Google tìm gì ở các thương vụ M&A?

12/05/2015 16:47 PM | Kinh doanh

Don Harrison, phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp của gã khổng lồ công nghệ Google là người đứng đằng sau rất nhiều những thương vụ M&A trị giá hàng tỷ USD.

Qua nhiều năm, Google đã thâu tóm hơn 180 công ty lớn nhỏ khác nhau. Chỉ tính riêng Top 10 những thương vụ lớn nhất, công ty công nghệ đã bỏ ra hơn 24,5 tỷ USD.

Số tiền bỏ ra cho những thương vụ M&A là rất nhiều, nhưng Goole cũng đã kiếm lại được không ít từ những vụ mua bán đắt giá đó. Nhật báo Time gần đây cho biết Google đã rất thành công trong các thương vụ M&A ở Silicon Valley bởi việc họ giữ lại cũng như thu nạp được rất nhiều nhân tài của các công ty khác.

Time cho biết 2/3 các nhà sáng lập của 221 công ty khởi nghiệp (Start-up) tại Silicon Valley đã đồng ý làm việc tại Google từ năm 2006 cho tới năm 2014, và họ vẫn còn ở lại cho tới ngày hôm nay.

Business Insider mới đây đã có một cuộc phỏng vấn người đứng sau những thương vụ M&A của Google kể từ tháng 1 năm 2013, đó là phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp Don Harrison.

Trong bài phỏng vấn, Harrison đã chia sẻ thẳng thắn về những suy tính của Google trong những thương vụ mua bán và sáp nhập các công ty Start-up, và vì sao việc giữ chân các nhà sáng lập của các công ty này lại vô cùng quan trọng.

Trên thực tế, Google cho rằng việc mua bán các công ty khác là không có giới hạn ở khía cạnh sản phẩm và ngành nghề kinh doanh. Google có thể mua một công ty công nghệ dù sản phẩm của nó là robot, vệ tinh, một ứng dụng trên thiết bị di động hay dịch vụ quảng cáo… miễn sao sản phẩm hay dịch vụ đó phục vụ cho cuộc sống con người và nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm của Google.

Điều đó cũng làm cho công việc của Harrison thêm thú vị: ông luôn bị đẩy ra khỏi phạm vi hiểu biết của mình và phải tìm hiểu những công nghệ mới hàng ngày.

Một trong những điểm khác biệt trong quá trình M&A của Google so với những công ty khác là sự quan tâm đặc biệt đến những người sáng lập và việc họ có thích hợp với Google hay không. Google rất muốn có những người sáng lập không ngừng tìm tòi và sáng tạo, sẵn sàng bắt đầu từ những ý tưởng sơ khai và khai phá những ý tưởng đó. Noam Bardin là một ví dụ điển hình, ông là nhà sáng lập tài ba của Waze – một start-up đã được Google mua lại và đến giờ ông vẫn luôn chứng tỏ mình là một người lãnh đạo giỏi ở Google.

Harrison cho biết những công ty được lựa chọn đều phải đi qua một quá trình rà soát rất chặt chẽ. Những người sáng lập của các công ty này sẽ phải ngồi xuống cùng CEO Larry Page và phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Sundar Pichai trước khi bất kỳ một quyết định nào được đưa ra.

Google có thể từ bỏ một thương vụ M&A nếu họ thấy yếu tố nhân sự của công ty được mua không phù hợp, cho dù việc mua bán đó đem lại lợi ích cho chiến lược phát triển sản phẩm tổng thể của gã khổng lồ.

Bên cạnh đó, Google cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các ông lớn khác trong những thương vụ M&A. Lý do là bởi các công ty start-up ở Silicon Valley luôn được đánh giá và định giá rất cao trên thị trường, trong khi có nhiều quỹ đầu tư và tập đoàn lớn khác sẵn sàng trả giá cao để thâu tóm. Và Google thường chiến thắng bằng cách “ngồi xuống và thảo luận” cùng các nhà sáng lập. Google thuyết phục các start-up bằng nguồn lực tài chính lớn mạnh, sự kiên nhẫn chờ đợi thành quả cũng như việc họ để các start-up hoạt động theo cách của mình. Và thường thì các start-up rất thích điều đó, thương vụ thâu tóm Nest trị giá 3,2 tỷ USD là một ví dụ điển hình.

Để đánh giá một thương vụ M&A thành công hay không, Google thường xuyên tiến hành theo dõi trong 90 ngày đối với mỗi thương vụ dù lớn hay nhỏ, bằng cách đặt ra những câu hỏi như “Chúng ta có đang đi đúng hướng so với mục tiêu ban đầu hay không? Các con số đang nói lên điều gì? Chúng ta có đang cung cấp đủ nguồn lực cần thiết cho start-up để họ thành công hay không?”

Trong thời gian tới, Google sẽ nhắm tới những phát triển xung quanh thiết bị di động. Còn với cá nhân Harrison, ông rất quan tâm và thích thú với cái gọi là “trí tuệ nhân tạo”. Ông cho rằng chúng ta vẫn còn ở khá xa để đến đích, nhưng những Google Now, Siri hay Cortana đang là bằng chứng cho việc thiết bị di động đang trở thành những trợ lý thông minh mà bạn có thể giao tiếp hàng ngày.

Nếu bạn là một start-up và muốn lọt vào radar của Harrison thì đầu tiên hãy tập trung vào sản phẩm của mình, sau đó hãy giới thiệu về mình qua các mạng lưới networking để có thể tiếp cận.

Tú Mạnh

CTV Mạnh Tú

Cùng chuyên mục
XEM