Dùng mác 'VIP' câu khách

23/10/2012 17:57 PM | Kinh doanh

Thay vì chỉ dành cho những dịch vụ thuộc giới thượng lưu, không ít sản phẩm "thường thường bậc trung" cũng mang tên VIP để câu khách.

Thông báo cung cấp dịch vụ "xe ôm VIP" của gia đình anh Long tại Mễ Trì, Mỹ Đình, Hà Nội đã khiến nhiều người tò mò. Theo anh Long, dịch vụ "xe ôm VIP" bao gồm nhân viên mặc đồ công sở, đi xe ga, đưa đón tận nhà, chờ đợi khách và chở hàng theo yêu cầu.

"So với những người đi xe ôm bình thường, dịch vụ này đương nhiên có những điểm tốt hơn hẳn nên mới lấy tên là VIP. Nhưng thực tế thì lượng khách cũng chẳng nhiều hơn bao nhiêu, một phần vì bây giờ người ta dùng từ VIP nhiều quá", anh Long chia sẻ.

Thực tế, chỉ cần lên mạng tìm kiếm "dịch vụ VIP", kết quả sẽ cho ra khá nhiều kết quả như cho thuê đồ cưới, rửa xe, đặt tour du lịch, đặt bàn nhà hàng, khách sạn, dịch vụ viễn thông... Trong đó, không thiếu dịch vụ của các ngân hàng cũng mang tên VIP.

Mới đây, MobiFone đã dành tặng chương trình hòa nhạc sang trọng mang tên “MobiFone Concert” cho khách hàng VIP (MobiGold) cao cấp tại Nhà Hát Lớn - Hà Nội vào tháng 7/2012. Đối với Hội viên Vàng, Kim cương và Titan, nhà mạng này còn ưu đãi chi phí cho khách hàng nghỉ dưỡng ở khách sạn, resort cao cấp.

Đối với khách hàng VIP của các ngân hàng, ngoài việc được tham gia bốc thăm khuyến mãi, hưởng tín dụng với lãi suất ưu đãi, dịch vụ VIP còn bao gồm cả chăm sóc và tặng quà chủ tài khoản trong những dịp sinh nhật hoặc ngày lễ, tết,..

Bên cạnh những dịch vụ VIP đúng nghĩa, không ít người lại gặp phải trường hợp nhà cung cấp gắn mác VIP chỉ để "cho sang". Anh Hưng, một nhân viên văn phòng luật tại Láng Hạ, Cầu Giấy cho biết không ít lần bị "hớ" vì dùng dịch vụ "cao cấp" như trên.

"Dân văn phòng thường thích đi Karaoke cuối tuần, nhưng lần nào đặt phòng chúng tôi cũng nhận được câu trả lời 'Đã hết phòng thường, chỉ còn phòng VIP'. Dĩ nhiên chi phí và chất lượng phòng VIP được ngầm hiểu là cao hơn so với mặt bằng chung. Thế nhưng, một lần, khi nhóm quyết định đặt trước tới 2 ngày thì mới được nhân viên ở đó cho biết tất cả các phòng đều có tên VIP. Vậy VIP cũng chỉ là một cái tên gắn kèm cho sang, chứ không nói lên chất lượng dịch vụ", anh Hưng chia sẻ.

Một quảng cáo "rửa xe VIP" có bản đồ chỉ dẫn và hình ảnh sexy (ảnh chụp màn hình).

Một lần khác, anh Hưng nhận được điện thoại chào hàng mua thẻ VIP của một khách sạn lớn tại Hồ Tây. "Muốn mở thẻ phải mất hơn 300 USD, nhưng khách có thẻ VIP chỉ được hưởng vài voucher giảm giá nếu đi ăn nhiều người hoặc dùng một số dịch vụ trong thời gian hạn chế".

Theo giám đốc của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vận tải cao cấp tại Hà Nội, trước đây, dịch vụ VIP rất ít và thường có chất lượng tốt hơn hẳn so với dịch vụ thường. "Nhưng nay, người ta dùng từ VIP như một cách câu khách, nghĩa là tốt xấu gì cũng VIP cả. 

Nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng có thể chịu mức phí VIP với một dịch vụ kiểu 'thường thường bậc trung. Cách làm này không chỉ khiến người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm có chất lượng của các nhà cung cấp có uy tín, mà còn khiến việc kinh doanh dịch vụ VIP của chúng tôi thêm khó khăn", vị này cho biết.

Theo Hạ Minh
Zing/Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM