Haravan và giấc mơ ai cũng có thể làm web

24/08/2015 15:13 PM | Kinh doanh

Haravan là một trong những startup được Quỹ đầu tư Seedcom của Đinh Anh Huân “chống lưng”.

“Giấc mơ” của Haravan là ai cũng có thể thiết lập website dễ dàng, nhanh chóng, chi phí sử dụng rẻ, kết hợp được yếu tố kinh doanh trên website và kinh doanh trên facebook.

Cùng với 30 đối tác, Haravan đã xây dựng được kho ứng dụng đặt trong hệ thống quản trị trên nền tảng của mình. Từ quản trị việc bán hàng trên nhiều kênh với phương thức bán hàng nhiều nơi, quản lý 1 nơi;  đến thanh toán, vận chuyển, các ứng dụng chăm sóc khách hàng, thúc đẩy kinh doanh, chăm sóc website, phân tích dữ liệu khách hàng...

Sau 1 năm ra mắt, đến nay, Haravan có hơn 30.000 người dùng đã trải nghiệm ứng dụng và khoảng 2.500 người dùng thường xuyên trả phí, mức phí trung bình là 250.00 đồng/tháng.

Ai cũng có thể làm web

CEO Huỳnh Lâm Hồ của Haravan cho biết, năm 2013 anh bắt đầu khởi nghiệp  kinh doanh online, công việc phát triển khá tốt dẫn đến nhu cầu mở thêm cửa hàng offline.

Với một cửa hàng đầu tiên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, điều đó kích thích anh mở thêm nhiều cửa hàng mới. Sang đến năm thứ 2, khi đã có tổng cộng 3 cửa hàng, hàng đống rắc rối xảy ra trong việc quản lý đơn hàng đến từ các kênh khác nhau, hàng tồn kho, khách hàng, chi phí, nhà cung cấp...

“Với hoạt động omni channel nhỏ của mình, chúng tôi phải tiếp tục xây dựng các công cụ quản lý để giúp chính mình, dĩ nhiên, chi phí không hề nhỏ. Khi tìm hiểu các giải pháp có thể giải quyết vấn đề của mình, chúng tôi đặc biệt thích thú với mô hình của Shopify: Cho phép người kinh doanh kết nối với những cộng đồng họ đã biết để phát triển doanh nghiệp”, Huỳnh Lâm Hồ nói.

Từ cảm hứng này, Huỳnh Lâm Hồ và nhóm sáng lập gồm 10 người đã cho ra đời Haravan với mục tiêu đầu tiên: Ai cũng có thể làm web. Sau 1 năm ra mắt, đến nay, Haravan có hơn 30.000 người dùng đã trải nghiệm ứng dụng và khoảng 2.500 người dùng thường xuyên trả phí, mức phí trung bình là 250.000 đồng/tháng.

CEO Huỳnh Lâm Hồ dẫn chứng trường hợp 1 người bán món ăn vặt của Sài Gòn với website về bánh tráng trên Haravan. Ông chủ bán đồ ăn vặt này đã tự tạo 1 website, sử dụng gói dịch vụ nhỏ nhất 99.000 đồng/tháng. Mua tên miền 200.000 đồng, dùng giao diện miễn phí của Haravan, sử dụng ứng dụng miễn phí kiểm tra đơn hàng bằng số điện thoại, sử dụng ứng dụng chat với khách hàng cũng đang miễn phí cho 1 account. Chi phí mà ông chủ này bỏ ra chỉ hết 1,388 triệu đồng/năm.

Hay một khách hàng lớn khác là công ty cung cấp áo thun. Với đặc thù mô hình kinh doanh lớn, công ty tự sản xuất và phân phối rộng nhiều lớp. Họ dùng gói dịch vụ lớn nhất 299.000 đồng/tháng, giao diện thiết kế riêng 5 triệu đồng, 5 ứng dụng miễn phí, 3 ứng dụng có phí, tên miền 200.000 đồng. Chi phí khoảng 9,268 triệu đồng/năm.

Là nhà đầu tư “thiên thần” của Haravan, Đinh Anh Huân cho biết, khi bắt đầu tham gia hỗ trợ cho Haravan ông có chút lo lắng không biết nền tảng của Shopify lớn như vậy mình có thể xây dựng được như họ không. Tuy nhiên, sau 1 năm xây dựng nền tảng đồng thời thăm dò thị trường, ông hoàn toàn yên tâm với con đường đi của Haravan.

“Trong suy nghĩ của người dùng thì thiết kế một trang web phải tốn cả chục triệu đồng, chưa kể duy trì hệ thống kỹ thuật. Và còn chức năng của website làm sao? Có quá nhiều thứ mà người bình thường lo lắng khi muốn sở hữu một website. Vấn đề giờ đã đơn giản hơn với mô hình của Haravan. Theo tôi cộng đồng lập trình, thiết kế web không nên cho rằng Haravan là đối thủ của họ mà chúng tôi là đối tác, là cánh tay nối dài giúp họ tiếp cận với người kinh doanh một cách dễ dàng hơn. Đây là nơi tập hợp những người làm web, lập trình, triển khai marketing thúc đẩy kinh doanh… cộng sinh ở trong môi trường này”, Đinh Anh Huân nói.

Theo đó, Haravan tạo ra nền tảng hệ thống cơ bản trong việc xây dựng 1 website bán hàng. Trong đó các hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Việt, kho giao diện với hơn 100 giao diện mẫu của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, khách hàng chỉ việc chọn giao diện và sử dụng, có thể tạo sự khác biệt bằng việc tự đổi màu website, font chữ.

Tính năng đặt hàng, thanh toán dành cho website bán hàng có sẵn. Chỉ việc up sản phẩm lên là bán. Với người có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ, họ có thể tha hồ cải tiến thay đổi giao diện theo ý mình, viết thêm tính năng mới tích hợp vào hệ thống của Haravan để có website theo sở thích của mình.

Sở hữu 1 website cơ bản của Haravan, người kinh doanh sẽ có 1 website có thể cài đặt được tên miền riêng, quản lý được tình trạng các đơn hàng, số lượng hàng còn tồn kho, danh sách khách hàng, kết nối với kênh facebook tự động bằng facebookstore. Sử dụng ứng dụng quản lý inbox, comment của khách hàng trên facebook và ghi nhận nội dung, tình trạng xử lý của từng vấn đề trong comment của khách hàng.

Hiện tại kho ứng dụng của Haravan đang có hơn 30 đối tác khác nhau. Kho ứng dụng này tạo ra hệ sinh thái cung cấp các ứng dụng vận hành trong kinh doanh được tích hợp trực tiếp trên nền tảng của website Haravan. Từ quản trị việc bán hàng trên nhiều kênh với phương thức bán hàng nhiều nơi, quản lý 1 nơi; đến thanh toán, vận chuyển, các ứng dụng chăm sóc khách hàng,thúc đẩy kinh doanh, chăm sóc website, phân tích dữ liệu khách hàng... Đây cũng là sân chơi lớn nhất của những người phát triển ứng dụng, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh…  tính tới thời điểm hiện tại.

Hướng đến Liên minh Thương mại điện tử

Ngày 20/8/2015 Haravan đã cùng với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Intel tổ chức buổi Networking Liên minh Thương mại điện tử tại TP Hồ Chí Minh. Lý do là cần một sự hợp lực của các thành phần đang hoạt động trong môi trường thương mại điện tử thành 1 liên minh nhằm giúp ích cho người kinh doanh trở nên dễ dàng hơn, giải quyết các vấn đề khó khăn và rào cản trên thực tế khi kinh doanh của các chủ shop, doanh nghiệp.

Những rào cản này bao gồm quản lý khi bán hàng trên nhiều kênh khác nhau. Những người kinh doanh trên facebook, website và cửa hàng cho biết: Khó khăn lớn nhất là tiếp cận đúng đối tượng, làm sao để bán được hàng cho đối tượng này và khi lượng khách hàng ở các kênh nhiều lên thì làm sao để quản lý và chăm sóc được hết các nhóm khách hàng này để không bị rơi vào tay đối thủ khi chủ shop chăm sóc không tốt? Ngoài ra khi khách hàng mua ở nhiều kênh khác nhau mà không cập nhật được số lượng hàng còn dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được hàng còn hay hết, dễ mất lòng tin đối với khách hàng đã đặt hàng. Đó là bài toán quản lý tồn kho mà người kinh doanh cũng đang phải đối mặt.

Rào cản về thanh toán online, thanh toán COD đang chiếm 94% của thị phần thanh toán trong thương mại điện tử. Vấn đề ở lòng tin của khách hàng, sự kết nối với các đơn vị thanh toán online còn nhiều khó khăn.

Làm sao kiểm soát được chất lượng dịch vụ của những nhà vận chuyển mà nhà cung cấp cho chủ shop? Làm sao chọn được đơn vị vận chuyển tối ưu nhất? Làm sao kiểm soát được hàng hóa của chủ shop đang nằm trên đơn vị vận chuyển nào? Dòng tiền COD đã chuyển hoàn lại chủ shop chưa? Làm sao có 1 nơi nhìn được bức tranh chung như vậy?

Tại buổi networking, ông Phạm An Dương – Giám đốc Marketing Intel Việt Nam đưa ra nhận định là trong 2 năm nữa với những hoạt động như hiện nay, thương mại điện tử sẽ trở thành 1 ngành nghề phát triển thực sự bùng nổ ở Việt Nam và Intel cũng đóng góp 1 phần trong sự thành công đó bằng việc cung cấp các thiết bị điện tử. Đối với Liên minh Thương mại điện tử lần này, Intel mong muốn thúc đẩy sự phối hợp nhiều hơn nữa những hoạt động chung của các đơn vị cùng cung cấp giải pháp kinh doanh.

“Liên minh Thương mại điện tử này có lợi gì thì Haravan chưa biết trước được, nhưng điều thấy trước mắt chính là nếu chúng ta phối hợp cùng nhau, những trăn trở của khách hàng sẽ được giải quyết. Khách hàng hài lòng, không phải mày mò đâu xa, không nhập nhằng thì khi đó những người kinh doanh và người tiêu dùng sẽ đón nhận hoạt động thương mại điện tử một cách dễ dàng, thân thiện và từ đó nền thương mại điện tử cũng sẽ phát triển hơn”, CEO Haravan Huỳnh Lâm Hồ cho biết.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM