Đường Biên Hòa mua đường thô của nước ngoài về tinh luyện: Chuyện chẳng có gì mới

27/11/2013 13:29 PM | Kinh doanh

Đường Biên Hòa đã có truyền thống mua đường thô nhập khẩu từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trong lĩnh vực nông nghiệp Cargill hay Olam International...

Thời gian gần đây, ngành mía đường đang nổi lên 2 cái tên là Đường Biên Hòa (BHS) và Hoàng Anh Gia Lai khi Đường Biên Hòa có kế hoạch nhập 30-40 nghìn tấn đường thô của HAGL từ Lào về nước tinh chế rồi xuất khẩu qua Trung Quốc.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) – tổ chức mà Đường Biên Hòa là thành viên – đang ra sức phản đối kế hoạch này khi cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới nông dân trồng mía trong nước.

Khi xem xét các tài liệu do Đường Biên Hòa công bố thì việc nhập đường thô từ nước ngoài không là vấn đề mới mẻ gì với công ty này.

Hiện nay, Đường Biên Hòa là một trong những doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện lớn nhất Việt Nam, sản lượng tiêu thụ năm 2012 lên đến gần 150 nghìn tấn. Các công ty cạnh tranh chính của Đường Biên Hòa trong mảng đường tinh luyện có Bourbon Tây Ninh (SBT), Mía Đường Lam Sơn (LSS) và các doanh nghiệp FDI như NIVL, KCP Việt Nam.

Sản lượng sản xuất từ các nhà máy của Đường Biên Hòa chỉ đáp ứng một phần cho hoạt động tinh luyện và phần còn lại được mua từ các đơn vị khác.

Đối với các nhà cung cấp trong nước, Đường Biên Hòa chủ yếu mua đường nguyên liệu từ các công ty như Cuộc sống Việt, Kim Hà Việt, Đường Ninh Hòa, SEC Gia Lai và Thương mại Thành Thành Công.

Bên cạnh đó, Đường Biên Hòa còn mua đường thô nhập khẩu từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trong lĩnh vực nông nghiệp Cargill hay Olam International... Số liệu nhập từ các công ty này không được công bố.

Như vậy có thể thấy nếu như Đường Biên Hòa đã và đang mua đường thô nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài thì việc doanh nghiệp này chuyển qua nhập đường thô do HAGL sản xuất không phải là vấn đề gì ‘quá ghê gớm’. Hơn nữa, tổng lượng đường nhập về không lớn so với tổng lượng đường sản xuất trong nước và đường tinh luyện lại được xuất sang Trung Quốc.

Đường Biên Hòa cũng vừa hoàn thành việc tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 315 tỷ lên 630 tỷ đồng. Theo phương án phát hành, toàn bộ số tiền thu được là 315 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Sau khi có thông tin Bộ Công Thương 'bật đèn xanh' cho phép HAGL xuất đường thô về nước cho Đường Biên Hòa tinh luyện, cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng kịch trần.



Các nhà cung cấp nguyên liệu cho Đường Biên Hòa


Khả Hãn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM