Giá ô tô sẽ không rẻ

17/05/2015 14:09 PM | Kinh doanh

Quan điểm cho rằng giá xe ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ giảm nhờ các cam kết hội nhập trong khu vực ASEAN, với Hàn Quốc, Nhật Bản..., được cho là quá lạc quan.

Giá xe đang tốt nhất

Đó là nhận định mang tính "mách nước" của một DN vừa NK vừa sản xuất ô tô lớn với phóng viên. Vị lãnh đạo này cho rằng, trong thời gian tới giá xe tại Việt Nam khó có thể giảm nhiều như kỳ vọng mặc dù thuế NK xe nguyên chiếc từ khu vực sẽ giảm mạnh, thuế NK linh kiện từ Hàn Quốc cũng sẽ giảm theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết. Đại diện một DN nhập khẩu ô tô cho biết, giá xe tại thị trường hiện nay đang được hưởng những lợi thế từ tỉ giá tại các nước xuất khẩu ô tô và linh kiện sang Việt Nam như Nhật, Đức...; từ những chính sách hỗ trợ, ưu đãi lớn của nhà sản xuất cho thị trường Việt Nam; với tốc độ tăng trưởng tốt thị trường...

Đều từ chối đưa ra phân tích cụ thể về tác động của việc giảm thuế NK ô tô và linh kiện có xuất xứ từ Hàn Quốc theo VKFTA, đại diện của 2 nhà NK ô tô lớn nhất từ Hàn Quốc là Thaco và Huyndai Thành Công Việt Nam đều cho rằng: Hiện cam kết cụ thể chưa được công bố nên chưa thể nói được gì. Tuy nhiên theo những thông tin mà các DN nắm được thì thuế NK xe nguyên chiếc chỉ giảm đối với dòng xe trên 3.000 cm3 (hiện rất ít ở Việt Nam), còn đối với linh kiện NK thì mức giảm không lớn. Và trong cấu thành giá bán sản phẩm thì thuế linh kiện chiếm tỉ lệ thấp, nên nếu có tác động tới giá bán thì cũng không đáng kể.

Vậy nên cả hai nhà NK và sản xuất ô tô này đều cho rằng, giá xe ô tô hiện nay đang là tốt nhất, việc giảm nữa khó có thể xảy ra.

Liên quan đến lộ trình giảm thuế NK xe ô tô nguyên chiếc xuống 0% vào năm 2018 sẽ làm giá ô tô giảm, phân tích của một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, lộ trình giảm thuế chỉ thực hiện đối với các nước trong khu vực ASEAN, ngoài khu vực này, hiện Việt Nam còn đang NK một lượng xe lớn từ thị trường khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức... Đây là những thị trường xe ô tô NK nguyên chiếc không giảm thuế sâu.

Một điểm đáng lưu ý nữa là Thái Lan đang dự kiến quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán lẻ đối với cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều này sẽ làm tăng giá sản phẩm tại thị trường này. Chính vì vậy dù NK ô tô từ thị trường Thái Lan sẽ được giảm thuế theo lộ trình, song giá bán sản phẩm tại thị trường này có khả năng sẽ tăng.

Sẽ thay đổi cách tính thuế Tiêu thụ đặc biệt (?)

Trong thời gian tới sẽ có những chính sách mới liên quan đến thị trường ô tô.

Thực tế ô tô hiện đang là mặt hàng có đóng góp lớn ngân sách Nhà nước. Chỉ tính riêng số thuế mà 2 DN sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất hiện nay nộp cho ngân sách Nhà nước đã thấy rõ điều này. Năm 2014, Toyota Việt Nam (TMV) đã nộp ngân sách Nhà nước 700 triệu USD; con số này đến từ Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) hơn 6.700 tỷ đồng (dự kiến năm 2015 Thaco sẽ nộp khoảng 11.300 tỷ đồng). Đây rõ ràng là những khoản thu rất quan trọng cho ngân sách Nhà nước.  Chính vì vậy việc "hụt" thu thuế theo lộ trình giảm thuế NK cần phải được "tính toán" bù đắp ở giải pháp khác.

Đơn cử như việc Bộ Tài chính đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành (dự thảo tờ trình Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB ) trong đó có nội dung thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với xe ô tô NK.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đối với việc tính thuế TTĐB, trong đó Bộ nghiêng về phương án 1 đó là sẽ thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với ô tô NK theo hướng giá tính thuế  TTĐB sẽ được cộng thêm chi phí bán hàng (ngoài giá linh kiện nhập khẩu hay còn gọi là giá CIF).

Theo Bộ Tài chính việc thay đổi cách tính thuế TTĐB này đối với xe NK, là để "đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa DN nhập khẩu và DN sản xuất", bởi thực tế hiện nay thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước đang được tính trên giá xuất xưởng (bao gồm cả chi phí sản xuất, lợi nhuận, chí phí bán hàng)...

Tính toán của các DN cho thấy, với cách tính mới này, thuế TTĐB xe NK sẽ tăng (đơn cử 1 chiếc xe có giá khai báo 33.000 USD thì giá thành chiếc xe sau thuế sẽ tăng khoảng 10.000 USD).

Không những vậy, theo đại diện một số nhà NK ô tô tại Việt Nam, cách tính mới tăng thêm thủ tục hành chính, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chí phí này cũng sẽ được tính vào giá bán xe.

Như vậy theo ước tính của các DN tùy từng loại xe, giá xe NK có thể sẽ tăng từ 5-10%.

Đề xuất của Bộ Tài chính đang được lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, hiệp hội, trước khi trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 này. Dự kiến nếu được thông qua, quy định sẽ có hiệu lực từ 1-1-2016.

Chính vì vậy nhận định cho rằng giá xe ô tô tại Việt Nam sẽ giảm mạnh trong thời gian tới được cho là "lạc quan".

Bộ Tài chính cho biết, phương án thay đổi này sẽ dẫn đến phản ứng từ một số nhà nhập khẩu ô tô như Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen... Tuy nhiên cơ quan này vẫn quyết định đề nghị Chính phủ lựa chọn cách tính này để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp NK và DN sản xuất ô tô trong nước.

Khảo sát của Bộ Tài chính trên thế giới có 2 nhóm nước quy định giá tính thuế TTĐB khác nhau:

- Nhóm 1 gồm Hàn Quốc, Israel, Mexico, Australia áp dụng giá tính thuế TTĐB là giá bán buôn; Phần Lan, Áo, Chile áp dụng giá tính thuế TTĐB là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng. Cụ thể giá tính thuế TTĐB sẽ bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của người nộp thuế không phân biệt cơ sở sản xuất hay cơ sở nhập khẩu và có nhiều trường hợp thu trên cả chi phí khâu lưu thông thương mại đến người tiêu dùng cuối cùng.

- Nhóm 2, đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB là giá CIF cộng (+) với thuế nhập khẩu; đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá bán tại kho nhà máy. Nhóm này gồm một số nước như: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia. Tuy nhiên, Thái Lan đang dự kiến quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán lẻ đối với cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu do khó xác định khái niệm giá bán tại kho nhà máy, tạo kẽ hở để lợi dụng giảm thuế do phân bổ giữa công ty mẹ, con.

>> Giấc mơ ô tô Việt: Sau Toyota, đến lượt GM 'dọa dẫm'

Theo Nguyễn Hà

Cùng chuyên mục
XEM