Đường tới dạ dày người dùng Việt của Lozi

22/09/2015 10:00 AM | Kinh doanh

Mới tham gia vào thị trường ứng dụng đánh giá – tiếp thị ăn uống từ tháng 1/2014, Lozi vướng phải sức ép rất lớn từ những đối thủ gạo cội. Mặc dù vậy, CEO trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Trung của Lozi vẫn tin thị trường còn nhiều dư địa: “Vấn đề của người dùng rất đa dạng, điểm quan trọng là mình chọn hướng khai thác và giải quyết vấn đề đó như thế nào” , Trung chia sẻ.

Mặc dù startup tại Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây, nhưng tại một số lĩnh vực, đã bắt đầu xuất hiện những người dẫn đầu.

Lĩnh vực nội dung Internet trong ngành kinh doanh ăn uống là một ví dụ. Theo một khảo sát của Ogilvy & Mather châu Á – Thái Bình Dương, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng dịch vụ mà còn đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trên các kênh trực tuyến.

Chính điều này tạo ra một thị trường quảng cáo trực tuyến đầy tiềm năng. Chỉ tính riêng tại Tp Hồ Chí Minh, hiện đã có hơn 70.000 địa điểm quán xá hiển thị thông tin trên Internet. Sự phát triển của hạ tầng mạng cũng như nhu cầu về thông tin của người dùng trẻ là những nhân tố đẩy mô hình này phát triển.

Ra mắt được 5 năm, Foody.vn là một trong những startup khá thành công trong lĩnh vực này. Công ty này được quỹ đầu tư Cyber Agent của Nhật đầu tư vào và cũng gọi vốn thành công tới serie C. Tổng số tiền đầu tư không được công bố chính thức, nhưng theo một chuyên gia trong ngành, số tiền startup được đổ vào là khoảng gần 2 triệu USD.

Không nhiều startup tại Việt Nam được đầu tư mạnh như vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường mà Foody đang khai thác đủ tiềm năng để các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.

Ra đời tháng 1/2014, Lozi có thể nói là kẻ đến sau khi thị trường đánh giá quán ăn – nhà hàng đã có người dẫn đầu. Để cạnh tranh trong một môi trường như vậy, startup này phải chọn cho mình một hướng đi riêng

“Nếu các ứng dụng khác giúp người dùng trả lời câu hỏi ăn ở đâu, thì Lozi hướng tới giải quyết vấn đề cho những người đang tự hỏi là họ muốn ăn gì”, Nguyễn Hoàng Trung, nhà sáng lập của Lozi chia sẻ.

Để làm được điều này, Lozi xây dựng một hệ thống: Chỉ tạo ra một nền tảng cộng đồng để mọi người tham gia, còn nội dung trên nền tảng đó sẽ là do người dùng tự xây dựng. Một cách dễ hiểu, nó giống như một mạng xã hội chuyên chia sẻ đồ ăn thức uống.

Vì vậy, vấn đề quan trọng của Lozi cũng giống như các mạng xã hội khác. Đó là xây dựng một cộng đồng mạnh, với lượng người dùng của Lozi đủ lớn, cũng như dữ liệu các cửa hàng ăn uống đa dạng. Theo Trung, Lozi tập trung vào điểm mạnh đánh vào tính cá nhân rất cao của các bạn trẻ, thông qua các bộ sưu tập món ăn thức uống trên Lozi.

Nguyễn Hoàng Trung, CEO của Lozi

Giao diện của Lozi được xây dựng khá giống với mạng xã hội ảnh Instagram hay Pinterest và cộng đồng Instgram cũng là những người đóng góp nội dung lớn nhất cho Lozi. Giới trẻ bị thu hút khi được “khoe” các bộ sưu tập đồ ăn thức uống của mình, được thể hiện được cái tôi, gu ăn uống của riêng mình.

Điều này đồng nghĩa với việc Lozi mới tập trung vào nhóm khách hàng trẻ tuổi. Trung cho biết, đa phần đối tác của Lozi nằm trong các nhóm: 50% những cửa hàng có mức chi trả dưới 100.000 đồng/2 người, 35% nhà hàng có mức chi trả từ 100.000 - 200.000/2 người. Chỉ có 15% số đối tác là các nhà hàng có mức chi trả trên 200.000 đồng/2 người như Golden Gate, Redsun,…”.

Dễ thấy, khách hàng mục tiêu của Lozi hiện là những hộ kinh doanh vừa và nhỏ. Đây là nhóm nhà hàng, quán ăn có số lượng lớn nhất tại Việt Nam và nhu cầu vô cùng đa dạng. Những nhà hàng này cũng bỏ tiền quảng cáo trên Facebook và không có lý do gì để họ từ chối một nền tảng chuyên về ẩm thực có 400.000 người dùng như Lozi.

Điều này khiến tính thương mại của mô hình này khó có thể cạnh tranh lại những ứng dụng đánh giá địa điểm quán ăn – nhà hàng cao cấp, nhưng theo Trung, điều này chưa hẳn quan trọng nhất.

“Yếu tố then chốt bây giờ đó là làm sao để tăng số lượng người dùng, xây dựng một cộng đồng càng lớn mạnh càng tốt. Cũng giống như mạng xã hội Facebook, quảng cáo trên Lozi đưa tên tuổi nhà hàng tới nhiều người dùng hơn. Việc còn lại là chất lượng nhà hàng tốt tới đâu, cung cấp dịch vụ tốt tới đâu, là do bản thân nhà hàng và người dùng quyết định”, nhà sáng lập của Lozi chia sẻ.

Những kết quả ban đầu này đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư. Đến tháng 7 vừa qua, Lozi đã gọi vốn thành công 200.000 USD từ quỹ đầu tư Singapore, giúp giảm đi áp lực chi phí vận hành mà trước đó đè nặng lên vai những nhà sáng lập. Đến lúc này, Lozi mới chính thức bớt “lo”.

“Khoản đầu tư giúp Lozi đủ nguồn lực giải quyết để tập trung phát triển. Ngay sau khi đội ngũ được giải phóng khỏi gánh nặng tài chính, chỉ hướng tới phát triển sản phẩm thì hiệu quả kinh doanh đã tăng lên thấy rõ”, Trung chia sẻ.

Mức thu trong tháng 8 của công ty đã gần đạt tới điểm hòa vốn. Với Startup Việt Nam nói riêng, việc duy trì song song phát triển mở rộng lẫn hiệu quả kinh doanh là một yếu tố rất quan trọng. Tất nhiên, tất cả mới chỉ là bước đầu và vẫn còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại của Lozi.

- Khi mọi thứ đã đi vào guồng và tài chính không còn là gánh nặng, đâu sẽ là thách thức lớn nhất mà Lozi gặp phải?

- “Thách thức lớn nhất là mình hiểu vấn đề của người dùng tới đâu, phục vụ nhu cầu tới đâu. Có Lozi, có Foody đấy nhưng vẫn chưa giải quyết được hết nhu cầu của khách hàng. Vấn đề của người dùng rất đa dạng, điều quan trọng là mình chọn hướng khai thác và giải quyết vấn đề đó như thế nào”, Trung chia sẻ.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM