Hàng không Ấn Độ: Bùng nổ với nhiều thách thức cho thủ tướng Modi

30/09/2015 14:15 PM | Kinh doanh

Ấn Độ có thể có ngành hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng đối với đa số công dân của họ, bay vẫn là một mơ ước xa vời và tốn kém.

Ấn Độ là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất hành tinh, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), một tổ chức thương mại công nghiệp. Tuy nhiên điều này không hề liên quan đến những cải cách của chính phủ. Sau khi trúng cử năm ngoái với lá bài của một nhà cải cách ủng hộ doanh nghiệp, Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, tiếp tục hứa hẹn về cam kết của chính quyền giúp hiện đại hóa ngành hàng không. Tuy nhiên sau 15 tháng cầm quyền, một nhà bình luận phát biểu, "cải cách đang dịch chuyển với tốc độ rùa bò, như là đi từ Delhi đến Hyderabad (một thành phố ở phía Nam Ấn Độ) bằng chân, chứ không phải bằng máy bay."

Sự bùng nổ của hàng không Ấn Độ từ lâu đã là một câu chuyện về số lượng hơn là chất lượng. Hiện nay, các hãng hàng không của họ vận chuyển gấp chín lần số lượng hành khách so với trước khi bãi bỏ các quy định nghiêm ngặt về hàng không tư nhân năm 1994. Hàng không giá rẻ, cái mà hai thập kỷ trước còn chưa từng được biết đến, giờ đây chuyên chở hai phần ba số lượng hành khách nội địa.

Cứ một trong ba hành khách nội địa thì bay với IndiGo, một hãng hàng không hiện nắm giữ 430 máy bay. Nó làm các hãng máy bay khác ở vùng Vịnh trông thật đáng thương khi so sánh. Vị trí dẫn đầu thị trường của IndiGo giúp nó đạt lợi nhuận đáng kể duy nhất trong ngành hàng không nội địa trong năm tài khóa 2014-2015. Nếu xét riêng thì sự bùng nổ của lĩnh vực hàng không giá rẻ không có gì là xấu cho nền kinh tế đang lên như Ấn Độ. Tuy nhiên nếu xét tổng thể cùng cơ sở hạ tầng sân bay ọp ẹp và các quy định cứng nhắc bóp nghẹt lợi nhuận của các hãng hàng không, việc tăng trưởng nóng làm cho tham vọng vươn tầm của hàng không Ấn Độ ngày càng mong manh dễ vỡ.

Hy vọng về những cải cách đã lên cao sau chiến thắng của ông Modi trong cuộc bầu cử tháng 5 năm 2014. Bộ hàng không của ông có hai quy định cứng nhắc cần được sửa đổi. Đầu tiên, quy tắc 5/20, cấm các hãng hàng không mới thành lập thực hiện các chặng bay quốc tế cho đến khi họ có đủ 20 máy bay và hoạt động ít nhất năm năm. Trong khi biên lợi nhuận thấp tại thị trường nội địa chật hẹp và nhạy cảm về giá, quy tắc này đã giúp các hãng hàng không lâu năm độc quyền những chặng bay quốc tế hấp dẫn nhất.

Quy định thứ hai, Hướng dẫn Phân tán Chặng bay (Route Dispersal Guidelines), buộc tất cả các hãng hàng không dành một phần trăm mạng lưới của họ cho các chuyến bay phục vụ cộng đồng (public-service-obligation, PSO). Chúng bao gồm các đường bay tại các khu vực vùng sâu vùng xa không đem lại lợi nhuận như phía đông bắc Ấn Độ, quần đảo Andaman, Jammu và Kashmir. Việc giảm thuế nhiên liệu áp đặt bởi chính quyền cũng cần được thực hiện, mặc dù nó không còn cấp bách kể từ khi giá dầu đi xuống (gián tiếp giúp nâng dự báo lợi nhuận của ngành hàng không trong năm 2015/16).

Sau hơn một năm tranh cãi, dự thảo chính sách hàng không của chính phủ cuối cùng đã được công bố vào tháng Chín. Các báo cáo cho rằng một hệ thống mới về Độ tín nhiệm bay nội địa (Domestic Flying Credits) sẽ thay thế cả hai quy định trên; nới lỏng các hạn chế về thâm nhập thị trường cũng như thúc đẩy các hãng hàng không thực hiện đường bay đến những vùng xa xôi. Nhưng chỉ vài ngày trước khi chính sách mới được công bố, ông Modi đã tạm gác nó lại và tiếp tục lấy ý kiến cử tri. Bước lùi này của ông theo sau những cuộc vận động hành lang mạnh mẽ bởi hãng hàng không quốc gia Air India và Liên đoàn các hãng hàng không Ấn Độ, là một nhóm các hãng hàng không đã thực hiện đường bay quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp hàng không địa phương mới thành lập như Vistara, là một liên doanh giữa Tập đoàn TATA ở Mumbai và hãng Singapore Airlines, việc trì hoãn cải cách là một con dao hai lưỡi. Mặc dù mong muốn quy tắc 5/20 bị bãi bỏ, Phee Teik Yeoh, giám đốc điều hành của Vistara, phàn nàn rằng các chính trị gia "đã đưa ra một mô hình thay thế dường như còn phức tạp hơn". Ông Yeoh thừa nhận chính phủ cần duy trì các chặng bay phục vụ cộng đồng (PSO), nhưng muốn họ không can thiệp vào những kế hoạch kinh doanh lớn hơn.

Hiện nay, ông nhấn mạnh, 50% công suất Vistara triển khai trên các đường bay giữa các thành phố lớn bị phân bổ để bay giữa các thành phố nhỏ hơn. "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc kết nối các khu vực vùng sâu vùng xa, nhưng chúng ta cũng không nên phân tán nguồn lực vào những thứ nhỏ nhặt" ông lập luận. "Hãy để thị trường quyết định."

Việc để thị trường quyết định trong ngành hàng không chưa bao giờ là một điểm mạnh của các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ. Nước này hiện có 33 sân bay "không hoạt động", theo Cơ quan sân bay Ấn Độ. Chúng được gọi là những "sân bay ma", ví dụ như Sân bay Jaisalmer ở tỉnh Rajastan được xây dựng vào năm 2013 để phục vụ 300.000 hành khách một năm, nhưng gần đây đã bị đóng cửa dù chưa thực hiện chuyến bay nào. Đây là một di sản từ những nỗ lực thất bại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các thành phố nhỏ và thị trấn.

Với việc ông Modi cam kết sẽ xây dựng 200 sân bay giá rẻ trong vòng 20 năm tới, người ta dự đoán sẽ có nhiều sân bay như vậy hơn. Tuy chính sách xây dựng sân bay của Ấn Độ có ý đồ tốt, cũng giống như Hướng dẫn Phân tán Chặng bay, nó lại đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng của khu vực công trong việc quản lý sự phát triển của khu vực tư nhân. Nền kinh tế địa phương không hề được hưởng lợi từ những sân bay mới bóng loáng nhưng vắng bóng hành khách, cũng như các chuyến bay trống một nửa được vận hành bởi các hãng hàng không đang gặp khó khăn về tài chính.

Ấn Độ có thể có ngành hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng đối với đa số công dân của họ, bay vẫn là một mơ ước xa vời và tốn kém. Điều đó phần nào giải thích tại sao chính phủ đã thêm vào chính sách hàng không màu sắc phục vụ cộng đồng, cũng như phóng đại sự cần thiết phải cải cách. Việc ông Modi phản đối "chính sách cắt cổ" -tăng giá vé khi gần đến ngày bay-là một hành động sai lầm khác làm ảnh hưởng xấu đến các hãng hàng không dưới chiêu bài bảo vệ khách hàng. Nếu ông thực sự muốn giúp người Ấn, ông nên nhanh chóng tự do hóa ngành kinh tế đi liền với sự thịnh vượng và phát triển này.

Lam Điền

Cùng chuyên mục
XEM