Gần 3.300 điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền đang “làm khó” DN

21/06/2015 18:03 PM | Kinh doanh

3.299 điều kiện kinh doanh tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015.

Tại hội thảo về tình hình triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã triển khai rà soát và đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền.

Cụ thể, theo bà Thảo, trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có 98 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 69 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề; 31 ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, tiền ký quỹ.

“Tương ứng với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định của các Bộ” – bà Thảo cho biết.

Theo Luật đầu tư 2014, chỉ có ba cơ quan gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh.

Do vậy, theo bà Thảo, 3.299 điều kiện kinh doanh tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015.

Đại diện CIEM kiến nghị, các bộ, cơ quan chức năng có liên quan cần chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh không đúng theo quy định. Đồng thời, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh tại các Thông tư, Quyết định của các bộ; Quyết định, Nghị quyết của các cấp chính quyền địa phương.

Cũng tại hội thảo, bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may đã nêu một số khó khăn trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay.

Bà Dung cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết 19, nhiều quy định như đã giải tỏa các thủ tục nhưng chỉ mới dừng ở chặng đầu.

“Có doanh nghiệp gia công quân phục cho nước ngoài nhưng ở Việt Nam quân phục lại thuộc vào nhóm hàng cấm xuất nhập khẩu. Họ đã kiến nghị lên Bộ Công thương, rồi Bộ Quốc phòng... nhưng cuối cùng đối tác đã phải đem đơn hàng ra nước khác làm. Tại sao nước khác làm được mà ta lại không làm được?” - bà Dung băn khoăn.

Bên cạnh đó, bà Dung cũng cho biết, doanh nghiệp đang khó khăn vì các khoản thu phí, phụ phí ngày càng tăng.

“Có thời điểm xăng dầu xuống rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn bị thu phí xăng dầu. Đây là một quy định hết sức vô lý” - bà Dung chia sẻ.

Theo Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM