Facebook không chỉ 'vì mục đích kiếm tiền'?

27/02/2016 10:18 AM | Kinh doanh

Là người giàu có nhất, quyền lực nhất, năm nay mới 31 tuổi, nhưng ông vẫn cảm thấy mình bị hiểu sai.

Đó ít nhất là những gì người ta cảm nhận được qua 60 phút trò chuyện của Mark Zuckerberg với một phóng viên tại Đại hội Thế giới Di động diễn ra tại Barcelona.

Bị hiểu sai tại Ấn Độ, nơi ông nỗ lực đem đến cho hàng triệu người sự cảm nhận đầu tiên về internet thông qua chương trình miễn phí căn bản của Facebook; chương trình Free Basics đã bị cấm với các tội danh chống lại sự trung dung của mạng, điều "đáng thất vọng" khiến ông nhận ra rằng "mỗi quốc gia đều có sự khác biệt".

Và việc bị hiểu sai chung chung về niềm đam mê muốn dùng công ty của mình để thay đổi thế giới.

"Rất nhiều người nghĩ rằng các công ty không quan tâm tới gì khác ngoài chuyện kiếm tiền," ông nói trước khi giải thích động cơ trong việc thành lập Facebook.

Ông chỉ muốn kết nối với mọi người tại Harvard, và sau đó đã nhận ra rằng việc đưa mạng kết nối này thành công việc làm ăn chính là cách tốt nhất để phát triển ý tưởng.

Nhưng quả thực, ý tưởng của Mark Zuckerberg về việc kết nối thế giới cũng làm một thứ tạo ra lợi nhuận cực lớn cho Facebook.

Xây dựng các thiết bị bay tự động nhằm cung cấp kết nối internet cho các vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới, đầu tư những khoản lớn vào thực tế ảo và tạo ra tấm bản đồ chi tiết nhất về nơi mọi người sống, tất cả đều là những dự án thú vị và giá trị.

Tuy nhiên, các dự án đó đều là mở đường để thu hút thêm nhiều người đến với thế giới Facebook, nơi mọi nhu cầu của họ sẽ được đáp ứng, và hầu hết các dữ liệu về họ có thể sẽ được trao cho các công ty quảng cáo.

Bằng cách này, doanh nghiệp của ông Zuckerberg cũng thu được những khoản lợi khổng lồ.

Do vậy, khi ông đặt câu hỏi về trọng tâm của ngành công nghiệp di động trong việc sử dụng các mạng lưới hiện đại thế hệ mới, 5G, để kết nối, thay vì chú ý tới con người ở các nước đang phát triển, có lẽ bạn nghĩ rằng đó quả là một cách suy nghĩ cao quý.

Hoặc có thể bạn thấy rằng Facebook sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi mà các mạng lưới chi tiền ra để người ta liên lạc với nhau nhiều hơn thay vì chú trọng tới việc kết nối xe hơi hay tủ lạnh với mạng internet.

Một số người đã đặt câu hỏi tương tự về Tim Cook và về việc ông từ chối bẻ khóa chiếc điện thoại iPhone của một tay khủng bố, quan điểm mà Mark Zuckerberg cũng ủng hộ trong tối qua.

Chính phủ Mỹ đã gọi chiến dịch phản đối phán quyết tòa án là một phần chiến lược tiếp thị của Apple.

Nay, bạn có thể cảm thấy cảm thông cho lập luận của Apple về việc mã hóa, trong lúc thừa nhận một chiếc điện thoại iPhone được bảo mật cực tốt chính la một khía cạnh sống còn đối với nhãn hiệu của công ty và đối với tương lai lợi nhuận của hãng.

Thung lũng Silicon và các nhà lãnh đạo của nó ngạc nhiên vì phần còn lại của thế giới không phải lúc nào cũng nhìn sự việc giống mình trong các vấn đề, từ lợi ích của việc chia sẻ dữ liệu trực tuyến cho tới quyền riêng tư cá nhân cần được tôn trọng đến đâu so với sự an toàn chung cho cả xã hội.

Và điều đó có nghĩa là Mark Zuckerberg và các tỷ phú công nghệ sẽ tiếp tục nhận ra rằng thế giới không phải lúc nào cũng hiểu họ.

Theo CÔNG MINH

Cùng chuyên mục
XEM