Giờ đây, vị thế của các "đại gia" Thung lũng Silicon không chỉ bó buộc ở công nghệ

15/11/2015 10:27 AM | Kinh doanh

Vai trò của các nhà điều hành ở Thung lũng Silicon giờ đây không chỉ còn gói gọn trong phạm vi kinh doanh, họ đang dần xác lập vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế.

Những nhà điều hành đến từ thánh địa công nghệ giờ đây có thể đường hoàng gặp lãnh đạo các quốc gia mới nổi như Tổng thống Indonesia Joki Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, động thái trên cũng khiến các tập đoàn Silicon phải đối mặt với một tình huống khó xử. Các công ty công nghệ lớn muốn mở rộng kinh doanh sang nước khác, nơi mà internet bị kiểm soát, nhưng những tập đoàn từ Thung lũng Silicon chỉ thu được lợi lớn nhất khi Internet giữ được vai trò là một thế giới mở và dễ tiếp cận.

Việc đáp ứng được cả 2 yêu cầu trên là khá khó khăn và không công ty nào rõ điều này hơn Google.

Khi vào Trung Quốc năm 2006, hãng Google buộc phải tuân theo các quy định kiểm duyệt của chính phủ.

“Rất khó khăn để chúng tôi có thể chấp nhận ý tưởng hạn chế thông tin”, một giám đốc điều hành Google đã thốt lên như vậy. Thế nhưng, Google đã quyết định xuống nước để có thể tiếp cận được con số người dùng khổng lồ tại đây.

Tuy nhiên, nỗ lực của Google cuối cùng đã thất bại. Sau sự việc hàng loạt hacker Trung Quốc tấn công máy chủ Google, xâm phạm số lượng lớn tài khoản Gmail, bao gồm cả email của các nhà hoạt động nhân quyền, Google đã rút khỏi thị trường này vào năm 2010.

Từ kinh nghiệm trên, Google đúc kết được rằng ngành kinh doanh này không chỉ cần tiền và tăng trưởng người dùng, họ cũng cần quản lý cả việc trao đổi các ý tưởng và bảo vệ quyền riêng tư.

Kể từ đó, các tập đoàn lớn từ Thung lũng Silicon bắt đầu dùng năng lực của mình để thúc đẩy khả năng tiếp cận và tự do Internet. Điển hình như bài phát biểu của CEO Facebook Mark Zuckerberg tại Liên hiệp quốc vào tháng 9 vừa qua đã nêu quan điểm việc tiếp cận Internet cũng chính là quyền con người.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà điều hành Thung lũng Silicon không ngồi yên chờ đợi quy định tại một số nước bắt kịp quan điểm của mình. Thay vào đó, họ chủ động định hình tương lai internet bằng việc tiếp cận các nhà lãnh đạo quốc gia.

Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia đều có những vấn đề khác nhau về tự do internet, nhưng điểm chung là các nước này đều muốn phát triển nền kinh tế trực tuyến của mình.

Ví dụ như Indonesia, tỷ lệ người dùng internet vào khoảng 17% và có xu hướng tăng nhanh, nhưng quốc gia này vẫn còn nhiều vấn đề câng giải quyết trong lĩnh vực công nghệ số. Người dân nơi đây còn gặp nhiều trở ngại khi truy cập Internet và bị giới hạn nội dung cũng như xâm hại quyền tác giả.

May mắn thay, Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo đang có kế hoạch phát triển ngành công nghệ số ở quốc gia này và đây là cơ hội tốt để các giám đốc điều hành Phương Tây thúc đẩy tự do Internet hơn cho người dân.

Hơn nữa, nếu các ông lớn Thung lũng Silicon đủ khôn ngoan, họ có thể tận dụng tốt tình hình trên để đàm phán các điều khoản theo hướng có lợi cho công ty.

Các nhà điều hành ở Thung lũng Silicon giờ đây thường được miêu tả là những người đứng đầu đế chế công nghệ và góp phần ảnh hưởng đến các chính sách địa chính trị trên thế giới. Do đó, sự thay đổi cán cân quyền lực này có đem lại thay đổi tích cực hơn hay không phụ thuộc vào việc những nhà điều hành này có định hình được là họ đang không chỉ làm kinh doanh mà còn góp phần xây dựng tương lai hay không.

Mai Trâm

Cùng chuyên mục
XEM