bản là Takata khi một trong số đó đã phát nổ và gây ra 5 trường hợp tử vong.

Vào thứ 4, Honda và Takata lần thứ 2 đối mặt với Tòa án tối cao Mỹ bởi cáo buộc công ty này không báo cáo 1.700 trường hợp tử vong và thương tích với nhà chức trách Mỹ từ năm 2003. Điều đáng nói là 8 trường hợp trong số đó liên quan đến lỗi túi khí của Takata. 

Honda - nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 của Nhật Bản dựa trên doanh số bán hàng toàn cầu sau Toyota và Nissan hiện còn gặp vấn đề về chất lượng của mẫu xe Fit. Vấn đề nằm ở chỗ, Fit được coi là mẫu xe trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu của hãng. Vào tháng 10, ông Ito đã phải chủ động cắt giảm lương của mình để nhận trách nhiệm cho hàng loạt vụ thu hồi xe Fit.

Cụ thể, kể từ khi ra mắt vào  tháng 9/2013, Honda đã phải 5 lần cho  thu hồi mẫu xe Fit tại Nhật Bản trong đó 3 lần liên quan đến lỗi phần mềm điều khiển hệ thống. Và tháng 10 vừa qua, công ty này đã phải bổ nhiệm một lãnh đạo giám sát bộ phận kỹ thuật mới. 

“Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét việc tại sao phải thu hồi cùng một sản phẩm quá nhiều lần”, ông Ito phát biểu vào tháng 11 trong sự kiện ra mắt sản phẩm tại Tokyo. Đại diện Honda chưa đưa ra bình luận trực tiếp nào về vấn đề này và từ chối mọi cuộc hẹn phỏng vấn với ông Ito.

Khủng khoảng đã buộc Honda kìm hãm  tham vọng mở rộng nhanh chóng của ông Ito và  tập trung củng cố vị trí không dễ dàng có được của công ty trên thị trường toàn cầu như hiện nay. 

Làm thụt lùi nhiều mục tiêu

Để đối mặt với những đối thủ cạnh tranh lớn hơn, Honda luôn tích cực đổi mới công nghệ, mẫu mã thiết kế và nâng cao độ an toàn cho mỗi sản phẩm. Để làm được việc đó, ông Ito buộc phải tập trung cắt giảm chi phí và phát triển sản phẩm trong nỗ lực đưa sự hiện diện của Honda lớn hơn trong những thị trường mới nổi từ sau khủng hoảng 2008.

Câu thần chú đồng thời là thông điệp mà ông Ito gửi đến các nhân viên trong năm qua là: “Tạo ra những sản phẩm thu hút với khách hàng một cách nhanh chóng, rẻ và có lượng khí thải carbon thấp”.

Tham vọng của ông được nhắc đến trong tuyên bố vào năm 2012 rằng: “Honda sẽ tăng doanh số bán ô tô gấp đôi lên mức 6 triệu chiếc vào năm 2017”. Tuy vậy, thời điểm hiện tại, ông  Ito đang phát tín hiệu cho thấy mục tiêu này sẽ bị thụt lùi nhằm củng cố lại vấn đề chất lượng sản phẩm.

Ông nói: “Chúng tôi cần phải thận trọng hơn với con số đó. Tôi không có ý định phát triển kinh doanh tại nhiều khu vực khác nhau. Điều quan trọng hơn thời điểm này là khiến khách hàng cảm thấy hài lòng”.

Bảng so sánh tình hình hoạt động kinh doanh của Honda với hai đối thủ Nissan và Toyota.

Bảng so sánh tình hình hoạt động kinh doanh của Honda với hai đối thủ là Nissan và Toyota.

Takaki Nakanishi, một chuyên gia phân tích ô tô hiện đang  điều hành công ty nghiên cứu của riêng mình tại Tokyo lại cho biết: “Khi chạy theo số lượng, Honda đang quên đi tầm nhìn về việc điều gì tạo nên thương hiệu của hãng. Hãng này đang tập trung cung cấp những xe ô tô rẻ tiền bán rộng rãi tại những thị trường mới nổi. Điều này sẽ làm giảm bớt đi hình ảnh thương hiệu của công ty".

Các chuyên gia phân tích và cựu lãnh đạo Honda xem vấn đề mà công ty đang gặp phải giống như tình trạng đã từng xảy ra vào năm 2010 của Toyota. Lúc đó, chủ tịch Akia Toyoda đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn liên quan đến vấn đề an toàn của các sản phẩm xe ô tô. Tuy vậy, sau đó công ty này đã vượt qua một cách nhanh chóng và giành lại vị trí số 1 trong thị trường ô tô toàn cầu.

Hai vị CEO trước của Honda đều không thể nắm giữ quyền điều hành quá 6 năm. Và nếu điều này tiếp tục xảy ra, ông Ito cũng chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của mình bởi cũng đã có những đồn đoán về người thay thế.

>> Người Việt đã gọi 'xe máy' là 'Honda' như thế nào?

Phương Linh (Lược dịch)

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM