Hồi kết cho sự tuyệt mật hồ sơ ngân hàng Thụy Sỹ (Kỳ 3)

29/05/2012 07:00 AM |

Người ta cho rằng, những khoản tiền được lưu giữ trong các tài khoản của hệ thống ngân hàng ở Genève, Lugano và Zurick là tuyệt đối an toàn, không sợ bị phiền nhiễu gì và thậm chí, không sợ bị pháp luật động đến.

 

Kỳ III: Sự kiện điển hình

Palazzolo là linh hồn của Pizza Connection - băng đảng khét tiếng buôn lậu cocain, vũ khí, thậm chí cả uranium và rửa tiền. Băng đảng này chuyên dùng vỏ bọc là kinh doanh khách sạn, nhà hàng và bánh Pizza đặc trưng của Italia. Được biết chỉ riêng khoản tiền rửa tại Thụy Sỹ từ tiền buôn lậu heroin sang Mỹ, vào thời điểm cuối thập niên 80, đã vượt quá 2,5 tỷ USD/năm. Và cũng từ dạo ấy, tên tuổi Palazzolo đã có trong sổ đen của các cơ quan bài trừ ma túy và chống rửa tiền của Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Italia.

Sở dĩ Palazzolo bị bắt là do mở một website trên mạng Internet và nhờ đó, cảnh sát Interpol đã lần ra dấu vết, tung ra mẻ lưới cuối cùng bắt được trùm mafia tại sân bay quốc tế Suvarn Abhumi. 

Cùng số phận với Palazzolo, các ngân hàng Thụy Sỹ hiện đang giữ số tài sản khoảng 2.000 tỷ euro, phần lớn là từ những khách hàng ngoại quốc. Nếu thuận theo áp lực của cộng đồng quốc tế mà nới lỏng các quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng, ngành Ngân hàng Thụy Sỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì khách hàng bỏ sang những ngân hàng khác. 

Các ngân hàng Thụy Sỹ đồng ý cung cấp thông tin tài khoản của công dân các nước này nhưng chỉ trong những trường hợp gian lận thuế cụ thể. Thụy Sỹ cũng quyết định công bố danh sách một loạt những nhà độc tài cũng như những Tổng thống và lãnh chúa xấu xa đã từng tin giao những khoản tiền bẩn thỉu mà họ vơ vét được cho các ngân hàng Thụy Sỹ là các ngân hàng hoạt động theo phương châm: “Tiền không có mùi”. Bản danh sách đó khá dài - từ cựu hoàng Ethopie Haile Selassié cho đến cựu vương Iran, từ nhà độc tài Roumanie Chausescou cho đến nhà độc tài “tội nghiệp” Noriega, kẻ đã một thời lừng lẫy tiếng tăm nhưng rồi do Mỹ thay đổi chính sách đối với Mỹ La tinh nên bị đào thải không thương tiếc.

Theo Le Temps, Thụy Sỹ còn đề nghị chuyển tiền thuế trị giá 15 - 25% tài khoản của công dân những nước đã ký thỏa thuận với điều kiện vẫn để ẩn danh tính của họ. Làm như vậy đối tác vẫn thu được thuế còn Thụy Sỹ vẫn bảo vệ được bí mật ngân hàng. Tài sản của người Đức tại Thụy Sỹ ước tính khoảng 200 tỷ euro, như vậy, Berlin có thể thu về đến 30 tỷ euro tiền thuế. Financial Times đưa tin London cũng đang xem xét đàm phán với Berlin để lấy lại phần nào thuế từ khoản tiền 114 - 141 tỷ euro của giới nhà giàu nước này đang gửi ở Thụy Sỹ. Người ta cho rằng, những khoản tiền được lưu giữ trong các tài khoản của hệ thống ngân hàng ở Genève, Lugano và Zurick là tuyệt đối an toàn, không sợ bị bất kỳ phiền nhiễu gì và thậm chí, không sợ bị cả pháp luật động chạm đến.

Giờ đây, dưới áp lực của Cộng đồng châu Âu và bản thân nhà cầm quyền Thụy Sỹ, các ngân hàng Thụy Sỹ ngày càng phải công khai những thông tin bí mật về các khách hàng của mình. Vừa qua, nhờ thực hiện một loạt biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, một khoản tiền khổng lồ là 1,6 tỷ USD đã bị phát hiện là tiền “bẩn” và rất có thể nay mai sẽ không còn nằm yên trong các tài khoản nữa mà sẽ được đem ra lưu thông. Đây là khoản tiền trước kia đã được gửi vào những tài khoản khác nhau mở ở ngân hàng Thụy Sỹ nhưng nay, theo quyết định của chính các ngân hàng này, nó sẽ bị phong tỏa hoặc tịch thu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Thụy Sỹ rất tự hào về quyết định nói trên.

Theo Nguyễn Khải Hoàn 

Thời báo Ngân hàng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM