Hiệp định TPP: Bản quyền hay độc quyền?

06/11/2015 20:20 PM | Kinh doanh

Quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP là động lực thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế hay chỉ là một dạng khác của độc quyền vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi và còn cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Theo lịch sử, bằng sáng chế được công nhận sớm nhất là tại thành phố Venice vào năm 1450, khi các thiết bị mới được tạo ra phải được thông báo cho chính quyền nhằm chống lại những hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian bảo hộ của bằng sáng chế là 10 năm và chủ yếu được dùng trong ngành sản xuất thủy tinh. Khi những người Venice di chuyển, thông thương sang các khu vực khác, hệ thống bản quyền sáng chế này bắt đầu lan sang những quốc gia khác.

Các bằng phát minh, sáng chế, bản quyền là những công cụ pháp lý nhằm khuyến khích sự sáng tạo bằng cách cấp quyền sử dụng cho nhà phát minh. Những quy định trên được xây dựng dựa trên giả định rằng các nhà phát minh cần được khuyến khích bởi lợi nhuận từ sáng chế của mình.

Mặc dù các chứng chỉ bản quyền được xây dựng với mục đích tích cực là khuyến khích sáng tạo cũng như phát triển công nghệ mới, nhưng việc thực hiện các tiêu chuẩn này cũng có mặt trái của chúng.

Theo quan điểm kinh tế vĩ mô, công chúng sẽ phải chi trả một khoản phí khi sử dụng những công nghệ hay dịch vụ được đăng ký bằng sáng chế. Điều này tác động tiêu cực đến mục đích thúc đẩy sáng tạo của mọi người khi khoản chi phí này tại nhiều thị trường là quá đắt đỏ, khiến những người tiêu dùng và nhà phát minh không muốn hoặc không thể chi trả.

Ngoài ra, việc thực hiện các tiêu chuẩn bảo hộ bản quyền sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của nhiều đối thủ trong kinh doanh. Rõ ràng, nếu tính cạnh tranh trên thị trường bị suy giảm, khả năng sáng tạo và phát triển cũng có nguy cơ bị biến mất. Điều này đi ngược lại với mục đích ban đầu của sự hình thành bằng sáng chế là thúc đẩy sáng tạo.

Đối với bản thân nhà phát minh và các doanh nghiệp, việc sử dụng bằng sáng chế cũng không hoàn toàn có lợi khi chi phí và hiệu quả của chúng còn là nghi vấn. Đặc biệt, một số phát minh không thể đem lại lợi nhuận cao hơn chi phí duy trì bằng sáng chế và gây thiệt hại cho doanh nghiệp sở hữu bản quyền này.

Những nhà hoạt động xã hội và nhiều chuyên gia trên thế giới hiện nay hiện đang có ý kiến phản đối Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi họ cho rằng thảo thuận thương mại tự do này áp đặt sự ràng buộc lên các nước thành viên, qua đó kiềm chế sự sáng tạo của mọi người.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là lĩnh vực có liên quan đến rất nhiều ngành nghề, bao gồm dược phẩm, giải trí, thực phẩm, đồ uống, thương hiệu và nhiều mảng khác. Luật pháp Mỹ yêu cầu bảo hộ ít nhất 10 năm cho thương hiệu bản quyền và duy trì quyền sáng chế 70 năm sau khi nhà phát minh qua đời. Các nhà hoạt động xã hội đều cho rằng những quy định này sẽ ảnh hưởng đến sự tự do sáng tạo của mọi người.

Hơn nữa, các nhà hoạt động xã hội còn chỉ ra một lượng lớn thông tin, nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo khác sẽ bị ngăn cách khỏi người tiêu dùng trong một khoảng thời gian dài hơn mức cần thiết. Thậm chí, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể là một công cụ hữu hiệu để chính phủ có thể kiểm duyệt nội dung theo ý muốn.

Ví dụ điển hình của ngành dược phẩm

Ngành dược phẩm là một ví dụ điển hình cho tác động tiêu cực từ quyền sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP. Hầu hết các tổ chức y tế đang tích cực tuyên truyền vận động khả năng người tiêu dùng khó tiếp cận với các loại thuốc hơn nếu hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.

Thật trớ trêu khi một thỏa thuận về tự do thương mại có hẳn một chương cho bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, một lĩnh vực được nhiều người liên tưởng đến độc quyền và kiềm chế sự sáng tạo.

Tờ Tạp chí quan điểm kinh tế JEP của Mỹ mới đây đã có bình luận cho rằng không hề có bằng chứng nào cho thấy các bằng sáng chế và bản quyền sẽ thúc đẩy năng suất lao động và sự sáng tạo trên thị trường.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế đạt giải Nobel Joseph Stiglitz cũng nhận định rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc tăng cường quyền sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP sẽ nâng cao năng suất. Rõ ràng, quy định này sẽ kìm hãm sự đổi mới và tiến bộ của nhiều nền kinh tế.

Ông Stiglitz cho rằng quyền sở hữu trí tuệ hạn chế những phát minh mới bởi chúng làm các nhà khoa học và mọi người gặp khó khăn hơn trong tiến trình nghiên cứu cũng như trao đổi ý tưởng. Hiện nay, hầu hết các phát minh quan trọng đều đến từ những phòng nghiên cứu của trường đại học hoặc những trung tâm nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ hay các tổ chức.

Chuyên gia Stiglitz dẫn chứng trường hợp phát minh một loại thuốc viêm gan C được đầu tư bởi một công ty, quá trình nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm một trường đại học.

Kết quả là các bệnh nhân phải trả 84.000USD cho một đợt điều trị bằng loại thuốc đã đăng ký bản quyền trên trong khi chi phí sản xuất thuốc cho đợt điều trị chỉ vào khoảng 70-140USD.

Mặc dù công ty đăng ký bản quyền cho biết họ đã phải đầu tư 500 triệu USD cho các thử nghiệm lâm sàng, nhưng nhiều chuyên gia ước tính doanh nghiệp này sẽ thu hồi vốn chỉ trong vài tháng trong khi bằng độc quyền có thời hạn 20 năm.

Nhiều người cho rằng chính vì lợi nhuận từ bằng sáng chế như trên mà nhiều công ty mới đầu tư phát triển sản phẩm, nhưng rõ ràng bản quyền loại thuốc trên cũng đã hạn chế các nhà khoa học tiếp xúc và phát triển một loại thuốc rẻ hơn, tốt hơn.


Một bằng sáng chế và bản quyền của Mỹ

Một bằng sáng chế và bản quyền của Mỹ

Như vậy, việc thực hiện các tiêu chuẩn trong hiệp định TPP liệu có khiến người tiêu dùng hoàn toàn tự do hơn hay cũng khiến tình trạng độc quyền gia tăng? Những nhà lãnh đạo Mỹ cam kết rằng các điều khoản bảo hộ sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP không ảnh hưởng nhiều đến người dân, nhưng chính phủ Australia cũng đã từng tuyên bố như vậy khi họ thay đổi quy chế sở hữu trí tuệ trong ngành dược năm 1998.

Năm 2013, một báo cáo của chính phủ Australia cho thấy chi phí duy trì quyền sở hữu trí tuệ mới đã tăng từ 6 triệu đô la Australia vào năm 2001-2002 lên 160 triệu đô la năm 2005-2006. Báo cáo này cũng nhận định chính phủ Australia có thể tiết kiệm 45 triệu đô la Australia nếu hạ mức thời gian bảo hộ bản quyền xuống 1 năm và 244 triệu đô la Australia nếu hoàn toàn xóa bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đặt ra nghi vấn về trường hợp của New Zealand, quốc gia có quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trong ngành dược nổi tiếng thế giới, lại chỉ tăng trưởng 0,01% vào năm 2025 theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ dù hiệp định TPP đã loại bỏ hàng rào thuế quan nông nghiệp. Liệu thỏa thuận tự do thương mại TPP có thực sự giúp ích cho quốc gia bảo hộ bản quyền này hay chỉ càng gia tăng tình trạng độc quyền.

Trong những năm gần đây, vị thế các tập đoàn dược phẩm đang ngày càng gia tăng và quan điểm “ngây thơ” rằng những công ty này sẽ để yên cho người tiêu dùng lấy mất khoản lợi nhuận khổng lồ từ độc quyền thuốc là điều không hề thực tế.

Giờ đây, khi hiệp định TPP vẫn đang chờ được quốc hội và nghị viện của các nước thành viên thông qua, nhiều chuyên gia lại đang đặt ra câu hỏi về tính độc quyền trong những tiêu chuẩn của thỏa thuận thương mại này và các tác động của chúng đến nền kinh tế. Rõ ràng, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP là động lực thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế hay chỉ là một dạng khác của độc quyền vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi và còn cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM