Hai nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới sắp về chung 1 nhà?

17/09/2015 08:49 AM | Kinh doanh

Nếu điều này trở thành sự thật, công ty mới sẽ kiểm soát tới 50% lợi nhuận toàn ngành công nghiệp sản xuất bia.

Ngày hôm qua, nhà sản xuất bia Anheuser-Busch Inbev NV (AB InBev) nói rằng họ đang muốn đề nghị mua lại SABMiller (2 nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với những thương hiệu nổi tiếng bao gồm Budweiser và Peroni). Nếu điều này trở thành sự thật, công ty mới sẽ kiểm soát tới 50% lợi nhuận toàn ngành công nghiệp sản xuất bia.

Sau tin đồn kể trên, cổ phiếu của SABMiller đã tăng 20%, đẩy giá trị thị trường của công ty lên 58 tỷ pounds (tương đương 90 tỷ USD), cổ phiếu AB InBev tăng 12%. Dẫu vậy, đây vẫn chỉ là tin đồn và chưa hề có bất kỳ thoả thuận nào được thực hiện. Theo một nguồn tin đáng tin cậy từ SABMiller, 2 công ty hiện đang thực hiện những đàm phán bước đầu.

Nếu thành công, việc mua lại SABMiller sẽ trở thành thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp sản xuất bia và khép lại hơn một thập kỷ hợp nhất giữa các công ty bia. Từ nhiều năm nay, tiềm năng sáp nhập giữa SABMiller và AB InBev được tiên đoán sẽ sớm xảy ra trong bối cảnh cả 2 đều hạn chế về mặt địa lý và không bị kiểm soát như những tập đoàn gia đình giống Heineken NV và Carlberg A/S.

“Sau hàng loạt những lời đồn đoán, tôi rất vui khi nghe được thông tin này”, Ross Colbert - một chuyên gia phân tích tại Rabobank International nói. Theo phân tích của Bloomberg, AB InBev có thể sẽ phải chi 4200 pence/cổ phiếu để thâu tóm SABmiller.

Cổ phiếu của SABMiller hiện giao dịch ở mức 3.665 pence/ 1 cổ phiếu ngay sau khi thông tin kể trên được tiết lộ. Trước đó, giá trị cổ phiếu của công ty này giảm tới 19% trong năm qua.“Việc cổ phiếu của SABMiller ở mức thấp trong suốt 12 tháng qua khiến thoả thuận này nhiều khả năng sẽ được ký kết ở một mức giá phải chăng”, chuyên gia Stirling nói.

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp bia chứng kiến nhiều thương vụ hợp nhất giữa các công ty nhằm ngăn chặn tình trạng sụt giảm doanh thu. Điều này diễn ra trong bối cảnh khách hàng tại các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đang chuyển sang uống các loại bia tự làm, rượu vang hoặc rượu mạnh nhiều hơn.

Bản thân AB InBev dưới sự điều hành của CEO Carlos Brito đã đạt doanh thu tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước và một phần lớn là nhờ việc đầu tư 100 tỷ USD cho các thương vụ mua bán, sáp nhập. Tuy vậy theo dự đoán của Bloomberg, tăng trưởng của công ty này sẽ chậm lại trong khoảng 5 năm tới.

Những nền kinh tế đang yếu đi như Brazil và Trung Quốc - 2 động lực tăng trưởng chính cho các nhà sản xuất bia những năm qua có thể là nguyên nhân khiến AB thúc đẩy nhanh việc sát nhập. Kết quả sự sụt giảm lượng tiêu thụ bia tại các nền kinh tế mới nổi này “đang tạo ra những thương vụ sát nhập lớn hơn”.

Những rào cản

Với quy định về việc tiếp quản của Anh, AB InBev vẫn có thể đưa ra lời đề nghị kể trên hoặc không cho đến 5h chiều ngày 14/10. SABMiller đã tiết lộ việc này để đáp lại những “tin đồn gần đây của báo chí”.

Bất kỳ thoả thuận nào cũng cần sự ủng hộ của Altria Group - cổ đông lớn nhất của SABMiller với 27% cổ phần. AB InBev cũng sẽ cần thuyết phục gia đình Alejandro Santo Domingo - đơn vị nắm giữ 14% cổ phần SABMiller.

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, để tránh những rào cản pháp lý, SABMiller sẽ cần rút lui khỏi liên doanh của họ với Molson Coors Brewing tại Mỹ. Công ty MillerCoors LLC. AB InBev có thể cũng phải bán 49% cổ phần của SABMiller tại CR Snow - đối tác ở Trung Quốc của họ. Hiện SABMiller cũng sở hữu 20% cổ phần công đi đồ uống của Pháp là Groupe Castel.

Những lời đồn đoán về sự hợp nhất của 2 nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới được chờ đợi sẽ chấm dứt cuộc chơi sáp nhập giữa các công ty bia toàn cầu. Nếu mua lại được SABMiller, dưới sự dẫn dắt của CEO Alan Clark, AB InBev có thể đạt 7 tỷ USD doanh thu tại châu Phi với những thương hiệu bao gồm Castle và gần 4 tỷ USD doanh thu tại châu Á. Đồng thời việc này cũng giúp giảm sự phụ thuộc của AB InBev tại thị trường Mỹ và Brazil.

Vì châu Mỹ Latin là thị trường lớn nhất của SABMiller, nếu thoả thuận này thực hiện thành công sẽ mở rộng sự hiện diện của AB InBev tại các quốc gia như Colombia, Ecuador và Peru. Các thương hiệu tại khu vực này gồm Cristal và Aguila.

Tốc độ phát triển của AB InBev phụ thuộc phần lớn vào các thương vụ mua bán, sáp nhập kể từ khi được thành lập thông qua thương vụ mua lại cửa hàng của một nhóm doanh nhân Brazil, dẫn đầu là Jorge Paulo LeMann. Một số nhà phân tích dự đoán rằng 3G Capital LeMann có thể là đơn vị đứng ra dàn xếp thương vụ tiếp quản SABMiller của AB InBev, giống như những gì đã làm khi InBev NV mua lại Anheuser-Busch vào năm 2008.

Một nguồn tin thân cận cho biết, hiện phía AB InBev đang được tư vấn bởi Lazard và Freshfields Buckhaus Deringer. Trong khi đó, phía SABMiller được tư vấn bởi Robey Warshaw LLP, JPMorgan Chase & Co. và Morgan Stanley.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM