Hơn 1.000 doanh nghiệp phải trả tiền "ngoài quy định" cho cán bộ hải quan xuất nhập khẩu

12/11/2015 14:24 PM | Kinh doanh

Nếu các doanh nghiệp này không chi trả phí ngoài quy định sẽ bị cán bộ hải quan phân biệt đối xử. Cách phân biệt chẳng hạn như kéo dài thủ tục, bổ sung giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật.

Sáng nay, 12/11, tại Hà Nội diễn ra hội thảo công bố báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan do Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Công bố kết quả về mức độ hài lòng của hơn 3.123 doanh nghiệp được khảo sát, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, có 28% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; 35% doanh nghiệp không biết về chi trả tiền ngoài quy định và 37% không đồng ý chi trả.

Xét theo các Cục Hải quan địa phương, có 38% doanh nghiệp tại Cục Hải quan trung vị cho biết họ phải chi trả các khoản phí ngoài quy định. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ thấp nhất 8% và cao nhất 53%.

Như vậy, với 38% của 3.123 doanh nghiệp có nghĩa là hơn 1.000 doanh nghiệp đang phải trả tiền ngoài quy định cho cán bộ hải quan để được làm thủ tục hải quan khi xuất nhập khẩu.

Nếu các doanh nghiệp này không chi trả phí ngoài quy định sẽ bị cán bộ hải quan phân biệt đối xử. Cách phân biệt chẳng hạn như kéo dài thủ tục, bổ sung giải trình các chứng từ không theo quy định của pháp luật. Thậm chí, nhiều cán bộ hải quan thể hiện thái độ không văn minh, lịch sự với doanh nghiệp.

Theo VCCI , kết quả khảo sát năm 2013 có 49% doanh nghiệp có chi trả các khoản phí ngoài quy định, trong khi năm 2012 có 57% doanh nghiệp chi trả khoản phí này. Nếu coi đây là thước đo tương đương về mức độ liêm chính của công chức hải quan qua các năm khảo sát thì kết quả khảo sát năm 2015 đã ghi nhận bước tiến so với hai năm trước.

“Tinh thần phục vụ, năng lực nghiệp vụ của công chức hải quan còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp trong quá trình thực thiện thủ tục hải quan; cán bộ hải quan còn yếu về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn thấp, chốn tránh trách nhiệm, không nhiệt tình, thiếu hợp tác giúp đỡ doanh nghiệp; thờ ơ vô trách nhiệm; không dân chủ;...”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, về thủ tục thông quan, 58% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thông quan như biểu mẫu và khai báo liên tục thay đổi, yêu cầu cung cấp thông tin ngoài quy định; 54% doanh nghiệp kêu gặp khó khăn khi thực hiện xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát...

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, khâu kiểm tra hàng hóa hiện nay đang làm mất rất nhiều thời gian trong đó 72% thời gian lưu thông hàng hóa qua biên giới phụ thuộc vào thời gian kiểm tra chất lượng hàng hóa. Đây là một thách thức nhằm giảm thời gian lưu kho hàng ở các cửa khẩu.

"Thực hiện thủ tục hành trong lĩnh vực hải quan vẫn là câu chuyện doanh nghiệp còn nhiều lo ngại, đặc biệt là thủ tục kiểm tra hàng, thông quan, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại…", Thứ trưởng Tuấn khẳng định.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM